Người dân nơi đây không biết cò về đây trú ngụ từ khi nào, chỉ thấy mỗi sớm tinh mơ hay khi chiều xuống, từng đàn cò trắng chao lượn trên bầu trời, tạo nên cảnh tượng kỳ lạ và đẹp mắt. Tụ hội ở đây có nhiều loài như cò trắng, cò liềm, cò lửa, cò bợ… Năm 1994, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công nhận quần thể Đảo Cò, Phủ Vạn và chùa Hoa Long (huyện Triệu Sơn) là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Theo chân cán bộ văn hóa huyện Triệu Sơn, chúng tôi về thăm Đảo Cò lúc trời nhập nhoạng tối, bởi đây là lúc đàn cò đi kiếm ăn từ các hướng quay trở về đảo trú ngụ. Ngày từ đầu làng, cách Đảo Cò chừng vài chục mét, trên nền trời xanh, những cách cò trắng lượn lờ rồi bay vòng tranh giành chỗ đậu với những tiếng kêu xé toang không gian yên tĩnh của làng quê.
Khác với vị trí rừng cây hay đồi núi hiểm trở của những vườn cò khác trong cả nước, Đảo Cò này nằm xen giữa khu dân cư trong một hồ nước lớn (người dân nơi đây gọi là Hồ Nga), chung quanh là hào sâu ngăn cách, giữa đảo là gần 1.000 bụi tre gai, đây chính là nơi trú ngụ lý tưởng của đàn cò sau một ngày kiếm ăn vất vả.
Với diện tích hơn 3,5 ha, trong đó có 2 ha mặt nước hồ bao quanh, tại đảo cò này, không chỉ có cò sinh sống mà đây còn là nơi ở của nhiều loài chim như: vạc, vịt trời, le le, cuốc, bìm bịp, bồ câu hoang và đặc biệt đang có 5 cá thể bồ nông sinh sống…
Theo nghiên cứu gần đây, Đảo Cò Tiến Nông có 6 bộ, 10 họ với 17 loài, trong đó Bộ Hạc gồm 6 loài, chiếm số lượng lớn. Ngoài cò trắng, cò bợ, từ đầu năm 2016, trên đảo còn xuất hiện thêm một cá thể cò mới với trọng lượng hơn 1kg/con, người dân gọi tạm là cò ốc, bởi loại cò này thường ăn ốc xung quanh hồ…
Ông Nguyễn Như Sơn, thôn 6, xã Tiến Nông cho biết: Người dân ở đây, không ai biết cò về đảo sinh sống từ bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra và lớn lên, hình ảnh những cánh cò trắng trao liệng trên nền trời rồi tìm nơi trú ngụ trên đảo đã trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày.
Điều đặc biệt là các thế hệ nhà cò hàng vạn con, đời nọ kế đời kia chung sống hòa thuận, quần tụ bên nhau, dù có gặp mùa giông bão dữ dằn, bị đe dọa sự sống, chúng vẫn bám trụ sinh tồn, phát triển, gắn bó với người dân nơi đây. Đàn cò không bao giờ phá hoại sản xuất, sản phẩm mùa màng; ngược lại luôn chăm chỉ tìm bắt sâu bọ, côn trùng gây hại cho lúa, rau màu trên đồng ruộng.
Những năm trước, do công tác quản lý còn lỏng lẻo, người dân ở các xã, huyện lân cận thường lén lút xâm nhập vào đảo để săn bắt cò trái phép. Mỗi ngày người dân bắt hàng tram con để giết thịt. Chính vì thế lượng cò ở đảo giảm hẳn.
Hiện nay, để bảo vệ đàn cò, chính quyền xã Tiến Nông giao cho công an xã quản lý, trông coi, nghiêm cấm người dân săn bắt chim, cò dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, nỗi trăn trở lớn nhất của người dân nơi đây là việc bảo vệ môi trường sống cho đàn cò trên đảo.
Tháng 4/2016, cả xã Tiến Nông hoang mang, khi bỗng vào một ngày cò đi kiếm ăn rồi di cư sinh sống nơi khác. Hàng vạn con cò bình thường vẫn đậu trắng cả một vùng bỗng chỉ còn một bãi hoang. Khi đó nhiều người cho rằng cò bỏ đi, trong làng có chuyện chẳng lành.
Có những kẻ mê tín phao tin làng bị động long mạch nên cò không muốn sinh sống ở đây nữa. Thông tin đó khiến cho dân chúng hết sức hoang mang. Tuy nhiên, sau một thời gian vắng bóng, những cánh cò quen thuộc lại lần lượt tìm về trong niềm hân hoan chào đón của người dân trong làng.
Ông Bùi Kim Dậu, Trưởng phòng Văn hóa huyện Triệu Sơn cho biết, xây dựng Đảo Cò trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trong cuộc hành trình Sầm Sơn - Đảo Cò Tiến Nông - Phủ Na - Am Tiên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Đề án phát triển du lịch của huyện Triệu Sơn giai đoạn 2016- 2020.
UBND huyện Triệu Sơn thường xuyên quan tâm, chỉ đạo xã Tiến Nông quan tâm đầu tư, tạo môi trường sống cho cò để đảo cò thật sự là chốn bình yên cho các loại chim sinh sôi, nảy nở, góp phần giữ gìn, bảo vệ nét văn hóa cho thế hệ mai sau.
Theo đó, UBND xã đã kiểm tra, khảo sát toàn bộ diện tích tre gai trên hồ, kịp thời huy động dân quân trồng lại hơn 400 gốc tre già cỗi, thoái hóa. Đảm bảo môi trường sống an toàn cho đàn cò, UBND xã Tiến Nông đã thuê máy múc đào sâu các hào xung quanh đảo để tạo sự ngăn cách với bên cạnh, đồng thời dựng 500m hàng rào thép gai ở khu vực phía bắc của vườn cò để ngăn không cho kẻ xấu vào săn bắt cò trái phép.
Bên cạnh đó, xã đã đào thêm các hào dẫn nước vào hồ, đảm bảo nguồn nước luôn được lưu thông. Xác định nâng cao ý thức của người dân là then chốt trong việc bảo vệ đàn cò, xã Tiến Nông đã tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người dân nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời báo cáo chính quyền xã khi phát hiện đối tượng lạ thâm nhập vào đảo. Nhờ vậy, hiện nay, số lượng cò về trú ngụ tại đảo không ngừng tăng thêm, ước tính hàng vạn con…