Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), vào năm 1947, dưới sự chỉ đạo của Quân khu 9, Công binh xưởng 18 được thành lập tại hang núi Mo So, ban đầu chỉ có 8 thợ chính, 14 thợ phụ và 20 công nhân tập sự. Nhiệm vụ chính của xưởng là sửa chữa súng hỏng, gãy cò, vỡ báng; sản xuất lựu đạn, súng kíp, súng ngắn phục vụ kháng chiến.
Đầu tháng 3/1951, thực dân Pháp tấn công, đánh chiếm Mo So bằng ba mũi gồm quân nhảy dù, pháo binh và lính thủy đánh bộ, với tổng số khoảng 600 quân địch. Về phía ta, công nhân trong xưởng chỉ hơn 60 người, chiến đấu cầm cự rút lui an toàn về xã Bình Sơn. Địch chiếm được Mo So, đập phá công binh xưởng và vận chuyển đi một số phương tiện, thiết bị sửa chữa, sản xuất vũ khí. Sau 4 ngày bắn phá, địch rút khỏi Mo So, công nhân trở về tu sửa xưởng, phương tiện, thiết bị và tiếp tục sửa chữa, sản xuất vũ khí.
Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975), Mo So là căn cứ cách mạng, điểm chốt quan trọng trên tuyến Đường 1C chi viện vũ khí, đạn dược từ Bắc vào Nam. Trong 2 năm (1969 - 1970), địch mở nhiều chiến dịch, điên cuồng đánh vào Mo So với lực lượng quy mô, hỏa lực mạnh, quyết hủy diệt căn cứ cách mạng này nhưng bất thành. Lực lượng của ta dựa vào thế hang động hiểm trở, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, sáng tạo của các cán bộ, chiến sĩ đã làm thất bại ý đồ xóa sổ Mo So của địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề về khí tài, lực lượng, tinh thần hoảng loạn. Tính từ tháng 7/1969 đến tháng 4/1970, tại núi Mo So, lực lượng của ta đã tiêu diệt và loại ra khỏi hàng ngũ hơn 4.000 tên địch, phá hủy 80 xe tăng và nhiều trọng pháo, bắn rơi 10 máy bay, thu nhiều đồ dùng quân sự khiến quân địch hoang mang mất sức chiến đấu, không còn mở các chiến dịch đánh chiếm Mo So.
Căn cứ cách mạng Mo So vững chắc trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù, góp phần cùng với cả nước và Nam Bộ làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ông Phan Văn Hữu (ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương) chia sẻ: Năm 2000, ông đến núi Mo So và ở đây đến nay, hằng ngày hướng dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm hang động. Núi Mo So có khoảng 20 hang động lớn, nhỏ, đa số gắn với tên của một đơn vị cách mạng trong kháng chiến như: hang Huyện Đội, hang Quân y, hang Kinh Tài, hang Điện đài, hang Nước… Trong đó, hang Quân y là nơi cứu chữa, trị thương cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị thương trong quá trình chiến đấu với kẻ thù.
Ông Trần Văn Tồn, cán bộ Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thanh huyện Kiên Lương chia sẻ: “Ngày 13/2/1995, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Mo So là Di tích Lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia. Lượng khách du lịch từ khắp các vùng, miền trên cả nước đến tham quan, tìm hiểu Mo So ngày càng đông, trong đó có người thân của những cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã hy sinh ở nơi này và những thương binh, bệnh binh đã từng sống, chiến đấu tại đây trở về thăm lại chiến trường xưa. Huyện đã lập bia trước cửa hang Quân y để tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân huyện Kiên Lương, đồng thời để mọi người thắp hương, tưởng nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống khi đến tham quan, trải nghiệm núi Mo So.
Những hang động ở núi Mo So như một tuyệt tác thiên nhiên, ẩn chứa nhiều giá trị độc đáo về mỹ thuật, địa chất, địa mạo… góp phần phát triển du lịch, tham quan, trải nghiệm, khám phá của du khách và phục vụ nghiên cứu khoa học. Đây là niềm tự hào của người dân Kiên Giang nói chung và Kiên Lương nói riêng.
Tỉnh Kiên Giang đã lập quy hoạch đầu tư phát triển Di tích Lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia Mo So nhưng tiến độ rất chậm, di tích chưa được khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có. Những giai đoạn trước, núi Mo So bị xâm hại, khiến những giá trị độc đáo dần biến mất. Nhiều thạch nhũ ở các hang động “rơi rụng” do bị đánh cắp, cảnh quan môi trường nhếch nhác… Gần 30 năm trôi qua kể từ khi được công nhận Di tích Lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia, Mo So còn ở điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng chậm được đầu tư tương xứng.
Ông Phan Văn Hữu cho biết: “Tôi hướng dẫn khách tham quan, họ đều nói hang, động rất đẹp nhưng đường đi trong hang chưa đẹp, ánh sáng không phù hợp, không bắt mắt, cơ sở hạ tầng phục vụ còn nhiều hạn chế, yếu kém… Từ phản ánh của du khách, tôi đề xuất cấp trên, ngoài giữ lại nét hoang sơ, vẻ tự nhiên của các hang, động, cần đầu tư đường sạch đẹp, trang trí đèn làm nổi lên vẻ đẹp của các thạch nhũ…”.
Ông Trần Văn Tồn cho biết thêm: Mo So hiện tại có 10 hang, động có thể cho khách tham quan và vẫn đang trong quá trình khảo sát, đầu tư khai thác. Khu Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia này cần được đầu tư khang trang hơn để khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch, hấp dẫn, thu hút và giữ chân du khách. Cụ thể như: phục dựng lại hiện trạng công binh xưởng, sản xuất vũ khí, khí tài, chăm sóc và chữa bệnh thương binh, nhà trưng bày lịch sử và tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ; đầu tư cơ sở hạ tầng về đường đi trong hang động, nhà nghỉ ngơi và ăn uống khu vực di tích; đào tạo hướng dẫn viên, quảng bá, giới thiệu Mo So… Đây là những việc làm cần thiết để phát huy giá trị của Di tích, tôn vinh những cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; đồng thời, để Mo So vừa là điểm du lịch hấp dẫn của vùng du lịch trọng điểm Hà Tiên - Kiên Lương, vừa là nơi giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng của cha, ông cho nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ tiếp nối.