Bộ quy tắc TransViet Travel đã xây dựng và phổ biến cho du khách trong thời gian qua. |
Thiếu hiểu biết nên… xấu
Dù chưa thật sự quá nóng đến mức trở thành làn sóng tẩy chay như với du khách của một số nước trên thế giới; nhưng những “vấn nạn” của khách du lịch Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung khi đi du lịch trong và ngoài nước cũng thật sự khiến xã hội băn khoăn và khiến những người làm du lịch có tâm thấy cần phải trăn trở. Đó có thể là hành vi xả rác bừa bãi, cướp lộc, cướp ấn, xâm phạm di tích tại các điểm du lịch, lễ hội trong và ngoài nước. Nhưng đó cũng có thể là những hành vi lớn hơn, gây ảnh hưởng không chỉ tới hình ảnh cá nhân, mà là hình ảnh quốc gia; từ việc lớn như ăn cắp vặt, lợi dụng hình thức đi du lịch để trốn lại nước sở tại nhằm tìm kiếm việc làm, hay việc không chịu xếp hàng, vứt rác bừa bãi, nói cười thiếu văn minh, thậm chí cả việc “ăn buffet” không đúng cách…
Trong những hành vi gọi là “lỗi” kể trên, có những hành vi thuộc về sự giáo dục, thói quen; nhưng cũng có rất nhiều hành vi là vì thiếu hiểu biết. Có lẽ, không du khách Việt nào muốn mình xấu xí cả, nhất là ra nước ngoài; khi những hành vi của mình có thể nhận được sự coi thường, thậm chí là khinh thường của người nước ngoài; hay khiến mình trở nên lạc lõng, vô duyên. Nhưng, cũng chưa ai dạy cho du khách cách làm người văn minh khi ra nước ngoài, điều mà không phải du khách nào cũng biết. Chính vì thế, trách nhiệm xem ra cũng thuộc về chính ngành du lịch, những doanh nghiệp du lịch, khi để du khách của mình “xấu xí” như vậy.
Và cuộc tọa đàm này, có lẽ là lần ngành du lịch “nhận trách nhiệm” và thực hiện bước đầu tiên của việc “có trách nhiệm” với văn minh của du khách Việt Nam. Khi tất cả những ý kiến, cả của người cao nhất là ông Vũ Thế Bình, đến những doanh nghiệp trực tiếp làm du lịch như Công ty TransViet Travel, Công ty Dã ngoại Lửa Việt; đều nhất trí cao về việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho du khách Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet trình bày về ý tưởng Nâng cao văn minh du lịch |
Dự thảo bộ quy tắc dài tới 6 trang, khá đầy đủ và chi tiết, thậm chí tới từng hành vi, cử chỉ cụ thể của du khách; gồm cả cách ứng xử với con người, ứng xử với môi trường, ứng xử với quốc gia, dân tộc; tới những “Hành vi cần xây dựng” và “Hành động nên làm”, từ việc tư vấn về việc “nói lời hay, cử chỉ đẹp”, “Xếp hàng, đi đứng trật tự”, “cư xử đúng mực và lịch sự”, đến việc “bảo tồn các loài động vật hoang dã”, “bỏ rác đúng cách, đúng nơi quy định”, “bảo vệ bầu không khí”, “bảo vệ nguồn nước”… đến mức thực sự nếu đọc và làm đúng những quy tắc này, chắc chắn khách du lịch Việt Nam sẽ là những du khách thật sự văn minh.
Những “hạt muối” đầu tiên
“Bối cảnh chung” là vậy, nhưng thời gian qua, cũng đã có những doanh nghiệp du lịch, giống như rắc những hạt muối đầu tiên cho biển mặn, đã tiên phong trong việc tự nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc ứng xử của riêng mình cho du khách và tuyên truyền, phổ biến tới du khách của mình; nhằm xây dựng những khách du lịch Việt Nam văn minh đầu tiên. Cái tên tiên phong ấy là TransViet Travel.
Tuyên truyền Du lịch văn minh cho du khách tại sân bay Nội Bài. |
Ý tưởng bắt đầu từ chính Phó giám đốc TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt, được ấp ủ một thời gian, được chia sẻ với một số bạn bè trong giới và cuối cùng là thành “giấy trắng mực đen” với bản poster “Du lịch văn minh- Tự hào là người Việt khi đi du lịch”, gồm 30 quy tắc: Cư xử văn minh, Tuân thủ pháp luật và Du lịch có hiểu biết; với những điều nên và không nên làm của du khách khi đi du lịch. Những tờ rơi này đã được TransViet Travel phát cho tất cả du khách của mình. Đồng thời một chiến dịch tuyên truyền về văn minh du lịch đã được TransViet Travel thực hiện tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất từ tháng 2/2016, theo đó yêu cầu Hướng dẫn viên phải nhắc nhở du khách trước và trong quá trình đi tour. Bên cạnh đó , TransViet Travel cũng tham gia viết bài tuyên truyền văn minh du lịch trên các báo và mạng xã hội. Gần đây nhất là hoạt động tuyên truyền về văn minh du lịch tại Hội chợ “Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh” diễn ra từ 24-27/3 vừa qua.
Tuyên truyền Du lịch văn minh tại Nhà hát Lớn Hà Nội – nơi tập trung nhiều du khách chuẩn bị đi du lịch. |
“Qua thực tế triển khai cho thấy, nếu được tuyên truyền, nhắc nhở, du khách sẽ hạn chế đáng kể những hành vi xấu, kém văn minh lịch sự. Du khách trong các đoàn cũng vui vẻ đoàn kết hơn do không còn sự khó chịu gây ra bởi những hành vi xấu của những người đi trong đoàn. Với mong muốn nhân rộng hành vi tốt đẹp, văn minh, đẩy lùi hành vi xấu, lạc hậu trong du khách Việt, Công ty du lịch TransViet Travel kêu gọi sự hưởng ứng và vào cuộc của các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý văn hóa, du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các công ty du lịch khác, các cơ sở đào tạo và đặc biệt các du khách để thực hiện chương trình “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”. Trong thời gian tới, Công ty du lịch TransViet Travel sẽ tích cực triển khai các hoạt động nhằm tuyên truyền cho khách thực hiện văn minh du lịch như thực hiện diễu hành đường phố cổ động cho văn minh du lịch; tham gia cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” tại Hội chợ VITM 2016; xây dựng trang facebook/website chủ đề “Nâng cao hình ảnh du khách Việt; đào tạo cho HDV cách tuyên truyền, nhắc nhở khách thực hiện văn minh du lịch. Công ty Du lịch TransViet Travel hy vọng sẽ nhận được sự hưởng ứng của du khách, các công ty du lịch, cơ quan quản lý, đào tạo và truyền thông để chúng ta có thể xây dựng văn minh du lịch- tự hào là người Việt khi đi du lịch trong và ngoài nước”, Phó giám đốc TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.