Hiện nay trên địa bàn Lai Châu có 4 điểm du lịch cộng đồng được tỉnh công nhận đó là bản Nà Luồng, bản Hon (huyện Tam Đường), bản Gia Khâu I (thị xã Lai Châu) và bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ). Đây được xem là những “hạt nhân” quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng ở Lai Châu, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân bản địa, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Tây Bắc. Bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ) là một trong những bản du lịch cộng đồng độc đáo bởi đây là bản cổ xưa nhất của người Thái trắng ở Lai Châu. Nơi đây có những nét văn hóa đặc trưng với 36 điệu xòe, ẩm thực độc đáo và nhiều lễ hội văn hóa đặc biệt không thể hòa lẫn như lễ hội Nàng Han, Then Kin Pang, Kin Lẩu Khẩu Mẩu…Ngoài bản Vàng Pheo, một điểm đến không kém hấp dẫn với 100% đồng bào dân tộc Lự sinh sống, đó là Bản Hon (huyện Tam Đường). Những năm qua, bản sắc dân tộc Lự nơi đây vẫn được bảo tồn và duy trì qua nhiều thế hệ với những kiến trúc nhà sàn, tục nhuộm răng đen, dệt vải, đan lát…
Khung cảnh bản Nà Luồng. Ảnh: VNP |
Ngoài ra, còn nhiều địa điểm du lịch mang nét hoang sơ như động Tiên Sơn; thác Tắc Tình; động Thiên Sơn – Pa Sam Cáp; cao nguyên Sìn Hồ; núi Đá Ô; suối khoáng nóng Vàng Pó… cùng hàng trăm điểm du lịch với nhiều sản phẩm được tạo ra từ các nghề truyền thống đồng bào như ẩm thực, rượu ngô, vải thổ cẩm, mây tre đan… Đây chính là những thế mạnh để Lai Châu phát triển hơn nữa loại hình du lịch cộng đồng.
Tiềm năng du lịch là rất lớn, dù một số điểm đã đi vào hoạt động nhưng việc phát triển loại hình du lịch này vẫn mang tính chất manh mún và chưa thực sự hiệu quả. Ông Mào Văn Niểm, trưởng bản Vàng Pheo cho biết, mỗi tháng bản chỉ đón tiếp khoảng 2 đến 3 đoàn khách vãng lai, số lượng mỗi đoàn rất ít. Ngành du lịch cũng đã đầu tư nhưng vẫn thiếu nhiều thứ. Để thu hút du khách, bản Vàng Pheo đã được đầu tư xây dựng đường bê tông, nhà sàn văn hóa, bàn ghế và một số thiết bị máy móc nhưng chưa hoàn chỉnh. Việc đầu tư từ năm 2007 đến nay đã làm nhiều thiết bị bị hỏng hóc.
Là bản du lịch cộng đồng nhưng chất lượng các dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Đơn cử là chưa có sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống đặc thù. Du khách đến không biết mua gì làm vật kỷ niệm ngoài những bức ảnh tự chụp. Thậm chí, nhà vệ sinh công cộng cũng chưa được xây dựng. Hiện tại, việc giải quyết ăn uống, ngủ nghỉ tại chỗ theo nhu cầu của khách rất khó. Nhiều đoàn muốn sống và trải nghiệm cuộc sống với bà con dân tộc nhưng không gian và chất lượng chỗ ở vẫn chưa thể đáp ứng được – Trưởng bản Vàng Pheo cho biết thêm.
Dân bản trải giường đón khách du lịch. Ảnh: Baolaichau |
Những khó khăn của bản du lịch Vàng Pheo là khó khăn chung của các bản du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo ngành Du lịch Lai Châu, ngoài cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu thì hầu hết người dân ở các bản du lịch cộng đồng đều chưa được trau dồi các kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách. Điều này ảnh hưởng đến quá trình kéo dài thời gian lưu trú của khách. Hơn nữa, các điểm du lịch cộng đồng lại nằm rải rác, cách xa nhau nên di chuyển khá vất vả, trong khi đường giao thông đi lại rất khó khăn…
Phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh miền núi như Lai Châu là cách xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế, Lai Châu cũng đã có những động thái đầu tư và khuyến khích đầu tư để khuyến khích phát triển du lịch. Ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, trong “Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội năm 2013”, Lai Châu đã tham dự gian hàng cùng với 8 tỉnh Tây bắc mở rộng. Qua đó quảng bá tuyến – điểm du lịch, các tiềm năng, thế mạnh, cơ chế và chính sách đầu tư du lịch ở Lai Châu đến với các doanh nghiệp lữ hành. Ngành Du lịch đang tiến hành xây dựng bản thuyết minh mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng thí điểm tại bản Hon (huyện Tam Đường) để qua đó có thể nhân rộng ra toàn tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến điểm du lịch đến với các công ty lữ hành và du khách…
Để du lịch cộng đồng ở Lai Châu phát huy được tiềm năng và lợi thế, cần thiết có một “cú hích” đủ mạnh. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, trước nhất cần tổ chức bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp đơn giản, kỹ năng kinh doanh du lịch cộng đồng cho bà con dân tộc bản địa là cần thiết. Đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm loại hình du lịch ẩm thực, các vật phẩm du lịch đặc trưng, vừa có thể quảng bá văn hóa đặc trưng Lai Châu, lại đem lại nhập cho bà con dân tộc thiểu số.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lai Châu, hiện trên địa bàn có gần 100 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với trên 1.400 phòng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, đã có trên 80.000 lượt khách đến Lai Châu tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế là gần 8.000 lượt… Nếu những khó khăn trên được giải quyết thì chắc chắn số lượt khách du lịch đến với địa phương này sẽ còn cao hơn rất nhiều. Đây chính là cơ hội để bà con dân tộc thiểu số nơi đây giảm nghèo một cách bền vững hơn.
Quang Duy