Năm cũ qua, năm mới đến. Cả thế giới vui mừng đón chào một năm mới với nhiều niềm vui và hy vọng mới. Dù khác nhau về phong tục, quan niệm, truyền thống, nhưng người dân mỗi quốc gia đều có chung một tâm trạng khi đón thời khắc quan trọng này, đó là sự hồi hộp và niềm hạnh phúc hân hoan.
Thổ Nhĩ Kỳ: Năm mới “lai” Giáng sinh
Đến Thổ Nhĩ Kỳ, những du khách theo đạo Thiên Chúa hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy tục đón năm mới ở quốc gia này có những nét na ná với lễ Giáng sinh. Vào thời điểm cuối năm, phần lớn các thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ đều được trang hoàng rực rỡ ánh đèn.
Các cửa hiệu được trang trí bằng cây thông xanh, bông tuyết, bít tất đỏ và nhiều đồ đặc trưng của ngày lễ Giáng sinh. Các khu vực bán sản phẩm trang trí nhà cửa nhân dịp năm mới tại siêu thị và trung tâm mua sắm tràn ngập những thứ liên quan đến Giáng sinh, đặc biệt là hình ảnh ông già Noel mà người dân nước này gọi là Noel Baba.
Điều này gây bối rối và ngạc nhiên cho nhiều du khách nước ngoài lần đầu tiên đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ở quốc gia này, bông tuyết, cây thông, bít tất đỏ, thậm chí cả gà tây đều dành cho năm mới chứ không phải Giáng sinh.
Đêm ngày 31/12 dương lịch, người Thổ Nhĩ Kỳ thường đón năm mới cùng người thân và bạn bè. Họ có thể tổ chức những bữa tiệc nhỏ với âm nhạc, trò chơi hay xem chương trình truyền hình.
Vào đêm cuối cùng của năm cũ, người thân thường tặng nhau kẹo và bánh. Trong đó, bánh đêm giao thừa bao giờ cũng kèm theo hạt dẻ để cầu mong gặp may mắn trong năm tới. Ngoài ra, pháo hoa cũng là một phần không thể thiếu khi người Thổ Nhĩ Kỳ đón năm mới nói riêng và các dịp lễ khác nói chung.
Đến Thổ Nhĩ Kỳ vào dịp đầu năm, nếu muốn thực sự hòa nhập với xã hội và văn hóa nơi đây, bạn cũng nên hiểu chút ít về những phong tục, tín ngưỡng của người dân. Ví dụ như, để cầu chúc cho một năm mới an lành và thịnh vượng, người Thổ Nhĩ Kỳ không khóa cửa nhà lúc nửa đêm và họ rắc muối ở lối vào nhà.
Trong đêm cuối của năm cũ, họ còn mặc đồ lót màu đỏ. Người dân quốc gia này còn có thói quen mua xổ số vào dịp cuối năm với hy vọng trúng được một số tiền lớn. Kết quả xổ số sẽ được kênh truyền hình quốc gia thông báo ngay trước đêm giao thừa.
Rumani: Điệu nhảy của chú gấu rơm
Một người hóa trang thành gấu trình diễn ở thủ đô Bucarét dịp năm mới. |
Lễ đón năm mới ở Rumani rất phong phú với nhiều truyền thống mà người dân nước này lưu giữ từ rất lâu. Người dân Rumani rất tôn trọng và thực hiện nhiều truyền thống nhằm bảo tồn, truyền lại cho con cháu mai sau một nền văn hóa phong phú. Phần lớn các phong tục đầu năm đều hướng tới cầu may mắn và của cải.
Đêm giao thừa ở Bucovina, khu vực miền bắc Rumani, thường được bắt đầu bằng một số hoạt động truyền thống của trẻ em. Trẻ em chia thành từng nhóm 4 người mang theo chuông và những lời chúc tốt lành đến gõ cửa từng nhà báo hiệu năm mới.
Một em làm nhiệm vụ rung chuông và đọc một bài thơ đặc biệt nhân dịp năm mới có tên Plugusorul (Lưỡi cày nhỏ) hàm ý những biểu tượng tốt lành cho sự sinh sôi nảy nở và sức sống mới. Trong ba em còn lại, một người làm nhiệm vụ vung roi da và hai người chơi Buhai (một nhạc cụ giống cái bình nhỏ, một đầu hở, một đầu bọc da động vật vẫn còn lông, thường là da ngựa).
Trong hai em đó, một em sẽ cầm Buhai còn em kia kéo chùm lông trên Buhai để nó phát ra âm thanh giống tiếng kêu của con bò đực. Khi chúc mừng năm mới ông bà hay người già, trẻ em cầm một cành cây hay một cái que nhỏ gắn nhiều hoa giả (gọi là sorcova) rồi chạm nhẹ vào người ông bà theo nhịp điệu, vừa chạm vừa chúc mừng ông bà sống lâu và một năm mới hạnh phúc.
Khu vực Humor ở vùng đông bắc Rumani nổi tiếng với một phong tục độc nhất vô nhị vào dịp năm mới. Đó là màn biểu diễn điệu nhảy của chú gấu bằng rơm. Một nhóm người đeo mặt nạ đóng vai con gấu, con dê cái và con ngựa.
Nhóm này sẽ vừa nhảy múa vừa hát. Đoạn cao trào nhất là đoạn kể về cái chết của con gấu. Sau khi chết, con gấu sẽ sống lại nhờ một câu thần chú kỳ diệu. Cái chết và sự hồi sinh của con gấu thể hiện cho vòng quay liên tục của các mùa trong năm.
Kết thúc điệu nhảy, mặt nạ và quần áo làm bằng rơm của người đóng vai gấu sẽ được mang đi đốt. Trong điệu nhảy, người đóng vai gấu phải di chuyển rất chậm.
Còn ở những vùng khác như Bran (phía nam), người dân coi năm mới là dịp để thực hiện những nghi lễ như xem bói bằng mũ (Sanvlasiile), làm lịch bằng hành tây, giải quyết bất hòa.
Người ta làm lịch hành tây như sau: Rắc muối lên 12 lớp vỏ hành tây. Nếu muối tan chảy ở một lớp vỏ nào đó, có nghĩa là tháng đó sẽ mưa. Trong lễ Sanvlasiile, người ta đặt một vài mẩu giấy bên trong cái mũ, mỗi mẩu giấy là một dự báo cho năm sau. Qua nghi lễ này, người ta có thể dự báo về việc lập gia đình, mùa màng, nạn đói, thảm họa thiên nhiên…
Thức ăn trong dịp năm mới rất quan trọng với người Rumani và họ dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Theo truyền thống, thịt là món phải có trên bàn ăn. Một điều đặc biệt là người Rumani không ăn thịt gà vào đêm giao thừa vì họ cho rằng gà mang đến xui xẻo.
Theo truyền thuyết, gà mái chính là loài đã hại Trái Đất, khiến mọi vật chìm trong bóng tối. Thay vào đó, người Rumani ăn thịt lợn vì lợn mang lại may mắn cho Trái Đất. Bữa ăn tối sẽ có rất nhiều rượu vang, rượu hoa quả và nhiều món ăn truyền thống khác như sarmale (cải bắp cuốn thịt băm), xúc xích, bánh quy… Người Rumani tin rằng bữa tối đầu tiên trong năm mới mà phong phú thì cả năm họ sẽ được no đủ.
Ailen: Đập bánh mỳ đón năm mới
Người dân ở Portmagee đón năm mới. |
Ailen vốn có nhiều truyền thống và phong tục nổi tiếng và rất nhiều trong số đó được thể hiện trong dịp năm mới. Từ rất lâu, người Ailen đã có phong tục chuẩn bị đón năm mới bằng việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Họ quan niệm rằng một ngôi nhà được lau chùi sạch tươm sẽ là một điềm tốt cho cả năm. Trong nhà, họ tích trữ nhiều thực phẩm và than để hy vọng năm mới sẽ no đủ. Các thành viên trong gia đình cùng ngồi quanh bàn ăn thưởng thức một bữa linh đình đón chờ thời khắc đầu tiên của năm mới.
Một phong tục nữa mà người Ailen thường thực hiện trong dịp năm mới là dùng bánh mỳ đập vào cửa và tường nhà. Phong tục này nghe có vẻ kỳ cục nhưng theo quan niệm của người dân Ailen, nó sẽ giúp tống khứ những điều xui xẻo và mang những vị thần hộ mệnh đến cho ngôi nhà của mình. Phong tục này còn ẩn chứa hi vọng năm tới sẽ luôn có đủ lương thực.
Thời xưa, dịp năm mới, người dân Ailen tưởng nhớ những người thân trong gia đình qua đời năm trước bằng cách xếp một chỗ cho họ tại bàn ăn và không khóa cửa.
Về tục lệ xông nhà đầu năm, trong quan niệm của người Ailen, người đầu tiên bước vào nhà trong năm mới sẽ đem lại may mắn nếu đó là một người đàn ông cao to, đẹp trai. Nhưng nếu bạn là một cô gái trẻ có mái tóc đỏ thì chớ có xông nhà người Ailen vì họ cho rằng bạn sẽ chỉ mang lại khó khăn và đau khổ.
Trước khi đi ngủ vào đêm cuối cùng của năm cũ, các cô gái trẻ Ailen còn đặt một nhánh cây tầm gửi dưới gối với hy vọng sẽ tìm được ý trung nhân trong năm mới.
Người Ailen còn có truyền thống dự đoán về tương lai chính trị của đất nước bằng cách kiểm tra hướng gió thổi vào đêm giao thừa. Nếu gió từ phía tây, năm đó tình hình chính trị sẽ ổn định. Còn gió thổi từ phía đông tức là người Anh sẽ có ảnh hưởng lớn tới chính trị của Ailen.
Ở một làng chài nhỏ tên Portmagee ở hạt Kerry, người dân đón năm mới bằng cách… chúc mừng năm cũ. Họ chúc mừng mọi thứ đã xảy ra trong năm cũ bằng âm nhạc và vũ điệu. Còn ở hòn đảo Achill xinh đẹp ngoài khơi hạt Mayo, người dân còn có tục uống nước lạnh như băng trên Đại Tây Dương và tham gia bơi lội ở biển Silver Strand lúc 1 giờ chiều ngày đầu tiên của năm mới.
Côlômbia: "Đốt” năm cũ
Hình nộm của “anh chàng” năm cũ ở Côlômbia. |
Năm mới là một sự kiện quan trọng ở Côlômbia. Mọi người bất kể tôn giáo, chủng tộc đều tổ chức đón mừng năm mới trong không khí tràn ngập niềm vui. Đây cũng là dịp để người dân quốc gia này khoe với bạn bè thế giới những phong tục, tập quán phong phú và một nền văn hóa đa dạng.
Một phong tục phổ biến trong dịp năm mới ở Côlômbia là người dân tụ tập vào thời khắc giao thừa và chúc mừng nhau. Người Côlômbia có tục đón năm mới với phong tục "đốt" năm cũ. Phong tục này có sự tham gia của toàn thể gia đình.
Họ chuẩn bị trước một hình nộm nam giới tượng trưng cho năm cũ. “Anh chàng" năm cũ này sẽ được mặc quần áo cũ của các thành viên trong gia đình và được quấn xung quanh nhiều pháo hoa.
Họ nhét vào người hình nộm những thứ họ không còn cần, những thứ có thể gợi lại những kỷ niệm đau buồn hoặc mảnh giấy ghi lại những lỗi lầm hay những điều xui xẻo trong năm cũ.
Sau đó, vào lúc nửa đêm giao thừa, họ đốt hình nộm. Bằng cách này, họ có thể giũ sạch những nỗi buồn của năm cũ trước khi bước vào năm mới. Lễ đốt hình nộm được coi là một tục rất ấn tượng và thiêng liêng để đón năm mới của người Côlômbia.
Vào lúc chuyển giao năm cũ và năm mới, người dân nước Nam Mỹ này thường bỏ đồ trang sức vào ly rượu trước khi uống chúc mừng năm mới với hy vọng năm sau sẽ giàu có, sung túc.
Người Côlômbia cũng nấu món cơm trộn với đậu lăng để ăn vào lúc giao thừa. Họ gửi gắm những hy vọng về một năm no đủ, mùa màng bội thu. Ngoài ra, họ còn đầu tư nhiều thời gian làm món bánh mỳ cho năm mới.
Chiếc bánh mỳ đặc biệt này có một đồng xu đặt bên trong. Sau khi nướng xong, người chủ gia đình sẽ cắt ổ bánh mỳ lúc nửa đêm rồi chia cho mọi người. Người ta cho rằng ai nhận được phần bánh mỳ có đồng xu sẽ là người may mắn trong cả năm.
Thùy Dương (biên dịch)