Trong 1 năm, số lượt tìm kiếm khách sạn trong khu vực đã tăng 28%, tỷ lệ đăng ký lưu trú tại các khách sạn cũng tăng 57%. Niềm tin du lịch nhìn chung trên toàn khu vực tăng khoảng 40%.
Chùm bài “Đông Nam Á phục hồi du lịch” do nhóm phóng viên TTXVN tại khu vực Đông Nam Á thực hiện sẽ cung cấp bức tranh chung về nỗ lực của các nước hồi sinh ngành du lịch sau đại dịch, qua đó Việt Nam có thể học hỏi, phát huy hết tiềm năng, giúp ngành du lịch cất cánh.
Chùm gồm 3 bài: Bài 1 - Tạo niềm tin cho mỗi điểm đến; Bài 2 - Đón bắt cơ hội; Bài 3 - Hướng đi cho du lịch Việt Nam.
Bài 1: Tạo niềm tin cho mỗi điểm đến
Quá trình phục hồi du lịch của các nước Đông Nam Á không hề dễ dàng, bởi khi các quốc gia trên thế giới dần mở cửa biên giới, sự cạnh tranh trong ngành du lịch cũng khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 để lại những ảnh hưởng kéo dài đối với ngành du lịch. Theo người đứng đầu Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Chamnan Srisawat, thiếu hụt nhân sự là vấn đề đầu tiên.
Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều lao động ngành du lịch đã bỏ nghề để mưu sinh, nên việc bổ sung nhân sự ngay khi mở cửa lại biên giới cho du khách nước ngoài là thách thức. Năng lực vận chuyển của các hãng hàng không cũng chưa trở lại như mức trước đại dịch, trong khi lượng khách du lịch phụ thuộc vào việc mở đường bay thẳng giữa các điểm đến. Hậu dịch bệnh, xu hướng du khách tăng mạnh sẽ đòi hỏi duy trì và nâng cấp các tiêu chuẩn dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển hạ tầng, tăng cường khả năng thích ứng và cạnh tranh của doanh nghiệp
Giải quyết các thách thức trên, các nước Đông Nam Á đã định hình lại các ưu tiên phát triển du lịch, hướng tới sự chuyển dịch bền vững với các chiến lược, biện pháp sáng tạo để thích ứng với tình hình mới, đồng thời tạo niềm tin đối với những điểm đến du lịch an toàn, chất lượng.
Một trong những giải pháp thu hút du khách quốc tế là nới lỏng chính sách thị thực. Indonesia đã mở rộng cấp thị thực nhập cảnh cho công dân 72 nước, cấp thị thực 5 năm cho khách nước ngoài lưu trú tại đây mà không phải trả thuế với điều kiện họ không kiếm tiền trong lãnh thổ Indonesia. Thái Lan đã tăng thời hạn lưu trú lên 45 ngày đối với khách du lịch từ các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn thị thực, và 30 ngày đối với những khách du lịch đủ điều kiện xin thị thực nhập cảnh.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo nhu cầu mới đang trở thành xu thế chung. Sau đại dịch, phần lớn du khách là các bạn trẻ đi du lịch một mình hoặc theo nhóm nhỏ, lựa chọn các điểm tham quan và nghỉ dưỡng sạch sẽ, an toàn và bền vững. Nắm bắt được thay đổi trong thị hiếu của du khách, Indonesia ưu tiên quảng bá và thúc đẩy các điểm đến gần gũi với thiên nhiên, tập trung vào các khía cạnh sức khỏe và giảm tương tác trực tiếp bằng cách số hóa quảng cáo, bán hàng và thanh toán. Ngành du lịch Indonesia lựa chọn xu hướng “du lịch chậm” với việc du khách muốn ở lại lâu hơn ở một điểm đến, muốn được trải nghiệm những điều khác biệt như du lịch sinh thái, du lịch thể thao; đồng thời cung cấp các sản phẩm chuyên biệt như du lịch lặn biển hay du lịch không phát thải vốn đang được thế hệ trẻ yêu thích.
Du lịch bền vững được coi là yếu tố then chốt mới nổi giúp các điểm đến duy trì, xây dựng danh tiếng và thương hiệu cạnh tranh, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng địa phương, du khách và các bên liên quan khác. Thái Lan đã coi việc thúc đẩy du lịch bền vững, với điểm nhấn là hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn môi trường tự nhiên và các điểm đến du lịch, bảo tồn văn hóa và truyền thống là một trong những ưu tiên chiến lược khi phát triển du lịch. Ngoài ra, theo ông Chattan Kunjara Na Ayudhya - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan, nước này đang tập trung quảng bá 5F là Fight (Võ thuật), Food (Ẩm thực), Festival (Lễ hội), Fashion (Thời trang) và Film (Phim). Đây là những “sức mạnh mềm” của Thái Lan.
Sau đại dịch, sản phẩm du lịch sức khỏe càng được quan tâm. Với mục tiêu giúp Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Malaysia trở thành một dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu đáng tin cậy, có thương hiệu trên thế giới, Chương trình Du lịch kết hợp khám chữa bệnh tại các bệnh viên hàng đầu của nước này đã ra mắt, qua đó thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng trong các dịch vụ y tế. Tham vọng hơn, Thái Lan đặt mục tiêu lọt “Top 5” điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch y tế theo xếp hạng của Viện Sức khỏe toàn cầu. Nhằm xây dựng hình ảnh các thành phố thảo dược để giới thiệu các điểm du lịch về sức khỏe, Thái Lan đã phát triển mạnh cơ sở hạ tầng y tế, cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế và chữa lành, trong đó chú trọng phát triển y học và dược liệu cổ truyền
Để giúp ngành du lịch tăng trưởng nhanh, bên cạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành và các hãng hàng không cung cấp các gói tour sáng tạo hơn, cũng như tăng cường các chuyến bay trực tiếp, các nước cũng đề ra các chiến lược quảng bá và tổ chức nhiều sự kiện hấp dẫn để hút khách.
Indonesia dự định tập trung triển khai chiến dịch quảng bá du lịch tại thị trường nước ngoài cũng như trên các nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt về “5 điểm đến siêu ưu tiên”, gồm hồ Toba ở tỉnh Bắc Sumatra, đền Borobudur ở tỉnh Trung Java, Labuan Bajo ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, Mandalika ở tỉnh Tây Nusa Tenggara và Likupang ở tỉnh Bắc Sulawesi. Việc đăng cai tổ chức một loạt sự kiện thể thao quốc tế, trong đó Giải vô địch Bóng đá U20 thế giới, không chỉ góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia, du lịch thể thao của Indonesia, mà còn được kỳ vọng giúp thu hút 100.000-120.000 lượt du khách quốc tế
Công nghệ cũng được xem là nhân tố then chốt giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi ngành du lịch, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số. Cơ quan Xúc tiến kinh tế số Thái Lan (DEPA) vừa khởi động dự án “Du lịch số”, với trọng tâm là phát triển một nền tảng du lịch quốc gia với tên gọi ThailandCONNECX, giúp kết nối nhanh chóng các doanh nghiệp du lịch trên khắp Thái Lan trong việc áp dụng công nghệ và sáng tạo số để cải thiện sức cạnh tranh, tăng hiệu quả, giảm chi phí hoạt động và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Ước tính sẽ có ít nhất 100.000 doanh nghiệp du lịch tham gia hoạt động trên nền tảng ThailandCONNEX với hơn 200.000 sản phẩm và dịch vụ du lịch, giúp tạo thêm hơn 120 tỷ baht (3,49 tỷ USD) cho nền kinh tế. Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành du lịch, Singapore khuyến khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng Tcube (Khối chuyển đổi công nghệ du lịch), một nền tảng giúp doanh nghiệp đổi mới kết hợp các sáng kiến kỹ thuật số, tài nguyên và nội dung lãnh đạo vào một nền tảng duy nhất.
Các kênh bán hàng trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhiều khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan. TAT cùng với 4 đại lý du lịch trực tuyến (OTA) lớn gồm Agoda, KKDay, Klook và Alipay đã khởi động các chiến dịch quảng bá. Dù nhắm vào các phân khúc khác nhau nhưng các đại lý đều hướng đến cùng một mục tiêu, là thu hút thêm khoảng 400.000 lượt khách du lịch ngắn hạn đến Thái Lan, tạo ra hơn 600 triệu baht (17,6 triệu USD) từ các kỳ nghỉ dài hơn.
Đối với bài toán nhân lực, Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia đang hợp tác với các ngành, hiệp hội ngành nghề du lịch để thúc đẩy quá trình đào tạo, hướng tới xây dựng đội ngũ lao động chuyên nghiệp, đặt mục tiêu có 45.000 lao động trong ngành du lịch được cấp chứng chỉ năng lực du lịch cấp quốc gia và cấp ASEAN vào năm 2023. Thông qua sáng kiến Trung tâm Hướng nghiệp ngành du lịch (TCH), Tổng cục Du lịch Singapore (STB) hỗ trợ xuyên suốt cho người lao động và doanh nghiệp du lịch trong 3 lĩnh vực chính gồm kết nối việc làm trong ngành du lịch, nâng cao kỹ năng và đào tạo nhân sự cho ngành du lich và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Hàng loạt chính sách đồng bộ, cùng những ưu tiên chiến lược rõ ràng, bài bản trong việc tận dụng các thế mạnh và nỗ lực khắc phục rào cản đã cho thấy quyết tâm của các nước trong việc vực dậy ngành du lịch, hứa hẹn tạo thêm nhiều việc làm, nâng mức đóng góp của ngành công nghiệp không khói này đối với nền kinh tế.
Bài 2: Đón bắt cơ hội