Du ký đất Lào - Bài cuối: Từ Sầm Nưa đến Viengxay - Những trang ký ức

Từ Xiengkhuang về Sầm Nưa đường tốt hơn dù vẫn nhiều đèo dốc. Cảnh đẹp. Mây giăng trên những rặng núi xanh mờ. Làng bản nép bên sông suối. Một buổi sáng yên ả thanh bình.

Chú thích ảnh
Sầm Nưa nhìn từ trên cao.

“Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi…". Nhà thơ Quang Dũng đã viết câu thơ ám ảnh như thế ở cuối bài thơ Tây Tiến bất hủ. Còn nhạc sĩ Trần Tiến trong “Cô gái Sầm Nưa” cũng đã gửi những lời hò hẹn “Này em gái trên nương ơi/Chịu khó nuôi chiến sĩ/Người diệt thù vì dân chưa về… Rồi mai đây/Khi đất nước vắng bóng thù/Đợi chờ anh/Anh lại về bên em/Người đẹp ơi anh về…”.

Những nghệ sĩ - chiến sĩ tài hoa ấy, khi cùng đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế trên mảnh đất này đã để lại những dấu ấn tâm hồn mình. Khi dừng chân ở thị trấn Namneu bên đường, tôi ghé thăm  ngôi nhà nhỏ. Hai người phụ nữ Lào, gương mặt rất phúc hậu, rất vui vẻ mời chúng tôi ngồi uống nước. Dù không nói được Việt, hai bà tỏ ra rất vui khi biết chúng tôi là khách từ Việt Nam sang. Khi  gặp các bà, tôi lại nghĩ đến Cô Gái Sầm Nưa của Trần Tiến. Trong những năm tháng chiến tranh, chắc các bà cũng bằng tuổi cô gái trong bài hát ấy. Trong ký ức họ, hẳn còn lưu giữ hình ảnh về những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trên vùng đất căn cứ cách mạng này.

Thị xã Sầm Nưa nằm trong một thung lũng nhỏ. Từ trên cao nhìn xuống, quảng trường, vườn hoa, công sở, nhà cửa chạy dọc theo những con phố nhỏ. Chúng tôi thăm thành phố. Một đài kỷ niệm mang biểu tượng hình tháp trên quảng trường chính, nơi có trụ sở chính quyền tỉnh Hủa Phăn. Khu thương mại khá tấp nập. Một số khách sạn mới được xây dựng. Vườn hoa trung tâm có  những cột đá cao sát bên nhau và những bức tượng đẹp. Những em bé đang chạy chơi trong công viên viên, bên cạnh khách tham quan và người đứng tuổi đang đi dạo. 

Chú thích ảnh
Nhà trong hang núi.

Từ Sầm Nưa đến Viengxay, thủ đô kháng chiến của Lào, chỉ khoảng 30 km. Viengxay, tiếng Lào nghĩa là Thắng Lợi, là căn cứ  của cách mạng Lào từ năm 1964 đến năm 1975. Hàng ngàn người đã sống trong các hang động nối liền với nhau trong lòng núi trong những năm chiến tranh. Đây là nơi sống và làm việc của các nhà lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng và chính phủ kháng chiến Lào, của các cơ quan trong bộ máy lãnh đạo của bạn trong suốt những năm chiến tranh. Có các hầm làm nơi hội họp, học tập, bệnh viện, trường học… Tất cả đều ẩn sâu trong lòng núi.

Cuộc sống của người dân Viengxay ngày nay đã có nhiều thay đổi. Nhiều công trình mới mọc lên trên mảnh đất chiến khu xưa. Điểm thu hút nhất ở đây vẫn là những di tích của một thời kháng chiến. Tất cả vẫn còn lưu giữ trong ký ức người dân ở đây. Chúng tôi đã thăm nhà trưng bày trung tâm liền bên khu các nhà cách mạng tiền bối đã ở; thăm hang núi nơi Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Xuphanuvong và nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt khác của Lào đã sống và chỉ huy cuộc kháng chiến. Nơi ăn ở, làm việc, hội họp của các nhà lãnh đạo Lào đều rất đơn giản trong điều kiện kham khổ của chiến tranh. Phòng họp của Bộ Chính trị Đảng NDCM Lào chỉ có một chiếc bàn dài, bảy chiếc ghế; chỗ nghỉ cũng là bảy chiếc giường cá nhân rất đơn sơ… Một tấm bia gắn ở vách đá  cho biết, tất cả các căn hầm ở đây đều do lực lượng công binh Việt Nam trực tiếp xây dựng.

Chú thích ảnh
Phòng họp của các nhà lãnh đạo Lào trong lòng núi.

Phu Khe (nghĩa là Rừng quế), căn cứ của các có quan tuyên huấn, báo chí Lào ở cách không xa khu của cơ quan lãnh đạo. Thông tấn xã Pathet Lào đóng ở Phu Khe. Đây là nơi nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN đã đến sống và làm nhiệm vụ giúp bạn. Trong ký ức về những năm tháng không quên ấy, nhà báo lão thành Nguyễn Thế Nghiệp, phụ trách ban C-K của TTXVN, người gắn bó cả đời mình với nhiệm vụ giúp bạn, nhớ lại: “Phu Khe nằm trong một góc của thung lũng Na Cai, cách tỉnh lỵ Sầm Nưa khoảng 30 km. Bao bọc xung quanh Phu Khe nhiều núi đá vôi, nhiều hang động tự nhiên. Các bệnh viện, trường học, hội trường lớn được đặt trong hang sâu tại thung lũng hoang vu Na Cai, nhiều hang chứa được hàng trăm người, có điện thắp sáng. Trung ương Bạn phân cho khối Tuyên huấn, báo chí một số hang động lớn tại Phu Khe. Nơi ở, làm việc của cán bộ, nhân viên KPL cách Đoàn chuyên gia VNTTX chưa tới nửa cây số... Không có ngày nào không có máy bay Mỹ quần đảo, trút bom đạn xuống làng bản, các tuyến giao thông".

Nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp nhớ về những lớp cán bộ TTXVN đầu tiên giúp Lào: “Sau hòa bình lập lại 1954, một số phóng viên tin, ảnh của VNTTX như các anh Trịnh Văn Hải, Nguyễn Thanh Bình, Lâm Hồng Long, Phan Thành Nghiêm, Phạm Gia Lễ, Kim Hùng... đã có mặt trên đất Bạn để viết tin, chụp ảnh phản ánh kịp thời cuộc đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao và xây dựng kinh tế…”. “Từ năm 1965… lãnh đạo chung khối chuyên gia biên tập, kỹ thuật Thông tấn và Đài phát thanh là đồng chí Phạm Xuân Quế, Phó Đoàn chuyên gia Tuyên huấn giúp Ban Tuyên huấn Trung ương Lào. Phụ trách tin, bài cho Đài phát thanh là đồng chí Phạm Quế Lâm. Sau khi đồng chí Phạm Quế Lâm được cử đi công tác tại Nga, đồng chí Đặng Kiên từ chiến trường Nậm Bạc trở về Phu Khe, trực tiếp phụ trách Đoàn chuyên gia TTX giúp KPL...”. “Sau khi Thông tấn xã Lào chính thức ra đời (6/1/19), theo yêu cầu của Bạn, đội ngũ chuyên gia giúp Bạn được tăng cường. Bộ phận giúp tin, bài có Đỗ Văn Phượng, Nguyễn Hữu Công, Nguyễn Thế Nghiệp, Vũ Viết Thành, Nguyễn Tử Nên, Nguyễn Tiến Lực, Nguyễn Văn Thành, Trần Ngọc Oanh. Giúp tuyến tin quân sự có ba sĩ quan do đại úy Chu Thế Nhương phụ trách. Giúp về ảnh có Nguyễn Hiệp Đồng, Nguyễn Thị Thể, Nguyễn Xuân Cầu, Ngô Minh Đạo, Nguyễn Trung Dung. Đông nhất vẫn là bộ phận kỹ thuật, có tới 15 người do đồng chí Tường Duy Thuyết phụ trách".

Về công tác của các chuyên gia trong thời kỳ ấy, Nguyễn Thế Nghiệp chia sẻ: “Thực hiện phương châm giúp Bạn "được việc, được lòng, được cán bộ", giúp Bạn cũng là giúp mình, các anh Đặng Kiên, Đỗ Văn Phượng, Hữu Công... đã cùng với phóng viên, biên tập viên KPL săn lùng nguồn tin, chắp nối sự kiện phản ánh kịp thời cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và xây dựng kinh tế vùng giải phóng. Chuyên gia Thông tấn cùng các đồng nghiệp Bạn thường có mặt bên mâm pháo cao xạ, vượt qua rừng thẳm, suối sâu, băng qua những cung đường còn mù mịt khói bom, đến các xưởng cơ khí, xưởng dệt, bệnh viện, trường học, bản làng sơ tán, thu thập tư liệu sống động để viết tin bài".

Chú thích ảnh
Buổi sáng ở Viengxay.

Trong cuốn sách “TTXVN và KPL - Trưởng thành cùng năm tháng” do hai cơ quan thông tấn cùng biên soạn, có nhiều trang hồi ức như thế của các cán bộ, phóng viên Việt Nam và Lào. Ký ức vẫn sống cùng hôm nay. Chị Đào Hương, một doanh nhân người Việt thành đang ở Pakse cho đến nay vẫn nhắc với mọi người chuyện nhà báo Đặng Kiên, nguyên Trưởng ban tin đối ngoại TTXVN, khi thường trú ở Lào đã hết lòng giúp chị và bà con Việt kiều ở đây kết nối với các cơ quan và địa phương trong nước ngay sau năm 1975, để từ đó chị có thể trở về tổ quốc, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, làm ăn và thành công cho đến hôm nay. Chị Đào Hương cho biết, khi nhà báo Đặng Kiên còn sống, chị và một người bạn đã tìm ra tận Hà Nội để thăm và bày tỏ lòng biết ơn với ông. 

Tại Viengxay, cùng với các nhà báo Phạm Văn Kiên và Đỗ Bá Thành, chúng tôi có cuộc gặp với doanh nhân Lê Hưng, chủ tịch Hội người Việt ở Hủa Phăn. Ông quê ở Thanh Hóa, là một quân nhân chuyển ngành, sang Hủa Phăn đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ. Lê Hưng cho chúng tôi biết về đời sống của cộng đồng người Việt và tình hình hợp tác với các bạn Lào của các doanh nghiệp Việt Nam. Đấy là sự hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đặc biệt Việt - Lào, có nhiều thành tựu và còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Chúng tôi có một bữa cơm thân tình với vợ chồng doanh nhân Lê Hưng ở ngay trung tâm Viengxay, không xa khu căn cứ cách mạng lịch sử làm nên tên tuổi của vùng đất này. 

Chú thích ảnh
Về nước qua cửa khẩu Na Mèo.

Chúng tôi chia tay các bạn ở Viengxay với lời hẹn trở lại một ngày không xa. Các đồng nghiệp Phạm Văn Kiên và Đỗ Bá Thành đã đi cùng chúng tôi trong suốt hành trình, đưa chúng tôi đến tận cửa khẩu Na Mèo để trở về Việt Nam, kết thúc một chuyến đi nhiều trải nghiệm và những ấn tượng không quên và con người và đất nước Lào anh em.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Du ký đất Lào - Bài 4: Đường về Xiengkhuang - Cánh Đồng Chum
Du ký đất Lào - Bài 4: Đường về Xiengkhuang - Cánh Đồng Chum

Từ Luang Prabang, chúng tôi về Xiengkhuang. Để giảm tải cho chiếc Vitara, tôi và họa sĩ Đỗ Đức chuyển sang xe của cơ quan TTXVN tại Lào. Lại hành trình vượt đèo cao vách dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN