Du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh- Bài 1: Nhiều tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có một chiến lược dài hạn, nên nhiều năm qua du lịch đường thủy còn rất manh mún, kém hiệu quả, chưa khai thác hết tiềm năng.

 

Chú thích ảnh
Bến nhà Rồng, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Với điều kiện tự nhiên về sông ngòi kết nối các vùng lân cận và biển Đông, thành phố Hồ Chí Minh giàu tiềm năng phát triển du lịch đường thủy. Thế nhưng, thành phố vẫn chưa có một chiến lược dài hạn, nên nhiều năm qua du lịch đường thủy còn rất manh mún, kém hiệu quả, chưa khai thác hết tiềm năng. Vấn đề đặt ra lúc này, đó là một giải pháp mang tính tổng thể từ quy hoạch đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch đường thủy của Thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ thống sông ngòi và nhiều cảnh quan khác trong lòng Thành phố Hồ Chí Minh là một nguồn tài nguyên du lịch to lớn để tạo thành những sản phẩm du lịch đường thủy phong phú, đặc sắc và mang đậm nét riêng. Hiện nay thành phố có hơn 1.000 km đường sông, kênh rạch, trong đó có 975 km đã được quy hoạch và tổ chức quản lý  gồm: 7 tuyến/157km là tuyến hàng hải, 9 tuyến/203km tuyến đường thủy nội địa quốc gia, 94 tuyến/612km đường thủy nội địa địa phương... Cho đến nay những tài nguyên du lịch quý giá này vẫn chưa có một giải pháp khai thác hiệu quả.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Với đặc điểm sông ngòi, kênh rạch chằng chịt chiếm khoảng 16% diện tích tự nhiên của thành phố, trong đó nhiều tuyến sông, kênh nằm trong nội đô như kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tân Hóa - Lò Gốm... rất thuận lợi để phát triển vận tải đường thủy và du lịch sông nước.

Cùng với hệ thống cảng, bến thủy nội địa với khoảng 320 cảng, bến, trong đó có bốn cảng lớn là Sài Gòn, Tân Cảng - Cát Lái, Bến Nghé và Nhà Bè... Thành phố Hồ Chí Minh còn mang nét đặc trưng của một đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiến trúc phương Tây, trong đó, 1/3 các di sản kiến trúc đô thị dọc theo các con sông, kênh rạch chính của thành phố rất phù hợp cho việc phát triển du lịch.

Dựa trên thế mạnh về tài nguyên phong phú và đa dạng đó, từ năm 2013 thành phố đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đường thủy là một trong những sản phẩm trọng tâm, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành và nhà đầu tư. Nổi bật gần đây là việc đi vào hoạt động tàu buýt sông Sài Gòn, hay việc khai trương 7 sản phẩm du lịch đường sông (phần lớn trên 2 tuyến Sài Gòn – Cần Giờ và Sài Gòn – Củ Chi) của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã và đang được du khách đánh giá cao và có nhiều triển vọng phát triển.

Từ năm 2016, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản ưu tiên chú trọng phát triển du lịch đường sông. Theo kế hoạch phát triển du lịch đường thủy, giai đoạn 2017 – 2020 mà Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành, đến năm 2020 sẽ có ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh nội đô. Lượng du khách du lịch bằng đường thủy ở thành phố năm 2017 - 2018 đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm và tăng 15% trong những năm tiếp theo.

Thế nhưng, mục tiêu trên theo ý kiến của một số chuyên gia ngành du lịch liệu có thể đạt được khi theo báo cáo của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp tham gia khai thác tour du lịch đường sông ngày một giảm. Nếu năm 2011, thành phố có khoảng 37 doanh nghiệp với 130 phương tiện tham gia phát triển du lịch đường sông thì nay đã giảm còn 19 doanh nghiệp với 100 phương tiện tham gia.

Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển du lịch đường thủy của Thành phố Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn nhưng chưa khai thác hết. Theo các chuyên gia, thành phố chủ trương phát triển du lịch đường thủy nhưng việc đầu tư hạ tầng lại yếu kém, đặc biệt là việc đóng cửa cảng Bạch Đằng, Quận 1 và một số bến Quận 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, họ không có nơi để đón khách, neo đậu thuyền (nhà hàng nổi trên sông), dẫn đến doanh nghiệp phải từ bỏ hoặc chuyển đổi công việc kinh doanh, không thể tiếp tục khai thác tuyến đường sông.

Nhiều yếu tố “kìm chân”

Thực tế, theo Thạc sỹ Đoàn Thị Huệ, giảng viên Trường Đại học Văn Hiến Thành phố Hồ Chí Minh, rõ ràng việc ngưng hoạt động tại bến Bạch Đằng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch đường thủy, làm giảm lượng khách tham gia vào các chương trình du lịch đường thủy và khách sử dụng dịch vụ ăn tối, thưởng ngoạn trên sông. Bởi khi đặt bến tàu ngay tại đây rất thuận tiện cho việc đi lại và tham quan của khách du lịch ngay tại trung tâm, dễ dàng cho việc quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, các điểm dừng chân trên tuyến du lịch đường thủy hiện nay còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng lẫn sự hấp dẫn, đoạn đường di chuyển dài nhưng lại không phát triển các điểm dừng chân phù hợp và các sản phẩm du lịch trên sông đi kèm.

Tiến sĩ Mai Hà Phương, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nguyên nhân đến từ việc ngành du lịch có tính liên ngành nhưng đến nay vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các ngành liên quan; cuối cùng là thiếu sự chung tay kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch của thành phố để tạo ra những sản phẩm du lịch đường thủy đặc trưng.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Phúc Hùng, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu trên các tour khá thiếu và yếu về chất lượng. Bên cạnh đó, một số vấn đề như nguồn nước ô nhiễm nặng, kênh rạch bị lấn chiếm nhiều, cảnh quan còn đơn điệu, độ tĩnh không thấp, khó cho tàu thuyền lưu thông… cũng kìm hãm quá trình phát triển loại hình này. Đáng lưu ý, khu vực neo đậu cho phương tiện thủy vẫn chưa được xác định, qua đó ngăn cản nhiều loại hình phương tiện vận tải phát triển tại thành phố.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong khi vận tải đường bộ đang quá tải thì vẫn chưa có những dự án quy mô thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có đến 71 bến thủy nội địa phục vụ đưa – đón hành khách, đa số các bến này đều mang tính tạm thời, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong 5 năm gần đây, tính từ năm 2013-2017, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu giao thông đường thủy gần 1.200 tỷ đồng, tương đương 4,3% so với đầu tư dành cho đường bộ.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư bằng hình thức hợp tác công – tư (PPP), tăng cường kết nối các hoạt động của doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy…

Thạc sỹ Huỳnh Văn Sinh, giảng viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc đầu tư phát triển du lịch đường thủy vốn rất tốn kém và khả năng thu hồi vốn khá dài nên cần phải kết hợp tốt việc sử dụng ngân sách nhà nước với việc khai thác, sử dụng nguồn vốn nước ngoài và huy động các nguồn lực khác trong xã hội theo phương châm xã hội hóa và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm...

Như vậy, để du lịch đường thủy phát triển, cần phải có những hành động thiết thực nhằm thay đổi cách nhìn về du lịch đường sông, quy hoạch mạng lưới hạ tầng, đầu tư vào các tuyến đường thủy trọng điểm phục vụ du lịch, giải quyết vấn đề môi trường ô nhiễm là yêu cầu tiên quyết. Chỉ cần giải quyết được những vấn đề trên thì doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia vào phát triển sản phẩm du lịch, không cần đến vốn của ngân sách.

Bài 2: Đưa tuyến buýt sông thành kênh quảng bá du lịch đường thủy

Anh Đức – Việt Âu (TTXVN)
Kinh tế biển và du lịch là trọng tâm trong hợp tác song phương Việt Nam-Ai Cập
Kinh tế biển và du lịch là trọng tâm trong hợp tác song phương Việt Nam-Ai Cập

Kinh tế biển và du lịch được đánh giá đây là hai lĩnh vực hợp tác đầy triển vọng giữa Việt Nam và Ai Cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN