Sự phát triển du lịch của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng do thiếu sự liên kết phát triển theo quy hoạch vùng; các sản phẩm du lịch vì vậy trùng lắp, phần lớn đang phát triển theo hướng tự phát, kém hấp dẫn đối với du khách.
Sản phẩm du lịch trùng lắp
Để đánh giá thực trạng phát triển du lịch và khả năng liên kết giữa các điểm du lịch, từ ngày 19 - 25/3, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát một số điểm du lịch thuộc vùng ĐBSCL. Điều dễ nhận thấy là các sản phẩm du lịch của các tỉnh đều na ná nhau, tạo một cảm giác nhàm chán. Ông Nguyễn Tấn Quyền, Phó Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Các tỉnh miền Tây đều giới thiệu sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn nghe đờn ca tài tử. Điều này dễ dẫn đến sự trùng lặp sản phẩm giữa các tỉnh và không tạo được sự hấp dẫn cho từng tỉnh”.
Du khách tham quan hệ thống kênh rạch tại Tiền Giang. |
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Tictour (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “Cách đây hơn mười năm, đơn vị tôi đã tổ chức đoàn khách đến với miền Tây; thế nhưng, từ đó đến nay, các sản phẩm du lịch vẫn không có sự thay đổi nhiều. Đơn cử như đến Tràm Chim (Đồng Tháp), du khách rất muốn đến một vùng bảo tồn để quan sát từng đàn chim, lắng nghe tiếng chim hót và tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống loài chim. Tuy nhiên, sản phẩm giới thiệu cho du khách vẫn chỉ là đi một vòng trên hệ thống kênh Tràm Chim và không quan sát được nhiều. Còn điểm đến đất mũi Cà Mau cũng vậy. Đối với nhiều người Việt Nam, điểm đến là mũi Cà Mau, cực Nam của Tổ quốc luôn tạo ấn tượng. So với trước kia, cơ sở hạ tầng có được đầu tư tốt hơn nhưng vẫn còn khá đơn sơ, chưa tạo ấn tượng với du khách như giới thiệu điểm đến, hàng lưu niệm, tham quan cuộc sống người dân vùng đất Mũi Cà Mau...”.
Các điểm đến của du lịch vùng ĐBSCL hiện nay phát triển mang tính tự phát, đang thu hút du khách do sự hấp dẫn nội tại của những di tích lịch sử hoặc danh thắng và các doanh nghiệp du lịch đều tự “mày mò” đưa khách đến. “Do phát triển tự phát, chưa liên kết theo quy hoạch nên mới dẫn đến tình trạng sản phẩm trùng lắp, như khu vực sông Tiền các tỉnh đều phát triển du lịch miệt vượt trên các điểm cù lao, nghe đờn ca tài tử dẫn đến nhàm chán. Đó là lý do mà du khách đến một lần mà sẽ không quay lại”, bà Kim Chi, Giám đốc Công ty Travel Mart (Đà Nẵng) nhận xét.
Cần một “nhạc trưởng”
Theo đánh giá của nhiều du khách và các doanh nghiệp du lịch, khu vực ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để hấp dẫn khách như khu rừng tràm Trà Sư, khu du lịch Xẻo Quýt, các điểm du lịch Cù Lao sông Tiền, đất Mũi Năm Căn, rừng quốc gia U Minh Hạ, chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy... Tuy nhiên, để tạo thành sản phẩm du lịch cần có sự đầu tư liên kết giữa các vùng tạo sự khác biệt của sản phẩm, có sự quy hoạch quản lý tạo nguồn thu từ phát triển du lịch.
Mỗi năm, vùng ĐBSCL thu hút được khoảng 1,7 triệu lượt khách quốc tế, bằng 8,3% tổng lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; 9,8 triệu lượt khách nội địa, bằng 5,8% tổng lượt khách trong cả nước; tổng thu nhập từ du lịch vùng đạt 5.700 tỷ đồng, khoảng 3% tổng thu du lịch của cả nước. |
“Các tỉnh ĐBSCL nên ngồi lại với nhau bàn bạc định hướng phát triển sản phẩm riêng của mỗi tỉnh; từ đó có sự quy hoạch, quản lý và hỗ trợ để các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm chuyên biệt, trong đó có sự tham gia của người dân như để du khách tham gia trải nghiệm cuộc sống cư dân bản địa, từ tham gia đánh bắt cá, làm bánh, làm hàng thủ công mỹ nghệ. Thực tế, hiện du khách đến miền Tây chủ yếu là tham quan thuần túy, nếu chưa có sự trải nghiệm thì khó “lấy được tiền của du khách”, bà Xuân Lan, Giám đốc Golden Life (Bình Định) nhận xét.
Ông Trần Tuấn Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tiền Giang cũng cho rằng: “Các điểm du lịch trong vùng vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm. Do đó, dựa trên quy hoạch du lịch cấp vùng, các tỉnh cần xác định lợi thế để định hướng đầu tư, tạo sản phẩm riêng và từ đó quảng bá, liên kết thu hút khách”.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện đến từ Sở VHTTDL An Giang cho biết: “Thời qua, các tỉnh ĐBSCL cũng nhận thấy điểm yếu nêu trên, tuy nhiên do đặc thù của du lịch cần tính liên vùng nên rất cần “nhạc trưởng” để điều phối thực hiện theo quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
“Đối với quy hoạch vùng phát triển du lịch ĐBSCL, để điều phối phát triển du lịch vùng, bên cạnh sự hướng dẫn chuyên môn của Tổng cục Du lịch, cần có sự tham gia của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL để tạo sự thống nhất giữa các tỉnh và sự liên kết bền vững”, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch, cho biết.
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, đến tháng 6/2014 Viện Nghiên cứu phát triển du lịch sẽ hoàn thiện đề án sản phẩm du lịch đặc trưng vùng ĐBSCL. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xem xét thành lập ban điều phối phát triển du lịch vùng để đảm nhận vai trò “nhạc trưởng” duy trì theo dõi việc phát triển du lịch của vùng ĐBSCL.
Bài và ảnh: Xuân Cường