Xác định sản phẩm phù hợp trong thời gian này, nắm bắt thay đổi về nhu cầu của du khách, tăng cường xúc tiến, quảng bá là giải pháp để du lịch Nam Bộ chắt chiu cơ hội, tận dụng lợi thế nhằm vượt khó, tạo đà cho những bước đi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Nội dung này được phóng viên TTXVN phản ánh qua hai bài viết với chủ đề: Du lịch Nam Bộ - chắt chiu từng cơ hội phục hồi.
Bài 1: Nhận diện thế mạnh và nhu cầu du khách
Khu vực Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế khí hậu quanh năm ấm áp, có nhiều điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng, có không gian mở, thoáng mát, nhiều điểm du lịch gần các đô thị lớn, thuận tiện kết nối các tour, tuyến đón và nhận khách. Sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các địa phương trong vùng một lần nữa nhận diện những thế mạnh đặc thù, đặc biệt là một số loại hình du lịch phù hợp để ưu tiên khởi động trước, tập trung xây dựng, khẳng định điểm đến an toàn, từng bước đón du khách trở lại.
Tour ngắn, cự ly gần
Theo các chuyên gia, du lịch Nam Bộ trong nhiều năm qua được biết đến với nhiều loại hình như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, nghỉ dưỡng, du lịch MICE (du lịch kết hợp các sự kiện, hội nghị, hội thảo), du lịch tâm linh… Sau thời gian giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19, chuyển sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch gắn với phục hồi kinh tế - xã hội, việc một lần nữa nhận diện các sản phẩm đặc thù, chọn lọc điểm nhấn là rất cần thiết, để trước hết là thu hút những du khách ngay tại địa phương, sau đó đến du khách ở các tỉnh, thành phố lân cận và tiến tới là trở lại đón toàn bộ du khách trong nước và quốc tế.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, sau các tour thí điểm tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, ngay trong tháng 10, một số điểm đến ở khu vực ngoại ô thành phố như Cần Giờ, Củ Chi với ưu thế nổi bật là dịch bệnh sớm được kiểm soát, không gian thoáng mát đã được một số doanh nghiệp lữ hành bắt đầu giới thiệu, mở bán các tour thương mại dành cho du khách là người dân thành phố khám phá những nét vừa quen, vừa lạ ngay tại thành phố đang sinh sống. Những điểm đến được chọn khởi động đón khách đầu tiên sau thời gian giãn cách đều có phong cảnh hữu tình, không gian xanh ngập tràn, mật độ dân cư không cao. Chẳng hạn, điểm đến Cần Giờ - khu rừng ngập mặn lớn và cũng là “lá phổi” của thành phố, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam, nằm trong hệ thống các khu sinh quyển của thế giới, hoặc nông trang xanh ở huyện Củ Chi với khung cảnh thôn quê mộc mạc, yên bình hiếm có.
Chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch Phan Yến Ly cho rằng, với du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều điểm đến dù khá quen thuộc nhưng vẫn có thể đem lại những trải nghiệm thú vị, mới mẻ cho người dân thành phố như: Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với trải nghiệm ngắm trăng, thưởng trà rất lãng mạn ngay trong lòng thành phố hay có thể là hành trình đạp xe đạp với cự ly ngắn, khám phá vẻ đẹp của những vùng ven, thậm chí là khám phá vẻ đẹp bình dị của những đường phố, hàng cây, con hẻm bình dị của thành phố về đêm.
Còn theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, các hoạt động du lịch, lữ hành của tỉnh được từng bước khởi động, “mở cửa” đảm bảo an toàn, gắn với kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế, giao thương của địa phương. Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với biển đảo, phù hợp nhiều phân khúc du khách là một trong những thế mạnh nổi bật của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ ngày 15/10, 4 điểm đến được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép thí điểm sẽ đón khách trở lại là: Melia Hồ Tràm resort, Bình Châu Hot Springs, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino (huyện Xuyên Mộc) và Six Senses Côn Đảo resort (huyện Côn Đảo) với mong muốn tạo bước khởi đầu an toàn, chắc chắn để từng bước khôi phục ngành “công nghiệp không khói” - ngành được xác định đến năm 2025 sẽ trở thành một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh. Các cơ sở được chọn thí điểm đón khách đều đáp ứng các tiêu chí như xây dựng phương án phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho cả du khách và nhân viên phục vụ, sẵn sàng kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch cần thiết trong trường hợp có phát sinh dịch bệnh, có nhân viên y tế hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát trong quá trình thí điểm đón khách. Du khách là những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine, được đưa - đón khép kín từ nơi ở của du khách đến cơ sở lưu trú, trong quá trình sử dụng dịch vụ, du khách không ra khỏi khuôn viên của cơ sở lưu trú.
Nghỉ ngơi, cân bằng tâm lý sau giãn cách
Đề cập về xu hướng, nhu cầu đi du lịch của du khách sau khi dịch COVID-19 đã được cơ bản kiểm soát ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, trong đó có khu vực Nam Bộ, các chuyên gia cũng như đại diện các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ đều chung nhận định: Yêu cầu đảm bảo an toàn phòng dịch, các nhân viên phục vụ hành trình tour cũng như đội ngũ cung ứng dịch vụ tại mỗi điểm đến đều được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19, được xét nghiệm SARS-CoV-2 là yếu tố tiên quyết. Bên cạnh đó, du khách sẽ có xu hướng lựa chọn đi du lịch trước hết với cự ly gần, thời gian tour ngắn, mang tính chất thư giãn, nghỉ ngơi để cân bằng tâm lý, giảm căng thẳng, tiếp thêm năng lượng tích cực làm việc, học tập sau thời gian dài thực hiện giãn cách.
Theo ông Đoàn Lâm Quang Minh, giảng viên Khoa Kinh tế - Du lịch, Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, sau dịch, du khách có xu hướng tìm những sản phẩm tour với điểm đến an toàn phòng dịch, gắn với môi trường trong lành và bạn đồng hành là người thân trong gia đình, bạn bè nhóm nhỏ, không ghép đoàn. Các dịch vụ sẽ được yêu cầu theo hướng khép kín, có thể không đòi hỏi mức chi tiêu quá cao, phù hợp điều kiện tài chính của nhiều du khách sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chị Nguyễn Ánh Nguyệt, ngụ thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, chị đang tìm hiểu một số tour trong ngày, nơi đến ngay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn không mất quá nhiều chi phí, gia đình chị vẫn có một chuyến du lịch để mang đến cho các thành viên trong gia đình những trải nghiệm thư giãn gói gọn trong một ngày, con trẻ có thể trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp đơn giản, người lớn có không gian thư giãn thoáng mát. Theo chị Nguyệt, các tour được đưa vào phục vụ du khách ngay trong tháng 10 như: Hành trình về đất thép Củ Chi - Nông trang xanh - Địa đạo “vùng đất thép” hay về Ốc đảo xanh Cần Giờ hoặc trong thời gian ngắn nữa có thể những điểm đến gần thành phố như ở Bà Rịa - Vũng Tàu hay Tây Ninh, Tiền Giang sẽ phù hợp với các thành viên trong gia đình chị.
Coi trọng việc nắm bắt nhu cầu của du khách, ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, giai đoạn sau dịch, nhu cầu của du khách thay đổi buộc các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ phải có sự thay đổi phù hợp. Trong 3 tháng cuối năm cũng chưa thể kỳ vọng sự bùng nổ của các hoạt động du lịch ở Nam Bộ cũng như cả nước. Đây là thời điểm người lao động vừa đi làm trở lại, trẻ em dù chưa đến trường nhưng vẫn có thời khóa biểu học trực tuyến nên nhu cầu đi du lịch của khách hầu hết sẽ chỉ là các tour ngắn, không quá nhiều điểm đến, không ghép đoàn, các thành viên tham gia tour là bạn bè, người thân và đã hiểu rõ yếu tố dịch tễ của nhau.
Nắm bắt tâm lý này của du khách và trên hết là để đảm bảo an toàn cho cả du khách và nhân viên phục vụ, với các tour du lịch về các vùng ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh như Củ Chi, Cần Giờ, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã linh hoạt thiết kế tour nhỏ, ít khách, vận chuyển không quá 50% số ghế trên mỗi chuyến tour, điểm đến phù hợp và đặc biệt là ký hợp đồng bảo hiểm du lịch mở rộng áp dụng với trường hợp du khách không may nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình tham gia tour với những quy định và điều khoản rõ ràng, hợp lý, tạo sự thoải mái, an tâm cho du khách.
Bài cuối: Xây dựng điểm đến an toàn, tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch