Xây dựng, phát triển sản phẩm đặc thù
Định vị sản phẩm du lịch đặc thù, làm mới các sản phẩm đã có trên cơ sở phát huy tốt đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa là một trong những giải pháp xuyên suốt được nhiều địa phương phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long xác định, nhằm tạo sự khác biệt, xóa bỏ định kiến “đi một nơi biết cả vùng” của nhiều du khách.
Cụm trưởng Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long Trương Quốc Phong cho biết: Năm 2020, các thành viên thuộc cụm tiếp tục phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có cụm phía Đông. Các thành viên trong cụm phối hợp xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu của từng địa phương để kết nối thành sản phẩm chung của toàn cụm; đồng thời đưa ra thị trường các tuyến du lịch mới, mang tính kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030, không gian du lịch phía Đông đồng bằng được định hướng khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: Nghiên cứu, tìm hiểu đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử cách mạng; trải nghiệm lưu trú tại nhà dân… Trên cơ sở đó, các địa phương thuộc cụm như Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh tiếp tục xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm mang tính đặc thù, tạo được sự cạnh tranh và có những kết nối, phối hợp để các sản phẩm không bị trùng lặp, đơn điệu.
Chẳng hạn, với tỉnh Bến Tre, theo ông Trương Quốc Phong, tạo sự khác biệt với các địa phương trong cụm và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với thế mạnh của vùng đất xứ dừa, tỉnh đang tập trung vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lĩnh vực du lịch trên địa bàn xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước và trải nghiệm văn hóa gắn với cây dừa Bến Tre.
Đặc biệt, Bến Tre tập trung xây dựng và triển khai đề án Làng văn hóa du lịch Chợ Lách nhằm hướng đến mục tiêu kiến tạo điểm du lịch, đồng thời là một sản phẩm của chương trình OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn hướng tới kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đóng góp thiết thực cho xây dựng nông thôn mới. Từ lợi thế sản xuất hoa cảnh, cây giống, cây ăn quả, các dịch vụ lưu trú thân thiện môi trường ở huyện Chợ Lách, sẽ có các tour, tuyến du lịch sinh thái gắn liền các sản phẩm đặc trưng để kết nối với các sản phẩm du lịch khác trong khu vực. Đây cũng sẽ là những sản phẩm du lịch xanh, bền vững của vùng đất xứ dừa.
Còn với tỉnh Đồng Tháp, theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, cũng nằm trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Các sản phẩm du lịch của địa phương do vậy được khai thác, phát triển và định vị từ những nét đặc trưng văn hóa Nam bộ, nghề trồng lúa nước gắn với yếu tố sinh thái ngập nước Đồng Tháp Mười, các giá trị văn hóa phi vật thể, các mô hình du lịch sinh thái - ẩm thực, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng với thương hiệu xứ Sen hồng.
Trong khi đó, đại diện Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, các sản phẩm du lịch của tỉnh được hình thành và phát triển trên cơ sở tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch biển, sông nước miệt vườn, các cồn nổi ven biển, đặc biệt là du lịch khám phá bản sắc văn hóa của vùng đất gắn bó lâu đời của đồng bào ba dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa với trên 140 ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo và nhiều lễ hội đậm nét văn hóa dân tộc.
Tăng cường liên kết, quảng bá
Các thành viên thuộc Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long xác định để có thể tạo sự bứt phá cho du lịch của từng địa phương cũng như toàn vùng, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác để vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch, vừa hình thành các tour, tuyến một cách hợp lý, không tạo cảm giác “cùng mặc đồng phục” trong du lịch giữa các địa phương là giải pháp cần thiết. Việc tăng cường liên kết hợp tác này không chỉ được thực hiện giữa các địa phương trong cụm, mà trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và với Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trong liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có các địa phương thuộc cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp lữ hành uy tín xây dựng, hoàn thiện một số tuyến du lịch mới với những tên gọi như: Những nẻo đường phù sa, xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Long An, qua Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, về Sóc Trăng, Bạc Liêu và đến đất mũi Cà Mau. Tuyến Non nước hữu tình từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Tiền Giang, Bến Tre, đến Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu và kết thúc ở Cà Mau. Tuyến Sắc màu vùng biên lại được thiết kế đi qua các địa phương có đường bên giới như Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang.
Từ góc độ của một doanh nghiệp du lịch, trên cơ sở các tuyến mới được gợi ý, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp sẽ cùng các địa phương xây dựng cụ thể hành trình tour, sản phẩm du lịch mới, đồng thời nâng cấp sản phẩm hiện có để đáp ứng từng phân khúc, thị trường du khách.
Đề cập giải pháp liên kết trong việc xây dựng và đưa ra thị trường các tuyến du lịch mới, đặc trưng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thuộc cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, Cụm trưởng Trương Quốc Phong cho biết, trong năm 2020, đặc biệt là khi dịch COVID-19 chấm dứt, các thành viên thuộc Cụm tăng cường phối hợp tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch của từng địa phương, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước gắn với thị hiếu của từng đối tượng du khách. Các thành viên chia sẻ thông tin về tiềm năng du lịch, sản phẩm, tuyến du lịch của từng địa phương; chọn lọc những sản phẩm tiêu biểu để giới thiệu đến các doanh nghiệp du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong cụm, đưa vào chương trình phục vụ du khách. Bên cạnh đó, các đơn vị phối hợp với các đoàn khảo sát điểm du lịch mới trong cụm để kết nối tour du lịch chung của cụm phía Đông, các tuyến du lịch liên vùng, liên quốc gia...