Cô Tô đã và đang làm gì để phát triển du lịch nhằm xây dựng huyện đảo thành một vùng đảo có kinh tế năng động, một trọng điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam? Phóng viên Báo Tin Tức đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (ảnh) xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, Cô Tô là vùng biển giàu tiềm năng để phát triển du lịch với môi trường trong lành, con người thân thiện, những bãi biển đẹp, hoang sơ... Vậy huyện đảo đã và đang làm gì để phát huy những lợi thế đó?
Cô Tô có nhiều tiềm năng với những bãi tắm dài, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp... Tận dụng khai thác những lợi thế này, huyện Cô Tô đã xây dựng đề án ngắn hạn để phát triển du lịch trên cơ sở bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong khai thác và phát triển du lịch.
UBND huyện Cô Tô đã ban hành những kế hoạch trong mùa du lịch hàng năm, trong đó tổ chức lễ hội đường phố, giải đua xe đạp, cuộc thi video clip những cảnh đẹp của Cô Tô, tuyên truyền vận động các bạn trẻ ra đảo chụp ảnh cưới… Những hoạt động trên đã thu hút đông đảo du khách đến với Cô Tô và đã có được những kết quả tốt. Trong năm 2012 đã có gần 35.000 lượt du khách đến với đảo, tăng 10 lần so với 2010. Đây là tiền đề để Cô Tô phát triển du lịch trong những năm tiếp theo.
Đảo Cô Tô có rất nhiều những bãi biển dài, đẹp thơ mộng. |
Để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, UBND huyện Cô Tô đã có những giải pháp về vệ sinh môi trường, nhất là những nơi cộng cộng, bãi tắm. UBND huyện đã thành lập và giao một đơn vị thu gom vận chuyển, xử lý chất thải để bảo đảm vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, UBND huyện còn đầu tư hệ thống xử lý nước ngọt trên đảo như hồ chứa nước Trường Xuân với dung tích trên 200.000m3 nhằm cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân và phục vụ khách du lịch trên đảo. Bởi trước đây việc đảm bảo nước ngọt rất khó khăn, nhất là vào mùa hè nước sinh hoạt khan hiếm. Nhưng nay, tất cả các hộ dân trên đảo và du khách đến với Cô Tô đều được sử dụng nước ngọt theo tiêu chuẩn nước sạch. Cô Tô đã lắp wifi miễn phí trên toàn địa bàn để cung cấp dịch vụ internet phục vụ du khách.
Nhằm thu hút khách du lịch đến với huyện đảo, trong tháng 5/2013, Cô Tô sẽ đưa vào sử dụng thêm một tàu cao tốc do UBND huyện đầu tư để vận chuyển hành khách và phục vụ công tác. Công ty Việt Anh cũng đang chuẩn bị đưa vào hoạt động một tàu cao tốc nữa nâng tổng số tàu cao tốc chạy từ Vân Đồn ra Cô Tô và ngược lại lên 4 chiếc, góp phần cải thiện giao thông đường thủy.
Được biết, trong thời gian tới Cô Tô sẽ cho ra mắt sản phẩm du lịch “Khám phá đảo Thanh Lân”. Vậy đến nay công tác xúc tiến, quảng bá và kêu gọi đầu tư, mời gọi khách du lịch khám phá vẻ đẹp đảo Thanh Lân được triển khai đến đâu?
Cô Tô hiện có 3 đơn vị hành chính gồm thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và Thanh Lân. Do đặc thù địa hình, địa lý nên Thanh Lân là xã đảo độc lập, cách thị trấn Cô Tô gần 10 km đường biển với diện tích tự nhiên lớn hơn cả đảo Cô Tô lớn, nhưng điều kiện mặt bằng để bố trí dân cư lại ít hơn.
Du khách rời tàu cao tốc đến với Cô Tô để tham quan, du lịch. |
Trong kế hoạch tuyên truyền để thu hút du khách ra thăm quan, khám phá du lịch Cô Tô, năm 2013 UBND huyện đang xúc tiến, quảng bá du lịch “Khám phá đảo Thanh Lân”. Đến nay huyện đã vận động các đơn vị quân đội, một số doanh nghiệp đầu tư nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ tại Thanh Lân. UBND huyện đã báo cáo Hội đồng nhân dân các cấp thông qua cơ chế hỗ trợ khách du lịch trong năm 2013 khi đến đảo Thanh Lân một lượt vé (từ huyện Vân Đồn ra đảo Thanh Lân) và để du khách trải nghiệm nghỉ lại Thanh Lân một đêm. Đây là cơ hội để khách du lịch có thời gian khám phá những cảnh quan trên đảo.
Hiện nay đảo Thanh Lân có nhiều cảnh quan đẹp, bãi tắm, bến cảng, chợ cá… để du khách khám phá. Trên đảo đã có nhà hàng có thể bố trí dịch vụ ăn, nghỉ với số lượng khoảng 25 phòng nghỉ, đáp ứng được 100 khách lưu lại trên đảo qua đêm. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp mua xe ô tô điện để phục vụ du khách tham quan đảo trong mùa hè năm nay. Hiện tại, phương tiện chính trên đảo Thanh Lân chủ yếu là xe máy, chưa có dịch vụ đa dạng như trên đảo Cô Tô. Khuyến khích phát triển dịch vụ cho thuê xe máy để khách ra đó có phương tiện đi lại khám phá cảnh đẹp Thanh Lân. Mục tiêu trong mùa hè 2013 sẽ đưa, đón và phục vụ từ 1.000-2.000 khách ra thăm đảo Thanh Lân, góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch đảo Thanh Lân.
Có ý kiến đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần đầu tư phát triển Cô Tô thành Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia, gắn với Khu du lịch sinh thái biển đảo cao cấp Vân Đồn góp phần đưa Cô Tô trở thành một trọng điểm du lịch. Quan điểm của ông thế nào?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, huyện Cô Tô đang lập kế hoạch tổng thể để phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Cô Tô thì mũi nhọn là phát triển du lịch. Trước đây huyện xác định là chế biến thủy hải sản, nhưng nay đã điều chỉnh lại theo định hướng mới là phát triển du lịch để đưa kinh tế - xã hội huyện đảo đi lên.
Như chúng ta đã biết, Khu du lịch sinh thái biển đảo cao cấp Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để gắn kết giữa Cô Tô với Vân Đồn, Móng Cái, Hạ Long tạo thành tứ giác kinh tế phát triển thì trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Cô Tô lấy việc phát triển du lịch là thế mạnh.
Bãi biển Hồng Vàn luôn thu hút đông đảo du khách. |
Nhưng để phát huy tốt tiềm năng thế mạnh đó, huyện đảo Cô Tô còn đang gặp những khó khăn cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ. Đó là sớm rà soát, quy hoạch lại diện tích đất đã giao cho quân đội. Vì hiện nay chủ trương phát triển kinh tế gắn với việc bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng và ngược lại, thì cần xem xét một số vị trí đất là hành lang khu vực đất quốc phòng nhà nước chưa cấp sổ đỏ sẽ phải cho rà soát lại để phát triển kinh tế. Năm 2008 đã có tập đoàn VIT xin đầu tư vào huyện đảo Cô Tô, nhưng do mặt bằng đất đai chật hẹp nên huyện chưa tiếp cận được cơ hội đầu tư. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là phải làm xong công tác quy hoạch chung của tỉnh và của huyện thì mới xúc tiến đầu tư. Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh trước mắt là để nguyên sơ, sau khi có quy hoạch tổng thể mới cho các doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác.
Những bãi đá tự nhiên hoang sơ đẹp tuyệt mỹ. |
Khi du khách đã ra đến Vân Đồn thì họ sẽ đến với Cô Tô. Trong quy hoạch, huyện đảo Cô Tô cũng đã báo cáo UBND tỉnh cho quy hoạch một sân golf với quy mô vừa đủ để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Con đường tình yêu” luôn được các bạn trẻ yêu thích đi dạo biển. |
Cô Tô là vùng biên giới hải đảo, khách nước ngoài ra thăm đảo ngoài việc được cấp hộ chiếu, visa thì còn phải có giấy phép ra vùng biên giới do cơ quan chức năng cấp. Mặc dù thủ tục cấp giấy phép này đơn giản, nhưng do khách quốc tế chưa nắm rõ nên vô tình họ đã vi phạm lãnh hải do chưa có giấy phép ra vùng biên giới. Khi khách du lịch quốc tế đã ra đến đảo, việc trục xuất là không thể nên buộc huyện phải xử phạt. Vậy UBND huyện Cô Tô kiến nghị nên ủy quyền cho huyện cấp giấy phép này hoặc các ngành cần có giải pháp cụ thể để sớm giải quyết những vướng mắc trên góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến với huyện đảo.
Nếu việc kết nối giữa Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô, Hạ Long thành tour tuyến hợp lý thì trong Chiến lược biển của tỉnh Quảng Ninh sẽ khai thác tốt lợi thế, tiềm năng và thế mạnh du lịch biển đảo, trong đó Tuần Châu cũng đã và đang làm tốt vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn