Doanh nghiệp chủ động “vận hành xanh”
Từ năm 2017, tại Hội An đã xuất hiện tour du lịch chèo thuyền kayak du ngoạn kết hợp vớt rác trên sông, với chi phí 10 USD/người. Du khách ban đầu tham gia vì tò mò, sau đó là hào hứng. Việc này đã có tác động tích cực đến môi trường nơi đây, đặc biệt là khu vực hạ lưu sông Thu Bồn.
Một số khách sạn, công ty du lịch khác tại Hội An như Victoria Hội An cũng triển khai tour sidecar thăm quan cánh đồng và làng rau cổ Trà Quế, trải nghiệm trồng rau sạch và bảo vệ môi trường… được du khách hào hứng đón nhận, nhất là du khách quốc tế.
Cùng với đó, một số nhà hàng ở Quảng Nam đã tái chế dầu ăn thừa qua sử dụng thành xà phòng nhà bếp, thay vì thải trực tiếp ra môi trường, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, cùng nhiều sản phẩm tái chế khác thành quà cho khách du lịch.
Đây chỉ là một vài ví dụ về những điểm nhấn của ngành du lịch Quảng Nam trong việc tiếp cận xu hướng du lich "xanh" đang ngày càng thu hút du khách.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, nhu cầu cho các trải nghiệm du lịch “xanh” ngày càng tăng cao, khách du lịch ngày nay không chỉ đơn thuần là những người muốn khám phá vẻ đẹp của một địa điểm du lịch, mà còn ưu tiên lựa chọn những trải nghiệm du lịch có trách nhiệm với môi trường.
Việc phát triển và thực hiện các công nghệ “xanh” trong ngành du lịch tại tỉnh Quảng Nam đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, đồng thời giảm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương, từ đó tạo ra một môi trường du lịch hấp dẫn và bền vững, định vị Quảng Nam là điểm đến du lịch “xanh”. Quảng Nam đã được chuyên trang du lịch Wanderlust của Anh lựa chọn năm 2023 là một trong bốn điểm đến du lịch “xanh” hàng đầu châu Á.
Tại các doanh nghiệp lữ hành, một số mô hình chuyển đổi theo hướng du lịch “xanh” đã được áp dụng. Với Công ty Du lịch Tràng An (TrangAn Travel), việc chuyển đổi “xanh” được gắn liền với chuyển đổi số. Thay vì quảng cáo các chương trình bằng tờ rơi, sử dụng giấy in màu như trước đây, công ty đã thiết kế các sản phẩm bằng công nghệ, xem trực tiếp trên điện thoại, hoặc tạo mã QR, đường link, tạo nhóm và chuyển thông tin tới từng khách hàng. Việc này vừa giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin, vừa giúp doanh nghiệp hạn chế rác thải ra môi trường.
Hay như tại HonGai Tour Quảng Ninh, việc tổ chức các tour khám phá thiên nhiên, dọn rác thải nhựa đã trở thành việc làm đều đặn mỗi thứ 6 hàng tuần...
Đây đều là những tín hiệu tích cực cho thấy các đơn vị ngành du lịch đang dần “cư xử” đúng với môi trường, nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của thiên nhiên trong phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này.
Một ví dụ khác là Thien Minh Group (TMG), một doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch và lữ hành Việt Nam năm 2023 đã được đồng loạt cấp chứng chỉ địa chỉ lưu trú xanh uy tín trên thế giới mang tên Travelife Gold cho toàn bộ hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng thành viên tại Việt Nam và Lào. Công ty này đáp ứng bộ tiêu chí hơn 140 điều khoản khắt khe bao gồm quản lý tác động môi trường, quyền lợi người lao động, hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương… hoàn toàn trên cơ sở những vận hành chủ động của doanh nghiệp. Sự chủ động “tự vận hành xanh” này đã tác động tích cực đến sự ổn định và phát triển của kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ thực tế “vận hành xanh” của các địa phương và công ty, tập đoàn du lich, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đúc kết: “Du lịch cần là ngành tiên phong về chuyển đổi “xanh”. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm, bởi du lịch là ngành thâm dụng và sử dụng tài nguyên rất nhiều. Vì vậy, việc khai thác, sử dụng tài nguyên phải theo hướng tăng trưởng “xanh”, kinh tế tuần hoàn, áp dụng các mô hình để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.
Thách thức khi thực hiện chuyển đổi "xanh"
Mặc dù đã có những tín hiệu đáng mừng từ sự chủ động của một số địa phương và doanh nghiệp trong xu hướng du lịch "xanh", nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, việc chuyển đổi du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” vẫn còn gặp nhiều thách thức. Đó là các tồn tại trong nhận thức của doanh nghiệp, là sự hạn chế của nguồn vốn đầu tư, là những lúng túng, vướng mắc trong tiêu chí đánh giá và chính sách cụ thể.
TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận định, nhận thức chưa đầy đủ về tăng trưởng "xanh", kinh tế tuần hoàn và phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” của đa số các đơn vị, địa phương đang là trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển đổi này. Nhiều công ty vẫn còn “e dè” trong việc sử dụng năng lượng tái tạo thay cho năng lượng, nhiên liệu hóa thạch. Cùng với đó, việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch tự phát ở một số địa phương cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới tài nguyên và môi trường, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại.
Ngoài ra, cơ chế và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng "xanh" hiện vẫn chưa được hoàn thiện. Việc tiêu thụ năng lượng, tài nguyên nước khó có thể kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động du lịch.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, những cái nhìn tổng thể về quá trình chuyển đổi “xanh” để đạt được mục tiêu NetZero (giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0) vào năm 2050 đã có và đã bắt đầu lan sang các ngành trong quy hoạch, trong đó có du lịch. Nhưng dưới góc độ chính sách, để những cam kết, mong muốn đó đi vào cuộc sống, vẫn là câu chuyện dài.
Là đơn vị cung cấp giải pháp cho các khách sạn, ông Lương Thành Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của VietSolutions cho biết, thách thức đến từ chi phí là không hề nhỏ, đó là vấn đề về tài chính để đầu tư vào các giải pháp “xanh”. “Tôi lấy ví dụ như việc chuyển sử dụng chai mỹ phẩm trong khách sạn từ nhiều chai nhỏ sang số lượng ít hơn các chai dung tích lớn, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí. Hay như việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất lớn, chuyên nghiệp, cũng là bài toán tài chính mà nhiều đơn vị e ngại”, ông Nam cho biết.
Ngoài ra, ý thức của một bộ phận khách du lịch và cộng đồng ở các khu, điểm du lịch chưa cao, còn tình trạng xả rác bừa bãi, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường, cảnh quan; biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu khác như thiên tai, dịch bệnh, đang tác động tiêu cực đến phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh”.
Bài cuối: Giải pháp chuyển đổi toàn diện