Hàng nghìn lượt khách trải nghiệm Foodtour
Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 năm nay là thời điểm Foodtour Hải Phòng bước lên một nấc thang mới. Trong 4 ngày nghỉ lễ, hàng chục nghìn du khách về Hải Phòng, trải nghiệm sản phẩm du lịch nội đô và mua ẩm thực đặc trưng, đặc biệt là bánh mỳ que và pate.
Theo thống kê sơ bộ của Ga Hải Phòng, từ sau ngày 15/3/2022, vào những đợt nghỉ lễ và cuối tuần, mỗi chuyến tàu từ Hà Nội về Hải Phòng có từ 2.000 đến 2.300 hành khách, trong đó chủ yếu là khách du lịch. Dịp cuối tuần, người Hải Phòng, nhất là những người kinh doanh ẩm thực đã quen với một hình ảnh nhộn nhịp mới là đón khách du lịch từ các địa phương khác về tham quan khu vực nội thành.
Chợ Cát Bi, phường Thành Tô, quận Hải An, Hải Phòng được mệnh danh là "Thiên đường ẩm thực" của thành phố Cảng. Ở đây có rất nhiều món ngon đặc trưng của Hải Phòng như bánh đa cua, giá bể xào, chè và những đồ ăn ngon khác. Tiểu thương kinh doanh mặt hàng ăn uống ở đây cho biết, từ khi Hải Phòng công bố bản đồ món ngon, lượng khách tăng gấp 2-3 lần, kể cả ngày bình thường do đang là dịp hè, nhiều gia đình ở các tỉnh lân cận cho con về Hải Phòng chơi.
Theo chị Phạm Minh Nhung, chủ cửa hàng bán các loại bánh và giá bể (một trong những món ăn đặc trưng của Hải Phòng) tại chợ Cát Bi, trước đây khách đến cửa hàng của chị chủ yếu là người dân Hải Phòng, còn hiện nay, hơn 2/3 khách là người ở các tỉnh, thành phố khác. Du khách đến đây do xem thông tin trên mạng hoặc người nọ rủ người kia. Để đảm bảo phục vụ du khách chất lượng, an toàn, chị Nhung cũng như một số hộ kinh doanh ăn uống khác đã được Sở Du lịch mời tham gia buổi tập huấn giao tiếp, ứng xử văn minh với du khách và một số kỹ năng ứng phó nếu không may xảy ra các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Em Nguyễn Phương Loan, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II cùng các bạn lần đầu tiên đến với Hải Phòng bằng tàu hỏa cho biết, Loan và các bạn đã nghe nói nhiều về ẩm thực Hải Phòng nhưng đợt này, lượng thông tin về các món ngon liên quan đến thành phố này hiển thị nhiều hơn trên Facebook nên Loan và các bạn đã đặt vé tàu để về đây dịp cuối tuần. Sau khi rời khỏi ga Hải Phòng, nhóm bạn thuê xe máy, chạy xuống chợ Cát Bi để thưởng thức các món ăn vặt.
Theo em Nguyễn Phương Loan, chợ Cát Bi chỉ là một trong những địa chỉ ăn uống nổi tiếng của Hải Phòng trên bản đồ Foodtour, nhưng do chưa biết đường đến các địa chỉ khác nên Loan và các bạn đến chợ trước. Nếu đủ thời gian, nhóm bạn trẻ này sẽ đi theo Google map để khám phá các cửa hàng ẩm thực xuất hiện trên bản đồ. Cách đi của Loan cũng là cách đi của nhiều nhóm bạn trẻ khi trải nghiệm Foodtour Hải Phòng.
Tập trung vào giới trẻ
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng cho biết, giới thiệu ẩm thực đặc trưng tới du khách là trải nghiệm được du lịch nhiều địa phương chú trọng, trong đó có Hải Phòng. Tuy nhiên, từ trước tới nay, việc giới thiệu ẩm thực đặc trưng khá dàn trải và tự phát, thường gắn với một sản phẩm du lịch khác, chẳng hạn tại Hải Phòng, sau khi du khách trải nghiệm du lịch Cát Bà có thể trở về nội đô để thưởng thức một số món ngon.
Nhận thấy nhu cầu thưởng thức các món ngon đường phố đặc trưng của Hải Phòng như bánh đa cua, bánh mì cay, bánh cuốn, bánh khúc, sủi dìn… của du khách, nhất là giới trẻ ngày càng tăng, Sở Du lịch Hải Phòng xác định sẽ lựa chọn ẩm thực là một trong những trụ cột chính để phát triển sản phẩm du lịch nội đô.
Ý tưởng này đã được hình thành từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, để định hình sản phẩm du lịch này, Sở Du lịch Hải Phòng vẫn tiếp tục xây dựng các sản phẩm truyền thông số giới thiệu về những món ngon Hải Phòng. Kênh truyền thông chủ lực để quảng bá thông tin Sở lựa chọn là mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram… Sở cũng mời những người làm nội dung về ẩm thực nổi tiếng trên mạng xã hội giới thiệu về các món ăn đặc trưng.
Ngoài xác định kênh truyền thông, Sở định hướng các tiêu chí để lựa chọn cửa hàng, món ăn đưa vào bản đồ Foodtour: Là món ăn tiêu biểu, mang nét đặc trưng ẩm thực Hải Phòng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thái độ và phong cách phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp.
Cùng với đó, Sở Du lịch Hải Phòng phối hợp với Grab triển khai mã Qr giao thức ăn và di chuyển. Khi du khách quét mã này, sẽ được giảm giá. Sở cùng với các cửa hàng tạo những cuộc thi nhỏ và tặng phiếu mua hàng cho du khách. Sở cũng đã đề xuất, phối hợp với Công an Hải Phòng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn du khách tham gia giao thông đúng luật, an toàn, đồng thời kết nối với các đơn vị kinh doanh xe điện mở thêm tuyến đến các tuyến phố tập trung món ăn ngon của Hải Phòng.
Với cách làm như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Foodtour Hải Phòng nhanh chóng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn giới trẻ các tỉnh, thành phố khác.
Để phát triển sản phẩm du lịch này, sắp tới, Sở Du lịch Hải Phòng sẽ công bố bản đồ Foodtour phiên bản mới. Cùng với đó, Sở sẽ công bố bản đồ "Hải Phòng lòng vòng check in". Với bản đồ này, ngoài giới thiệu các địa danh nổi bật trong khu vực nội thành như Nhà hát lớn, quán hoa, đình Hàng Kênh, chùa Hàng… trên bản đồ sẽ giới thiệu một số "bí quyết" chụp ảnh ở những địa danh này và trang phục cần mang theo.
Ngoài ra, Sở Du lịch Hải Phòng còn phối hợp với các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, homestay để các đơn vị này cải tạo, xây dựng phòng nghỉ phù hợp với nhu cầu của giới trẻ.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hải Phòng, tháng 5/2022, ngành du lịch Hải Phòng ước đón và phục vụ 612.873 lượt khách, tăng 134% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 18.469 lượt, tăng 16,4 lần so cùng kỳ. Doanh thu ước đạt trên 550 tỷ đồng.
Năm tháng qua, ngành du lịch Hải Phòng ước đón và phục vụ 2.1.0 lượt khách, tăng 13,66% so với cùng kỳ, bằng 52,57% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế 73.178 lượt, tăng 110,4% so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt 2.143 tỷ đồng.
Du lịch được thành phố Hải Phòng chọn là một trong ba mũi nhọn để phát triển kinh tế. Ngoài trọng điểm du lịch là Đồ Sơn, Cát Bà, đảo Vũ Yên, du lịch nội đô với dấu ấn Foodtour đang dần trở thành một thương hiệu du lịch mới của Hải Phòng.