Tình trạng lộn xộn, “cò mồi”, “chèo kéo”, tranh giành khách đi đò và sử dụng dịch vụ xảy ra nhiều năm tại lễ hội Chùa Hương làm buồn lòng du khách và gây mất trật tự an toàn giao thông, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ đò đã cơ bản được giải quyết trong mùa lễ hội năm nay nhờ những giải pháp và mô hình quản lý mới của các cơ quan chức năng.
Theo ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức lễ hội Chùa Hương, việc nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, thay vé giấy bằng vé điện tử; sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông, tổ chức 4 bến xe… trong lễ hội Chùa Hương năm nay đã khắc phục được tình trạng ách tắc, quá tải, lộn xộn, chèo kéo khách trong những ngày đầu diễn ra lễ hội. Ban tổ chức sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng sử dụng xuồng máy, bán hàng rong trên thuyền, đánh bạc trên thuyền như những năm trước.
Điểm mới nhất của công tác tổ chức lễ hội Chùa Hương năm nay là huyện Mỹ Đức thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương với gần 4.000 chiếc thuyền đò được người dân đăng ký vận chuyển khách tham quan lễ Phật. Tất cả các thuyền, đò đăng ký vào hợp tác xã được sơn màu xanh, đánh số, có lô gô hợp tác xã, trang bị đầy đủ áo phao, vật nổi… theo quy định. Còn các lái đò được cung cấp áo nhận diện, đeo thẻ đánh số, chia về 10 cổng để đón trả khách theo thứ tự.
Nếu như những năm trước, việc chở đò, thuyền do nhân dân xã Hương Sơn hoạt động mang tính chất tự phát, không có sự quản lý thống nhất thì sau khi hoạt động theo mô hình hợp tác xã, việc vận chuyển hành khách của các lái đò được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Lái đò chỉ việc chở khách đảm bảo đúng quy định, tùy từng đò, thuyền to nhỏ, hợp tác xã điều phối số lượng khách phù hợp, đảm bảo công khai, minh bạch, quyền lợi cho mỗi du khách và cả chủ đò.
Trong số các chủ đò đang chờ vào “nốt” nhận khách, ông Nguyễn Văn Thiệu (huyện Mỹ Đức) số đò 2034 vui vẻ cho biết, cái được lớn nhất khi vào hợp tác xã là hoạt động quy củ hơn, thu nhập của các chủ đò rất đều đặn, người già cũng như người trẻ. Chủ đò cứ đến số, đến lượt thì vào “nốt”, không phải “chèo kéo” hay tranh giành khách như trước nên cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn. “Chưa biết đến cuối vụ thế nào nhưng thu nhập của tôi trong tuần đầu khai hội chùa Hương năm nay bằn gần năm ngoái”, ông Nguyễn Văn Thiệu nói.
Hoạt động chở đò quy củ, người dân lao động cảm thấy hài lòng, còn du khách cũng cảm nhận được sự đổi mới văn minh, sạch đẹp khi đi lễ hội Chùa Hương. Ngoài ra, thực hiện chuyển đổi việc bán vé từ mô hình truyền thống sang bán vé điện tử đã tạo sự văn minh, công khai về giá, tránh thất thu ngân sách, tránh tình trạng vé giả, vé lậu.
Các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đường thủy, ban tổ chức lễ hội duy trì đảm bảo an toàn giao thông tại suối Yến và suối Tuyết Sơn, các đội cứu hộ giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Nhờ đó không có trường hợp cò mồi, chèo kéo du khách, không có bán hàng rong trên thuyền, đánh bạc trên thuyền, các chủ đò và du khách được thường xuyên nhắc nhở tuân thủ các quy định an toàn giao thông thủy, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho du khách.
“Khó khăn trong quản lý đò chở khách mang tính tự phát trước đây đã được giải quyết khi chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã. Ngoài việc nhắc nhở, tuyên truyền, xử lý đối với lái đò vi phạm, lực lượng Thanh tra Giao thông đường thủy nội địa còn xử lý đối với hợp tác xã nếu để xảy ra vi phạm”, ông Bùi Ngọc Tân - Đội Trưởng đội Thanh tra giao thông đường thủy, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết.
Theo ông Bùi Ngọc Tân, lực lượng Thanh tra Giao thông đường thủy đã yêu cầu hợp tác xã chấp hành đúng các quy định của pháp luật và cam kết thực hiện các yêu cầu, điều kiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông; thành lập đội cứu hộ giao thông được trang bị xuồng cứu hộ, đỗ dọc trên 2 chiều của suối Yến và thành lập đội thanh tra, kiểm tra toàn bộ nhân viên của hợp tác xã cũng như việc chấp hành của lái đò. Các đò được trang bị đầy đủ dụng cụ nổi và phao cứu sinh đê đảm bảo an toàn cho du khách trẩy hội Chùa Hương trên suối Yến. Ngoài ra, lực lượng Thanh tra Giao thông đường thủy nội địa bố trí 100% quân số không chỉ duy trì ở đầu bến mà còn sử dụng xuống để tuần tra, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở lái đò và du khách chấp hành các quy định, đảm bảo an toàn giao thông trong suốt thời gian tham gia lễ hội.
“Chùa Hương là nơi linh thiêng, lần này về Chùa Hương thấy khác 2 năm trước rất nhiều. Ngay từ bước đầu tiên đã được phục vụ tận tình, chu đáo vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, chị Nguyễn Thị Loan quê Ninh Bình chia sẻ.
“Năm nay, các dịch vụ ở Chùa Hương đều hợp lý, trật tự được đảm bảo, du khách không bị chèo kéo nên cảm thấy thư thái, đúng phong cách đi chùa chiền”, chị Vũ Thị Nga ở Hà Nội hài lòng.
Lễ hội Chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024 hướng tới mục tiêu an toàn - văn minh - thân thiện, với những ghi nhận được trong tuần đầu khai hội, bên cạnh những kết quả đạt được, những tồn tại, bất cập trong các dịch vụ đò chờ khách, trật tự đô thị, dịch vụ ăn uống, trông giữ phương tiện… cần được du khách phản ánh kịp thời, lực lượng chức năng vào cuộc xử lý triệt để, tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách mỗi lần đến với di tích Quốc gia đặc biệt - quần thể danh thắng Chùa Hương.