Gỡ điểm nghẽn đón khách quốc tế - Bài 1: Quyết liệt mở cánh cửa đầu tiên

Ngày 15/3/2023 là mốc 1 năm ngành du lịch Việt Nam chính thức mở cửa đón khách quốc tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng.

Chú thích ảnh
Du khách nước ngoài tham quan tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.

Vì sao Việt Nam ‘đi trước về sau’?

Theo các chuyên gia du lịch, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó chính sách visa (thị thực) là yếu tố quan trọng để mở cánh cửa đầu tiên thu hút khách quốc tế tới Việt Nam. 

Bà Trần Nguyện, Phó Tổng giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group khẳng định: "Visa là cánh cửa đầu tiên" để có thể đón khách quốc tế, thế nhưng Việt Nam đang bị vướng ở cánh cửa này. Có thể thấy, ngay khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, Việt Nam nằm trong top những nước đầu tiên mở cửa đón khách quốc tế. Vậy mã đã 1 năm sau khi mở cửa, lượng khách đến Việt Nam vẫn còn hạn chế".

Theo bà Trần Nguyện, hiện visa của Việt Nam đang bị hạn chế về thời gian lưu trú. Cụ thể, visa thông thường chỉ dừng ở khoảng 15 ngày và nhập cảnh một lần; chưa kể, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Việc cấp thị thực điện tử chỉ áp dụng cho 80 quốc gia nhưng lại bị giới hạn một số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Trong khi đó, Thái Lan đã áp dụng việc kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 45 ngày; Đài Loan (Trung Quốc) áp dụng trở lại chính sách eVisa Quan Hồng hướng đến khách đi tour, đi theo đoàn qua các công ty lữ hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng; Hàn Quốc nối lại loại hình thị thực cho phép khách ra vào nhiều lần, thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm...

Chú thích ảnh
Du khách tham quan tại núi Bà Đen, Tây Ninh. 

"Trong khi các nước mở cửa đón khách quốc tế sau Việt Nam nhưng các chính sách cởi mở về visa cùng với nhiều chiến dịch thu hút khách quốc tế đã và đang khiến cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần khách quốc tế tại các khu vực Đông Nam Á ngày càng khốc liệt. Điều này chứng tỏ, hiện chính sách visa của Việt Nam đang bất lợi về cả số quốc gia miễn visa, cấp visa điện tử, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Do đó, nếu Việt Nam không điều chỉnh kịp thời, phù hợp và linh hoạt, rất có thể du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tụt lại phía sau", bà Trần Nguyện chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa cao là do khó khăn về visa, bởi visa là yếu tố rất quan trọng và đầu tiên cần được giải quyết. Do đó, để tháo gỡ điểm nghẽn, trước tiên các cơ quan quản lý cần phải bắt đầu từ nút thắt visa, sau đó là tiếp tục mở thêm nhiều đường bay thẳng từ các nước đến Việt Nam và ngược lại. 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation cũng nhận định: “Nếu Việt Nam vẫn chỉ mở cửa he hé thì sẽ rất khó đón du khách quốc tế đến. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải sớm thay đổi cách tiếp cận về visa để đón khách quốc tế nhiều hơn”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch đã được các sở ngành, địa phương quan tâm và có kiến nghị nhiều chính sách, giải pháp với Chính phủ, giúp ngành du lịch phục hồi khá nhanh. Tuy nhiên, sự phục hồi này không đồng bộ giữa khách nội địa và quốc tế, chủ yếu là nhờ khách nội địa nhưng chi tiêu chỉ bằng khoảng 40 - 50% so với khách quốc tế. Điều này khiến nhà hàng, khách sạn vẫn khó khăn.

Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, sau 1 năm mở cửa ngành du lịch để đón khách quốc tế, đã đến lúc cần xem xét tháo gỡ khó khăn về chính sách visa, tăng thời gian lưu trú, tránh tình trạng khách đang ở Việt Nam thì hết hạn visa và họ phải sang nước lân cận để gia hạn visa, làm hạn chế sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trong mắt du khách.

Kéo dài thời gian lưu trú

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có kiến nghị Chính phủ Việt Nam mở rộng danh sách được miễn thị thực (visa) cho tất cả quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và kéo dài thời gian miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày. Đây là nguồn khách cần thiết để đa dạng hóa thị trường du lịch trong nước, khi khách Trung Quốc và khách Nga chưa trở lại.

Theo phân tích các chuyên gia của EuroCham, chính sách của Việt Nam yêu cầu khách quốc tế phải có visa trước khi khởi hành, visa nhập cảnh hoặc visa điện tử cùng với thời gian, trong khi đó chi phí phát sinh từ thủ tục này rất nhiều nên đã và đang làm cản trở khách du lịch tự túc từ châu Âu tới - vốn là phân khúc khách hàng chi tiêu cao.

Nếu Việt Nam cấp visa du lịch 3 tháng cho khách từ châu Âu muốn nghỉ dài, nhất là kỳ nghỉ lễ mùa đông, sẽ giúp thu hút nhiều du khách có mức chi tiêu cao. Vì thông thường, những khách đã nghỉ hưu và có kinh phí sẽ đi du lịch dài ngày và lưu trú lâu hơn bình thường. Thế nhưng, hiện thời gian miễn visa phổ biến ở Việt Nam chỉ có 15 ngày, vừa hạn chế về thời gian cho du khách vừa gây khó khăn cho công ty lữ hành trong việc thiết kế tour. Nhìn sang khi các nước khu vực ASEAN, các nước này hầu hết đều miễn visa 30 ngày trở lên.

Chú thích ảnh
Từ tháng 3, Công ty Lữ hành Saigontourist sẽ liên tục đón tiếp và phục vụ nhiều chuyến tàu biển quốc tế đến Việt Nam theo các hải trình Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh.

Liên quan đến việc kéo dài thời gian lưu trú để hút khách, ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, chính sách visa là một trong những vấn đề đã được cộng đồng doanh nghiệp du lịch và Saigontourist Group kiến nghị nhiều lần. Vì vậy, sau 1 năm mở cửa du lịch, các doanh nghiệp tiếp tục đặt kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành thêm những chính sách mới, trong đó có chính sách liên quan visa hoặc có thể thí điểm triển khai trong thời gian nhất định nhằm góp phần thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách quốc tế đối với ngành du lịch Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TSTtouris cho biết, ngành du lịch Việt Nam có thể lấy Thái Lan làm đối tượng cạnh tranh, mở rộng diện miễn visa tương ứng. Cụ thể, Việt Nam có thể kéo dài thời hạn lưu trú tại Việt Nam tăng từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay. Bởi trong hoàn cảnh hiện tại, để kiếm được một vị khách quốc tế đến Việt Nam là rất khó khăn. Vì vậy, nếu Việt Nam cứ chậm chân sẽ mất đi cơ hội đón khách quốc tế khi cạnh tranh với các nước.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương có ngành du lịch phát triển khá mạnh mẽ. Để tăng lượng khách đến TP Hồ Chí Minh, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết Thành phố cũng đã có những đề xuất về tháo gỡ điểm nghẽn về visa. Cụ thể, Thành phố đã đề xuất mở rộng các đối tượng miễn visa và kéo dài thời gian lưu trú; cấp visa cho khách được ra vào nhiều lần; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc cấp visa, cụ thể là tăng cường áp dụng e-visa nhằm tạo thuận lợi cho du khách xin e-visa nhanh chóng nhất... Ngoài ra, Thành phố cũng mong muốn chính sách visa cần ổn định để doanh nghiệp lên kế hoạch dài hạn, tối thiểu là 5 năm thay vì 1 - 3 năm như hiện nay. 

"Chúng tôi mong muốn Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quan tâm hơn nữa trong việc tham mưu Chính phủ để có chính sách tháo gỡ sớm nhất về visa. Đồng thời, chúng tôi cũng mong Chính phủ có giải pháp liên hoàn để đầu tư cho việc phát triển hệ sinh thái du lịch, có những chính sách cụ thể để kịp thời tháo gỡ và thúc đẩy ngành du lịch phục hồi nhanh hơn trong thời gian tới”, ông Dương Anh Đức đề xuất. 

 Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, hiện công dân 13 nước được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam với thời gian lưu trú 15 ngày, không phân biệt mục đích. Sau thời gian này, các cơ quan công an có thể gia hạn tạm trú. Bên cạnh đó, người nước ngoài vào khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu thì được miễn thị thực trong 30 ngày.

Việt Nam cũng đã thực hiện cấp thị thực điện tử (eVisa) có thời hạn tạm trú 30 ngày và được trả kết quả sau 3 ngày. Mức phí eVisa là 25 USD nộp vào tài khoản trực tiếp của Bộ Tài chính.  

Ngoài ra, Bộ Công an đang thực hiện cấp thị thực du lịch Việt Nam có giá trị đến 90 ngày. Khi đến cửa khẩu, luật quy định cán bộ công an hoặc biên phòng cửa khẩu đóng dấu xác nhận lưu trú 30 ngày và sau đó khách quốc tế có thể yêu cầu xin gia hạn đến 90 ngày. Đồng thời, Việt Nam cũng đang áp dụng chính sách miễn thị thực cho người có gốc Việt và gia đình con cái với thời hạn tạm trú lên 6 tháng...

Hiện nay, ngành công an vẫn đang ghi nhận các ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, chuyên gia để tiếp tục đưa vào sửa đổi một số điều của luật Xuất nhập cảnh sớm nhất với thủ tục rút gọn hơn cho người dân và các du khách.

Bài 2: Nâng chất lượng sản phẩm du lịch

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Gỡ điểm nghẽn đón khách quốc tế - Bài cuối: Đổi mới để tăng doanh thu
Gỡ điểm nghẽn đón khách quốc tế - Bài cuối: Đổi mới để tăng doanh thu

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm lực để thu hút dòng khách trung - cao cấp hay cả giới siêu giàu trên thế giới nếu biết làm mới sản phẩm du lịch, thay đổi tư duy đón khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN