Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho biết, tỉnh Quảng Nam có vị trí du lịch quan trọng, nằm ở trung tâm của tuyến du lịch miền Trung Việt Nam với nhiều loại hình du lịch mang đặc trưng riêng dựa trên sự phong phú của hệ thống các di sản văn hóa, sự đa dạng của các thắng cảnh thiên nhiên, sự độc đáo của ẩm thực và tinh hoa của các làng nghề truyền thống. Với khoảng hơn 125 km chiều dài bờ biển, có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: Cửa Đại, An Bàng, Hà My, Tam Thanh, Bãi Rạng, Tam Tiến, cùng với một số các hòn đảo lớn nhỏ gần bờ, đây là nguồn tài nguyên rất lớn để phát triển du lịch biển, đảo của tỉnh.
Dù miền Trung có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, nhưng ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam nêu quan điểm: "Biến đổi khí hậu, thiên tai là tác nhân gây bất lợi cho việc phát triển của sản phẩm du lịch biển, đặt ra thách thức không nhỏ cho công tác khôi phục và bảo tồn đối với các tài nguyên du lịch ven biển".
Bày tỏ băn khoăn với lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cho biết: Trong bối cảnh ngành du lịch từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, đến nay, sự phối hợp giữa các ngành trong xây dựng chính sách phát triển du lịch vẫn còn thiếu chặt chẽ từ việc xây dựng quy hoạch, đến ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện pháp luật liên quan đến phát triển du lịch biển. Hoạt động phát triển du lịch biển của cộng đồng còn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết, thiếu đầu tư. Những bất cập về quy hoạch, hạ tầng du lịch biển chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và du lịch biển đảo nói riêng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, nhiều dự án du lịch lớn ở khu vực phía Đông của tỉnh như Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An - Hoiana, Tui Blue Nam Hội An, Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An, mang lại tiện nghi đẳng cấp quốc tế phục vụ khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Quảng Nam. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông khu vực này được kết nối thông suốt. Theo đó, các khu nghỉ dưỡng ven biển kết nối với sân bay Chu Lai, sân bay quốc tế Đà Nẵng, cảng Kỳ Hà và cảng biển du lịch Cửa Đại.
Các khu điểm du lịch biển như An Bàng (Hội An), Cửa Khe (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành) đã được xây dựng, khai thác thông qua tuyến đường ven biển Võ Chí Công và hệ thống đường thanh niên ven biển. Đây là những lợi thế để Quảng Nam khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, khai thác du lịch biển của Quảng Nam thời gian qua được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Hoạt động du lịch biển chủ yếu tập trung tại thành phố Hội An. Các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều. Các sản phẩm du lịch như thể thao biển chưa được phát triển; công tác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch vùng ven biển chưa được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu ghi nhận những băn khoăn, kiến nghị của cộng đồng du lịch và cam kết sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn để cộng đồng doanh nghiệp du lịch Quảng Nam khôi phục, phát triển một cách bền vững, nhất là đối với sản phẩm du lịch biển đảo.