Một số thị trường du lịch đã tạm dừng việc đưa đón khách như Trung Quốc, Hàn Quốc; nhiều thị trường khác cũng giảm mạnh tour tham quan. Trước sự sụt giảm lượng khách, nhiều công ty lữ hành ở Hà Nội đã liên kết, kích cầu thị trường đến những khu vực an toàn nhằm phục hồi ngành du lịch.
Thay thế sản phẩm du lịch
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, yếu tố an toàn của khách đều được các doanh nghiệp lữ hành đặt lên hàng đầu. Ngay khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, Hàn Quốc, cùng với khuyến cáo của các cơ quan chức năng, tất cả các công ty du lịch đều hủy tour đến các vùng dịch và không đón khách từ vùng dịch vào Việt Nam. Với những khách muốn hủy tour, nhiều đơn vị đã hoàn tiền 100%, đảm bảo quyền lợi cho khách, chấp nhận những thiệt hại về doanh nghiệp của mình. Với những khách tiếp tục muốn đi du lịch, các đơn vị đã tư vấn chuyển sang các thị trường khác an toàn hơn. Một mặt, nhiều công ty du lịch đã nghiên cứu, thay thế sản phẩm du lịch, đảm bảo sự an toàn, phù hợp với nhu cầu của du khách.
Ngay khi khách hủy tour đến vùng dịch, Công ty du lịch Vietrantour tư vấn cho các khách hàng chuyển đổi sang tour khác để đảm bảo an toàn, tập trung vào các tour Đông Nam Á có miễn visa để đảm bảo thời gian khởi hành. Sau khi cắt tour Italia ra khỏi hành trình, Công ty Du lịch Vietravel dịch chuyển tour châu Âu sang một hướng khác, khu vực ít chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 như một phần Tây Âu, Nga, Anh. Công ty mỗi tháng vẫn duy trì 2 đoàn đi Tây Âu, 2 đoàn đi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, 1 đoàn đi Anh.
Nhưng cũng có một số danh nghiệp như Công ty du lịch AZA hướng đến các tour du lịch nội địa trong thời gian dịch bùng phát ở các thị trường nước ngoài. Theo chia sẻ của nhiều hãng lữ hành, các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ như: Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định đang được khách hàng đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó là các tour tới Phú Quốc, các tỉnh miền Tây, Ninh Bình, Hạ Long... Bởi vậy, các công ty du lịch luôn hướng đến các điểm đến này, vừa đảm bảo tính an toàn, vừa đảm bảo sự mới lạ.
Liên kết giảm giá sâu
Để tăng trưởng lượng khách quốc tế và nội địa trong thời điểm này, ứng phó với tác động của dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) phát động chương trình kích cầu. Chương trình kích cầu du lịch nội địa triển khai từ tháng 3 đến tháng 8/2020, chương trình kích cầu du lịch quốc tế triển khai từ tháng 4 đến tháng 12/2020. Trước đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức công bố Liên minh kích cầu du lịch 2020 và chương trình xúc tiến du lịch Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk. Nhiều doanh nghiệp hàng không, lữ hành, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm uy tín đã tham gia chương trình kích cầu này.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch HanoiRedtours - đơn vị đề xuất chương trình kích cầu, đồng thời là đơn vị chủ công trong xây dựng liên minh kích cầu, cho biết: Thời gian vừa qua, du lịch rơi vào tình trạng gần như tê liệt, xuất phát từ tâm lý lo ngại của du khách. Vì vậy, để kích cầu du lịch thì đầu tiên phải tạo niềm tin, sự an tâm cho du khách. Chương trình kích cầu du lịch này xuất phát từ cam kết của các đơn vị lữ hành lớn về một sản phẩm du lịch an toàn. Bên cạnh sản phẩm an toàn, các doanh nghiệp cũng cần tạo ra yếu tố giá tốt, bổ sung những sản phẩm, dịch vụ mới để mở rộng, kích thích nhu cầu của du khách.
Tất cả các doanh nghiệp, điểm đến của 4 tỉnh đồng lòng tham gia vào chương trình kích cầu du lịch Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk, cam kết sẽ phục vụ du khách, áp dụng quy trình về tiêu chuẩn về an toàn cao nhất. Các sản phẩm du lịch hấp dẫn gồm: Quy Nhơn - Tuy Hòa (4 ngày), Buôn Ma Thuột - Pleiku (4 ngày), Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột (4 ngày), Quy Nhơn - Gia Lai (4 ngày) có chung 1 mức giá 4.490.000 đồng. Bên cạnh đó, các đối tác tại điểm đến còn giảm giá, tùy theo từng nhà cung cấp sẽ có mức giảm giá khác nhau từ 10 – 40%, thậm chí còn miễn số một số dịch vụ khác. Đối với các sản phẩm quốc tế, được sự hỗ trợ từ hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ, HanoiRedtours cũng đã xây dựng hàng loạt các sản phẩm hấp dẫn với giá khuyến mại giảm từ 30 – 40% so với thông thường đến châu Âu, Dubai, Nga, Mỹ...
Đối với việc kích cầu thu hút du khách đến Hà Nội, ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đã sẵn sàng cho chương trình này, tuy nhiên phải lựa chọn thị trường để tập trung kích cầu. Với thị trường quốc tế, Hà Nội sẽ tập trung kích cầu tại Ấn Độ. Tháng 3/2020, Hà Nội sẽ đón đoàn khoảng 50 doanh nghiệp Ấn Độ đến khảo sát du lịch và các địa phương khác liên kết du lịch. Đối với khách du lịch nội địa, Hà Nội có thế mạnh là khách du lịch trải đều tất cả 62 tỉnh, thành phố. Thành phố vẫn tập trung vào du lịch văn hóa, vận động các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm cũ. Trong đó, ngành du lịch sẽ tập trung vào hai trọng điểm là du lịch Mỹ Đức và Ba Vì. Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Mỹ Đức tìm giải pháp đổi mới hoạt động du lịch để thu hút khách quanh năm đến với lễ hội chùa Hương. Tại huyện Ba Vì, khu vực núi Tổ Ba Vì thờ Thánh Tản Viên chưa khai thác hết tiềm năng, có thể khai thác, kích cầu du lịch nội địa bên cạnh các sản phẩm sẵn có.
Hiện nay, mong muốn lớn nhất của những người làm du lịch là thị trường du lịch được phục hồi. Trong thời gian trước mắt, cả cơ quan quản lý du lịch cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đang cùng nhau chia sẻ, nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này.