Tới đây, thành phố Hà Nội mở rộng phố đi bộ trong phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm nhằm tạo không gian và phát huy hiệu quả giá trị phố cổ Hà Nội và hiệu quả dịch vụ thương mại, hình thành sản phẩm du lịch vào dịp cuối tuần. Tin Tức Cuối tuần đã có dịp trao đổi với ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xung quanh chủ đề này.
Ông nghĩ sao về đề án mở rộng thêm 6 tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội và xung quanh hồ Hoàn Kiếm?
- Theo tôi, phố đi bộ sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, bước đầu có khó khăn vì sẽ thay đổi tập quán sống của người dân phố cổ từ bao đời nay. Thứ hai là phải tính toán giao thông như thế nào cho phù hợp. Thứ ba là khâu tổ chức các hoạt động dịch vụ cho chu đáo, bởi nếu để lộn xộn thì sẽ kém hiệu quả.
Tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân (Hà Nội). Ảnh: Lê Phú |
Để khắc phục khó khăn này, theo ông cơ quan chức năng sẽ giải quyết ra sao?
Chính quyền các cấp phải vào cuộc, nhất là cấp cơ sở. Trước tiên bằng nhiều cách như tuyên truyền trong nhân dân để họ hiểu và ủng hộ. Cấp chính quyền cơ sở ban hành các quy chế và triển khai để trở thành nếp sống mới của nhân dân trong phố cổ. Tôi nghĩ, để thay đổi thói quen phải có một quá trình và làm đồng bộ, từng bước một.
- Thưa ông, việc phố đi bộ sẽ cấm xe và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, vấn đề này xử lý ra sao?
- Đã gọi là phố đi bộ thì phải cấm xe. Đương nhiên sẽ khó khăn trong thời gian đầu. Nhà nước hình thành hệ thống xe công cộng để tạo thuận lợi cho người dân đi lại và có bãi đỗ xe quanh khu vực. Tôi được biết, đề án của thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải tiến tới sẽ cấm đi xe trên một số tuyến phố, đặc biệt trong khu phố cổ. Trước khi áp dụng sẽ có nghiên cứu xã hội học và lấy ý kiến của người dân quanh khu bị ảnh hưởng. Theo tôi, trong phố đi bộ tổ chức một loạt xe điện không chỉ chở khách mà còn chở hàng hóa.
- Để phố đi bộ trở thành điểm hấp dẫn cần có sản phẩm du lịch hấp dẫn khách, thưa ông?
6 tuyến đi bộ mới mà UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đề xuất gồm Hàng Buồm - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Mã Mây - Đào Duy Từ - Tạ Hiện thuộc phường Hàng Buồm và Hàng Bạc trở thành phố đi bộ vào 3 buổi tối cuối tuần (từ tối thứ 6 đến Chủ nhật). Trước đó, vào năm 2004, quận Hoàn Kiếm đã triển khai tuyến phố đi bộ vào buổi tối kết hợp với phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ trên tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng vừa đề xuất các tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân và xung quanh hồ Hoàn Kiếm trở thành phố đi bộ hai ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật), dự kiến thực hiện từ tháng 12/2011. Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm gồm tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân, các phố quanh hồ như Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, một đoạn phố Tràng Tiền (từ đầu Hàng Khay đến Ngô Quyền), Lê Thạch, Lê Lai (cạnh Tượng đài Lý Thái Tổ). |
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước nên không đưa ra sản phẩm du lịch cụ thể. Song dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi cùng tham gia vào đề án của quận Hoàn Kiếm để tạo không gian, các hoạt động trong khu phố đi bộ có chất văn hóa cao, hội tụ nét văn hóa truyền thống của 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, chúng tôi cung cấp thông tin, định hình các sản +phẩm du lịch mang nét đặc trưng của phố cổ để xây dựng chương trình quảng bá. Theo tôi, với truyền thống sẵn có, tuyến phố đi bộ mở rộng từ Hàng Buồm đến Tạ Hiền sẽ là phố ẩm thực. Tuy nhiên, cần phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Tôi tin nếu phố đi bộ thực hiện được, đây sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, là điểm nhấn cho du lịch Hà Nội.
- Phố đi bộ Đồng Xuân - Hàng Đào lúc lập đề án giới thiệu hàng thủ công truyền thống, song thực tế nơi đây thường bán hàng Trung Quốc, ông nghĩ sao? - Tôi nghĩ hiện tượng này cần chấn chỉnh, ngay những người tham gia bán hàng trong đó cũng phải được tuyên truyền, phải thực hiện tốt quy chế. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phải kiểm tra, xử phạt. Nếu không thực hiện đúng sẽ không cho kinh doanh nữa. Vấn đề này, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn.
Xin cám ơn ông!
Xuân Minh