Tháp Rùa trên hồ Gươm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Sở Du lịch Hà Nội vừa đi vào hoạt động nhằm tăng cường quản lý về du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nét đẹp đất và người Thủ đô đến du khách.
UBND thành phố Hà Nội đã quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các đề án, dự án du lịch, với định hướng phát triển bền vững, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, thành phố coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…
Ngành du lịch Hà Nội đang quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần “Tất cả vì du khách", tạo chuyển biến đột phá trong phát triển du lịch, xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến “An toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn”. Từ nay đến hết năm 2015, ngành du lịch Hà Nội sẽ thực hiện nhiều công việc bản lề, tạo nền tảng để phát triển du lịch một cách bền vững như tổ chức tọa đàm giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp du lịch về tình hình hoạt động, cơ chế chính sách và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới về du lịch; tổ chức điều tra thông qua khách du lịch phục vụ công tác thống kê, phân tích thị trường khách đến Hà Nội; khảo sát thực trạng hệ thống cơ sở lưu trú; rà soát, thống kê các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, văn phòng đại diện, chi nhánh du lịch trên toàn địa bàn phục vụ công tác quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu.
Ngành du lịch Hà Nội cũng tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời nâng cấp trang website riêng về du lịch Hà Nội để du khách dễ dàng tìm hiểu qua địa chỉ: hanoitourism.gov.vn. Bên cạnh đó, ngành sẽ cho ra mắt Niên giám Khách sạn Hà Nội từ 3 đến 5 sao bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thành phố sẽ đầu tư xây dựng các biển báo, pano, áp phích cỡ lớn đặt tại các đường lớn, vị trí trung tâm để tạo điểm nhấn, thu hút người xem. Thành phố sẽ tham gia hội chợ du lịch Jata tại Nhật Bản; đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn và đón tiếp khách tại một số làng nghề như: gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm); làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông); mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ)…
Thành phố Hà Nội đã quy hoạch và đưa vào kế hoạch một số dự án, đề án lớn mang tầm bao quát, làm tiền đề cho phát triển các loại hình du lịch. Cụ thể, thành phố xây dựng Đề án “Điều tra thực trạng tài nguyên du lịch phục vụ công tác quản lý điểm đến du lịch Hà Nội”; Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030”; hỗ trợ Nhà hát chèo Hà Nội đầu tư vật chất biểu diễn rối nước phục vụ du khách; khảo sát, trao đổi kinh nghiệm khai thác giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch thuộc Đề án “Phát huy giá trị không gian lễ hội Gióng tại Gia Lâm và Sóc Sơn”; xây dựng quy hoạch phát triển du lịch Ba Vì – Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020.