Hà Nội: Xu hướng du lịch 'tại chỗ' bắt đầu thu hút khách

Khi Hà Nội và các địa phương trên cả nước đang dần trở về trạng thái bình thường mới, ngành du lịch Thủ đô bắt đầu có sự khởi động trở lại trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho khách, các lao động du lịch cũng như cả cộng đồng.

Trong đó, xu hướng du lịch “tại chỗ” đang thu hút khá đông người tham gia, cho thấy tín hiệu đáng mừng trong việc phục hồi ngành kinh tế "xanh” này.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh tư liệu: Tuấn Đức/TTXVN

Du lịch nghỉ dưỡng ngoại thành hút khách

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài tới gần 6 tháng và cũng là chừng ấy thời gian buộc người dân phải hạn chế đi lại để phòng, chống dịch, ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của nhân dân. Bởi vậy, khi Hà Nội hết thực hiện giãn cách xã hội, nới lỏng các hoạt động kinh tế, xã hội thì nhu cầu đi du lịch lại càng trở nên cần thiết. Trong lúc này, khi hoạt động du lịch tại các địa phương chưa hoàn toàn khôi phục lại như trước, thì xu hướng du lịch “tại chỗ” đang là giải pháp hiệu quả.

Tại Hà Nội thời điểm này, ngoài bảo tàng và công viên thì các điểm du lịch khác chưa được mở cửa trở lại. Nhưng thực tế, nhiều du khách vẫn còn dè dặt khi tham quan các điểm này, thay vào đó là xu hướng nghỉ dưỡng cuối tuần tại các resort và homestay khu vực ngoại thành Hà Nội lại tăng cao. Điều đó không khó hiểu, bởi sau nhiều tháng bị dịch bệnh vừa qua, nhu cầu được nghỉ ngơi, thư giãn tại một nơi có không gian thoáng đãng, không khí trong lành và được hòa mình với thiên nhiên càng trở nên cần thiết đối với nhiều người. Lợi thế của các mô hình này là nghỉ dưỡng khép kín, khách ít tiếp xúc với nhau, có thể sinh hoạt riêng trong từng điểm lưu trú, phù hợp trong thời điểm dịch bệnh chưa thể dập tắt hoàn toàn. Nhất là lúc này, trẻ em chưa phải đến trường, học trực tuyến nên việc đi lại, nghỉ ngơi càng trở nên thuận lợi.

Giám đốc điều hành Tản Đà Spa Resort, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, ông Nguyễn Văn Quân cho biết, ngay sau khi Hà Nội hết thực hiện giãn cách xã hội, các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được phép đón khách 50% công suất, cũng là lúc lượng khách đặt phòng lưu trú nghỉ dưỡng tại các resort, homestay khu vực ngoại thành Hà Nội bắt đầu quay trở lại. Ông Nguyễn Văn Quân cũng cho biết, nghỉ dưỡng sau thời gian giãn cách xã hội đang là xu hướng của rất nhiều người Hà Nội. Các resort và homestay dọc đại lộ Thăng Long với ưu thế khoảng cách gần, đường đi đẹp, có thể đi về trong ngày đang là lợi thế thu hút khách. Đặc biệt, du lịch khu vực Ba Vì với cảnh quan đẹp đang rất phát triển với khu nghỉ dưỡng, resort, homestay. 25 trong tổng số 50 phòng của Tản Đà Spa Resort luôn trong tình trạng kín phòng vào mỗi dịp cuối tuần. Cũng để kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, Tản Đà Spa Resort chỉ nhận khách ở “vùng xanh”, đã tiêm vaccine. Khi khách đến phải quét mã QR khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử trùng, yêu cầu đeo khẩu trang, khu vực nhà hàng ăn uống phải tách riêng từng nhóm khách, người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Còn homestay The Moonlight, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, sở hữu không gian rộng lớn với rừng thông, cây cỏ, thảm hoa xanh tươi cùng cách bài trí đẹp đang hấp dẫn khách nội thành Hà Nội muốn hòa mình cùng thiên nhiên. Tại đây cũng có nhiều tiện ích, từ phòng bếp, khu vực đốt lửa trại, chòi ngắm cảnh trên cây, khu ăn uống ngoài trời, khu vui chơi trẻ em… có thể mang lại nhiều tiện lợi cho khách trong những ngày thư giãn sau dịch. Quản lý The Moonlight cho biết, ở Sóc Sơn có hàng trăm homestay nhưng hầu hết đều kín phòng vào những ngày cuối tuần. The Moonlight có 3 nhà cho thuê dịch vụ cũng luôn trong tình trạng này. Dù điều kiện đặt ra đối với khách thuê cao hơn các homestay khác nhưng rất nhiều khách quay trở lại đặt phòng và trở thành thân quen. Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, The Moonlight cũng đặc biệt quan tâm đến sự an toàn trong phòng, chống dịch, chỉ nhận khách đã tiêm vaccine phòng, chống COVID-19, khai báo y tế và chuẩn bị đầy đủ các vật tư phục vụ phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, nhiều resort, homesay ở khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Sóc Sơn, Đông Anh… cũng được nhiều khách lựa chọn nghỉ dưỡng sau giãn cách xã hội.

Khởi động các tour du lịch an toàn nội đô

Cùng với các địa phương trong cả nước bắt đầu khởi động lại hoạt động du lịch, cơ quan quản lý du lịch, các hiệp hội, câu lạc bộ và doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đang xúc tiến xây dựng các tour du lịch an toàn. Trong đó, tour du lịch nội đô được ưu tiên để phục vụ chính nhu cầu của người Hà Nội.

Ngày 23/10, Công ty Lữ hành Hanoitourist chính thức khai trương tour du lịch bình thường mới "Bộ hành kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - Nhà hát Lớn - Bắc Bộ Phủ nhằm giới thiệu đến du khách giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo của các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội. Trong vòng 1 giờ 30 phút, du khách đi bộ thăm các di sản, khám phá phong cách kiến trúc tiêu biểu của các công trình này gắn với những sự kiện lịch sử của Thủ đô, đất nước.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, tour du lịch sẽ là một trải nghiệm độc đáo, nâng tầm giá trị sản phẩm du lịch và làm cho khách cảm thấy rõ nét hơn về Hà Nội xưa và nay. Hiện tại, giá tour đang được khuyến mãi sâu nhằm kích cầu du lịch nội đô, thu hút du khách tham quan. Sau tour du lịch bình thường mới “Bộ hành kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, Công ty Lữ hành Hanoitourist sẽ tiếp tục xây dựng các tour du lịch bình thường mới khác.

Nhiều công ty lữ hành khác trên địa bàn Hà Nội cũng tính toán đưa các tour du lịch nội đô vào hoạt động nhằm thu hút khách du lịch “tại chỗ”. Thành phố Hà Nội cũng đang xây dựng 4 giai đoạn phục hồi, thu hút khách du lịch nội địa; chú trọng xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch an toàn. Theo đó, thành phố dự kiến thí điểm mở cửa, thu hút khách du lịch một số khu, điểm du lịch “xanh” đạt chuẩn an toàn trên địa bàn thành phố, ưu tiên những khu, điểm du lịch khép kín, có cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, có hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo. Thành phố cũng khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay… tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn. Một mặt, Hà Nội dự kiến cho phép các doanh nghiệp lữ hành đăng ký xây dựng các tour du lịch, caravan khép kín, ngắn ngày đến các điểm du lịch "xanh" trên địa bàn thành phố; triển khai thí điểm tour du lịch, caravan khép kín tại Làng cổ ở Đường Lâm, Vườn Quốc gia Ba Vì, chùa Hương.

Sau đó, Hà Nội sẽ phối hợp với một số tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, xây dựng phương án mở lại hoạt động trao đổi khách du lịch; cho phép các đơn vị lữ hành xây dựng một số tour du lịch, sản phẩm caravan khép kín đến các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Thời gian du lịch Hà Nội bị “đóng băng” đang dần qua, thay vào đó, việc trở lại trạng thái bình thường mới đang hé mở nhiều kỳ vọng cho ngành du lịch trong việc phục hồi và phát triển. Trước hết là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá của du khách, sau là vực dậy chính ngành du lịch, khi nhiều đơn vị đã cạn nguồn lực do tác động nặng nề của dịch bệnh.

Đinh Thuận (TTXVN)
Sức hút của bất động sản du lịch cận Hà Nội
Sức hút của bất động sản du lịch cận Hà Nội

Với những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cùng tốc độ phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, các địa phương giáp ranh với TP. Hà Nội đang tạo ra sức hút mạnh mẽ cho thị trường bất động sản (BĐS) phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN