Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế. |
Tại lễ hội, lãnh đạo huyện Yên Thế đã ôn lại lịch sử hào hùng, vẻ vang, tinh thần bất khuất của nghĩa quân Yên Thế do Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp suốt gần 30 năm (1884 - 1913); khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử, lòng tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực trong các tầng lớp nhân dân tiếp tục xây dựng quê hương Yên Thế ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Khởi nghĩa Yên Thế được đánh giá là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn, bền bỉ và oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc chống xâm lược trước khi có Đảng lãnh đạo. Mặc dù không đi đến thắng lợi cuối cùng nhưng khởi nghĩa Yên Thế đã là một biểu tượng của tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc.
Sau phần khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Yên Thế vang mãi bản hùng ca” với sự tham gia của đông đảo diễn viên, học sinh Nhà hát Chèo Bắc Giang, Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Chương trình nghệ thuật tái hiện tinh thần thượng võ, ý chí đấu tranh quật cường của nghĩa quân Yên Thế. Trong đó, điểm nhấn là hoạt cảnh lễ tế cờ, phóng điểu của Hoàng Hoa Thám, màn biểu diễn võ thuật của học sinh trên địa bàn…
Tiếp đó, đoàn đại biểu của tỉnh, huyện, các xã, nhân dân và khách thập phương đã dâng hương trước tượng đài người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Tại lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như hội trại thanh niên, thi nấu cơm niêu, đập niêu, kéo co, bịt mắt bắt lợn, biểu diễn nghệ thuật rối nước, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi người mặc trang phục dân tộc đẹp, bắn nỏ, hát quan họ trên thuyền, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá nữ, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi trình diễn trang phục dân tộc đẹp…
Lễ hội Yên Thế diễn ra đến hết ngày 17/3/2018.