Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước.
Theo chương trình dự kiến, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ sẽ tham dự và phát biểu tại hội thảo.
Hàng trăm đại biểu là các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước đã đăng ký tham dự Hội thảo.
Hội thảo nhằm đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với ngành Du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; cung cấp thông tin để các đại biểu Quốc hội quyết định những chính sách đột phá nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện “bình thường mới”.
Đây cũng là sự tiếp nối của các cơ quan của Quốc hội, làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: “Phục hồi và phát triển bền vững”, góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2026.
Để chuẩn bị tốt các nội dung Hội thảo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, khảo sát tại các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, một số địa phương và làm việc với các bên liên quan.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 100 tham luận với nội dung phong phú và chuyên sâu, tập trung vào các vấn đề: Đánh giá thực trạng du lịch Việt Nam dưới tác động của tình hình COVID-19 và nhận diện thời cơ, thách thức sau khi dịch bệnh kết thúc; đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi du lịch; đề xuất, kiến nghị các giải pháp dài hạn phát triển du lịch bền vững.
Ban Tổ chức hội thảo cho biết, du lịch Việt Nam thời gian qua đã có bước chuyển mình và phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả ấn tượng, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực trong thúc ẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát gây ra tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng, trong đó, một trong các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, trước tiên và lớn nhất là ngành du lịch.
Trong gần hai năm qua, các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm; hoạt động du lịch gần như bị đóng băng. Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phải đóng cửa tạm thời hoặc tạm dừng hoạt động; nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, địa điểm du lịch phải thu hẹp quy mô, giảm thiểu chi phí dẫn tới hàng triệu người trong ngành dịch vụ du lịch bị mất việc làm.
Tác động của đại dịch đã làm thay đổi căn bản bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Mặc dù là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất nhưng du lịch lại là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch nếu có chiến lược và sự chuẩn bị đúng đắn.
Hội thảo bao gồm bao gồm hai phiên. Trong Phiên chuyên đề, Hội thảo sẽ nghe báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, nghe ý kiến tham luận và thảo luận của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia và các doanh nghiệp về chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng COVID-19 để phát triển du lịch.
Trong Phiên toàn thể, Hội thảo sẽ tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ; nghe các báo cáo đánh giá về tác động của dịch COVID-19, đề xuất giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 -2023 của các bộ, ngành và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam sẽ phản ánh chi tiết về hội thảo quan trọng này.