Trong đó có 56.902 khách quốc tế chiếm 62% trên tổng lượt khách. Doanh thu du lịch dịp này đạt khoảng 80,887 tỷ đồng, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt trên 165 tỷ đồng.
Công suất đặt phòng chủ yếu của các khách sạn 4 - 5 sao đạt 70%, tăng 5% so với Tết Bính Thân (chưa kể khách tự do đến trong những ngày Tết). Cụ thể, hạng 5 sao, công suất phòng bình quân đạt 56%, hạng 4 sao đạt 53%, 3 sao đạt 47%. Đặc biệt các ngày từ Mồng 2 - 4 Tết công suất phòng loại 4-5 sao đạt trên 90%.
Nhằm giới thiệu bản sắc văn hoá độc đáo của Việt Nam nói chung và của Huế nói riêng đến với du khách trong và ngoài nước, ngoài các tour truyền thống, các công ty, doanh nghiệp lữ hành đã chào bán một số tour du lịch trong dịp đầu năm như trải nghiệm đón Tết cổ truyền; tham quan Cầu Ngói Thanh Toàn và tham gia các trò chơi dân gian như chơi bài chòi, chợ quê; tham quan làng hoa giấy Thanh Tiên; lễ hội vật Thủ Lễ, vật làng Sình. Đáng chú ý, khách du lịch đến Huế đều chọn xích lô làm phương tiện di chuyển và du lịch trải nghiệm vào ban đêm trong những ngày Tết.
Chợ hoa Tết trước Quảng trường Phu Văn Lâu - Kinh thành Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Đối với khách du lịch đến Huế dịp này họ hào hứng với lễ dựng nêu; được trải nghiệm không khí mua bán tấp nập ngày Tết, hoa đủ màu khoe sắc tại các chợ hoa, tha hồ bấm máy. Tại không gian nhà lưu niệm Hoàng thái hậu Từ Cung, Roland (quốc tịch Na Uy) đến Huế du lịch vào những ngày giáp Tết được các nhân viên ở đây hướng dẫn bày lễ cúng. Anh cũng thắp hương, đốt trầm, rót rượu và khấn nguyện. Nhìn điệu bô lóng ngóng của Roland mọi người hết sức mắc cười, nhưng với anh thì là sự trải nghiệm hiếm có trong đời. Anh cho biết, mong có dịp quay lại Việt Nam để được trải nghiệm các nghi lễ, tập tục văn hóa của Việt Nam trong những ngày Tết.
Tại khách sạn Mường Thanh Huế, khách du lịch thích thú tham gia gói bánh tét. Khi còn là hướng dẫn viên, những lần đưa khách đi du lịch dịp Tết, ông Nguyễn Đình Ân, một đơn vị kinh doanh du lịch ở Huế thấy khách ngoại quốc rất thích thú được tìm hiểu Tết cổ truyền của người dân địa phương. Nhiều hoạt động dù nhỏ nhưng diễn ra đúng thời điểm ấy vẫn thu hút du khách. Ông chia sẻ: "Huế là nơi có nhiều lễ hội văn hóa, dù vậy, việc tổ chức cho du khách khám phá Tết cổ truyền trước và trong Tết chưa nhiều. Tết Bính Thân cũng là lần đầu tiên ông tổ chức lễ cúng ông Táo và thượng nêu cho khách du lịch trải nghiệm".
Với ông Ân, sự trải nghiệm thực tế, với du khách chính là những sự truyền tải văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đến với những người khác một cách tốt nhất. Có lẽ Huế nên khai thác mạnh hơn nữa tour du lịch đón Tết cổ truyền, không chỉ giúp du khách có thêm lựa chọn khi đến Huế mà còn là sản phẩm để những người bạn ngoại quốc hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của người dân địa phương. Chính những điều tưởng chừng như đơn giản trong cuộc sống hàng ngày nhưng cũng là cách quảng bá để du khách hiểu hơn về văn hóa đất nước, con người Việt Nam.
Đó cũng là những tín hiệu vui để năm 2017, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục đổi mới các hoạt động du lịch để thu hút du khách, tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng du lịch. Tỉnh phấn đấu thu hút khoảng 3,3 - 3,5 triệu lượt khách (tăng 8%), lượng khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%; doanh thu du lịch đạt 3.200 - 3.300 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các ngành chức năng chủ động có kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động dịch vụ du lịch trong dịp Tết. Trong đó tập trung kiểm tra chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch, dịch vụ vận chuyển, phát hiện và ngăn chặn tình trạng ép giá, nâng giá tại các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch trong dịp Tết. Sở cũng đã công khai đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch tại các địa điểm công cộng, đảm bảo tốt môi trường du lịch, trật tự an ninh ở các khách sạn và các điểm tham quan, khu du lịch...