Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, cần đẩy nhanh phục hồi, phát triển bền vững sau COVID-19, ngành Du lịch Việt Nam nhận được sự quan tâm của các cơ quan Trung ương cùng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thời gian qua, các địa phương đã chủ động tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch. Các doanh nghiệp tích cực kết nối thị trường, xây dựng sản phẩm mới, đầu tư quảng bá. Nhờ đó, du lịch Việt Nam từng bước được phục hồi đáng kể. Nhiều điểm đến trong nước được các tổ chức quốc tế vinh danh, lọt top đầu tìm kiếm trên thế giới.
Thừa Thiên - Huế là trung tâm du lịch lớn của cả nước, đồng thời là nơi giữ nguyên nét văn hóa lâu đời, đây là lợi thế để địa phương phát triển du lịch văn hóa. Tỉnh đã quan tâm, ban hành các đề án thúc đẩy phát triển du lịch và cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá… Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) được nâng cấp, hệ thống giao thông thuận tiện là những cơ sở cho du lịch địa phương phát triển xứng tầm. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết để Thừa Thiên - Huế vươn lên trong top đầu những địa phương thu hút du khách lưu trú lâu dài, chi tiêu nhiều hơn.
Ông Nguyễn Trùng Khánh đề xuất ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đi vào thực chất với các địa phương lân cận; trong đó khôi phục, làm mới và độc đáo hóa sản phẩm du lịch liên kết 5 điểm đến miền Trung. Tỉnh cần xác định, tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, có tính độc đáo riêng, dựa trên nét truyền thống văn hóa Huế mà không nơi nào có được. Đồng thời tận dụng lợi thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh và quản lý du lịch.
Những con số phục hồi, phát triển của ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế tuy chưa thực sự ấn tượng so với một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước nhưng đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, đóng góp lớn vào nền kinh tế và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Thông qua Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn quảng bá rộng rãi những điểm mới mẻ của du lịch cố đô, song song với đó tạo điều kiện tối đa làm cầu nối cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác tích cực. Đặc biệt, Hội nghị mong muốn tiếp nhận những ý kiến, đóng góp hay, có thể tháo gỡ vướng mắc du lịch địa phương đang gặp phải.
Hầu hết các đại biểu đều ấn tượng và đánh giá cao sự thay đổi đáng kể của du lịch Huế đúng với tinh thần "Huế - Kinh đô xưa, trải nghiệm mới". Một số đại diện doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành trên cả nước thống nhất quan điểm Thừa Thiên - Huế hội đủ các yếu tố về di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, tiềm năng du lịch sức khỏe, các làng nghề truyền thống đặc sắc... để thu hút mạnh mẽ khách du lịch.
Tuy nhiên, vướng mắc gặp phải là cách thức kéo dài thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của du khách. Hội nghị ghi nhận nhiều đề xuất góp ý, gợi mở và bám sát vấn đề này. Theo đó, tỉnh cần xem xét điều chỉnh mức giá vé, thiết kế các chương trình khuyến mãi hấp dẫn khi tham quan điểm đến thuộc Quần thể di tích cố đô Huế; phát triển mô hình chợ đêm ngay trong các làng nghề; xây dựng "food tour"; khuyến khích người dân địa phương du lịch nội tỉnh, lồng ghép chương trình trải nghiệm trong hoạt động giáo dục nhằm tạo hiệu ứng "chim mồi" quảng bá du lịch cố đô...
Trong 8 tháng năm 2023, khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế ước đạt trên 2,1 triệu lượt khách, tăng trên 58% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt trên 672.000 lượt, tăng 778% so với cùng kỳ. Qua đó, đem đến doanh thu ước đạt trên 4.600 tỷ đồng cho địa phương. Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế phấn đấu thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 45-50%.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã đi khảo sát tuyến điểm, trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế như: Lăng vua Gia Long, làng cổ Phước Tích, vườn quốc gia Bạch Mã, thưởng thức đặc sản vùng đầm phá Tam Giang...