Giám đốc Công ty Mekong Travel Phạm Thị Ngọc Trinh cho biết, doanh nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh các chương trình du lịch sông nước miệt vườn, du lịch làng nghề, đồng thời khai thác thêm các điểm du lịch mới, đặc trưng của Vĩnh Long như: Tham quan “Vương quốc gạch, gốm” ở huyện Mang Thít, khai thác du lịch trên tuyến sông Long hồ với làng nghề làm nón lá và đan rổ, rế tre. Trong năm 2023, doanh nghiệp phấn đấu khai thác sâu hơn những tiềm năng du lịch của địa phương, khai thác văn hóa vùng miền tạo nên sự khác biệt cho các sản phẩm du lịch, tăng hoạt động trải nghiệm thay vì chỉ tham quan thông thường.
Ông Nguyễn Bách Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Long cho rằng, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã dần phục hồi sau thời gian dài chịu tác động do dịch COVID-19, từng bước khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch của địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành cần có những giải pháp hiệu quả hơn trong khai thác các tài nguyên bản địa vào du lịch, tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng ở địa phương, tránh trùng lắp với những tỉnh, thành khác trong khu vực. Song song đó, ngành cần quan tâm tăng cường quản lý, kết nối để liên kết giữa các điểm du lịch, từ đó phát huy đặc trưng, thế mạnh của từng cơ sở, điểm du lịch để hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định, ngành Du lịch đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, tuy nhiên hoạt động du lịch vẫn còn một số khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng hiện có của địa phương. Hiện nay, các dịch vụ vui chơi giải trí còn ít, đặc biệt các dịch vụ, khu vui chơi giải trí về đêm tại thành phố Vĩnh Long - nơi có vai trò trung tâm tiếp nhận và điều phối lượng khách du lịch vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có sự liên kết chặt chẽ trong hình thành chuỗi giá trị du lịch, một số doanh nghiệp du lịch vẫn còn khó khăn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch, thiếu nguồn vốn trong tái đầu tư cơ sở, chỉnh chu sản phẩm.
Để ngành Du lịch phục hồi và phát triển đạt mục tiêu đề ra, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý, ngành Du lịch cần tích cực, chủ động và tăng cường liên kết với các ngành, các địa phương trong khu vực để thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là trong triển khai các đề án, dự án như Đề án Di sản Đương đại Mang Thít, Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch... Năm 2023, ngành cần phối hợp với các địa phương rà soát xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, cần khai thác và phát huy các nét đặc trưng và tài nguyên du lịch của tỉnh, tăng cường trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa cho du khách. Ngành cần tích cực phối hợp với các địa phương tạo ra các sự kiện du lịch – văn hóa đặc sắc, tạo sức hút mạnh mẽ cho điểm đến cũng như gia tăng trải nghiệm cho du khách...
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2021, tổng lượt khách đến tham quan đạt 1 triệu lượt, đạt 166% chỉ tiêu năm 2022 và tăng 150 % so với cùng kỳ 2021; trong đó, khách quốc tế ước đạt 5.500 lượt, khách nội địa ước đạt 994.500 lượt. Doanh thu từ du lịch ước đạt 480 tỷ đồng, đạt 160% so với chỉ tiêu 2022, tăng 155 % so với cùng kỳ năm 2021. Nnhiều công trình, dự án được đưa vào phục vụ góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển như: Dự án Đường giao thông phát triển hạ tầng du lịch 4 xã cù lao huyện Long Hồ; Trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Long; Bến Cảng hành khách Vĩnh Long; Công trình Công viên cây xanh tại phường 9, thành phố Vĩnh Long;...
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, chỉnh chu, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương gắn với tiềm năng lợi thế du lịch nông nghiệp, sinh thái sông nước miệt vườn, các làng nghề dần được hoàn thiện. Việc liên kết thúc đẩy phát triển du lịch trong khối liên kết phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh được phát huy thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm.