Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng (Hiệp hội du lịch Việt Nam) cho biết: Khoảng 1 tuần nay, các điểm vòng cung Tây Bắc - Đông Bắc đang thu hút sự chú ý của du khách do đang vào mùa lúa chín trên ruộng bậc thang. Vào dịp cuối tuần, khách có nhu cầu đi, muốn đặt phòng cũng không còn chỗ do năng lực hạ tầng du lịch ở đây chưa cao.
Theo đánh giá của các đơn vị du lịch, khách đi vòng cung Đông – Tây Bắc chủ yếu là tự đi. Khách đi theo các đơn vị lữ hành tổ chức cũng có nhưng chủ yếu là theo nhóm bạn bè và đặt một số dịch vụ ăn nghỉ.
Bên cạnh tour vòng cung Đông – Tây Bắc, điểm đang thu hút sự chú ý của khách là miền Tây Nam Bộ do đang bước vào mùa nước nổi.
Nhận định chung của các đơn vị lữ hành, đợt khởi động lại hoạt động du lịch lần này cũng hướng đến dòng sản phẩm du lịch chuyên biệt mang tính khám phá trải nghiệm và nghỉ dưỡng, chứ không làm đại trà như trước bởi đã qua mùa du lịch nội địa hè do học sinh đi học trở lại. Khách du lịch tập trung vào nhóm bạn trẻ hoặc người có tuổi như cựu chiến binh…
Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Neworld Travel cho biết: Hiện tại, đơn vị thực hiện các dịch vụ lẻ như đặt vé máy bay, đặt phòng cho khách nhưng chủ yếu là khách đi công tác. Trên thị trường, một số đơn vị lữ hành cũng đã liên kết đưa ra một số sản phẩm đi nghỉ dưỡng Nam Trung Bộ tuyến Quy Nhơn – Tuy Hòa; miền Tây – Phú Quốc... nhưng còn phụ thuộc vào tâm lý của khách về lựa chọn điểm đến an toàn.
Ông Trương Tường Lân, Giám đốc du lịch Nam Cường nhận định: Du lịch rậm rịch lại từ đầu tháng 9 đến cuối năm nay chủ yếu phụ thuộc vào các sự kiện của các cơ quan, doanh nghiệp dịp cuối năm. Còn thời điểm này, chủ yếu là khách đi lẻ. Việc khởi động lại các chương trình du lịch chủ yếu để duy trì hoạt động và tạo đà hồi phục cho năm sau.
Đối với mảng du lịch khách quốc tế vào Việt Nam và đi du lịch nước ngoài, các doanh nghiệp cho rằng, dù các đường bay thương mại quốc tế sẽ bắt đầu khởi động lại từ 15/9 nhưng khách du lịch không nhiều do các điều kiện về an toàn và cách ly.
Theo thống kê của các hiệp hội, câu lạc bộ du lịch, do tác động của dịch COVID-19, nhiều khu/ điểm du lịch, khách sạn cho nhân viên nghỉ việc nên ước tính có hơn 1/3 nhân lực trong ngành đã chuyển sang làm nghề khác. Việc tái khởi động các chương trình du lịch sẽ gắn liền với việc đào tạo lại cho nguồn nhân lực mất việc trong thời gian qua.
Ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng: Lần tái khởi động chương trình du lịch lần này khó có thể gọi là kích cầu vì thực tế qua 2 đợt triển khai kích cầu vào cuối tháng 2/2020 và tháng 5/2020, đa phần các đơn vị du lịch đã cạn nguồn lực. Những đơn vị trụ được đến thời điểm này còn rất ít nên đợt này có tái khởi động cũng dựa theo các chương trình liên kết của 2 lần trước đó để hỗ trợ, tương tác với nhau khi khách có nhu cầu.
Phía Tổng cục Du lịch và Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng cho biết đang tập hợp ý kiến doanh nghiệp về chương trình phát triển du lịch theo các phương án chống dịch cụ thể từ cơ quan chuyên môn.
“Do tâm lý của khách còn e dè về phòng dịch, nên các điểm đến an toàn, theo từng nhóm nhỏ vẫn là luồng khách chủ đạo từ nay đến cuối năm. Hy vọng sang năm khi dịch COVID-19 được hoàn toàn khống chế không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới thì du lịch lúc đó mới hồi phục hoàn toàn”, đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký của Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết: Hiện chương trình khởi động lại du lịch cuối năm nay và sang năm 2021 vẫn đang được thảo luận với Tổng cục Du lịch, đại diện hãng hàng không, hãng lữ hành lớn... với hướng chọn từng điểm đến đề cao tiêu chí an toàn và cùng với hãng hàng không tạo các luồng khách.