Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có tổng diện tích trên 106.646 ha, hội tụ đầy đủ 3 không gian gồm rừng, biển, bán sa mạc; là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Nơi đây sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm và là “ngôi nhà chung” của 1.514 loài thực vật (trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới); 766 loài động vật (trong đó có 48 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới).
Ngoài ra, với ưu thế sở hữu 40 km đường biển bao quanh, Núi Chúa là nơi có rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam với trên 350 loài và hàng trăm loài động vật biển. Đặc biệt, đây còn là nơi hiếm hoi xuất hiện nhiều loài động vật quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc... đang được bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt.
Khu dự trữ sinh quyển này còn được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam với lượng mưa thấp, nắng nóng quanh năm đã hình thành nên một hệ sinh thái bán khô hạn. Đặc trưng cho kiểu khu vực này là các trảng cỏ, bụi cây nằm xen lẫn với những khối đá trơ trọi, cô đơn đã tạo nên những công viên thiên nhiên đặc sắc.
Về phía giáp biển của Khu dự trữ sinh quyển là đường tỉnh lộ ĐT 702 ven biển lượn vòng cung theo địa hình tuyệt đẹp để du khách du ngoạn với một bên là biển, một bên là rừng. Đây cũng là con đường ven biển nối tour du lịch trọng điểm của Ninh Thuận gồm các huyện: Thuận Nam, Ninh Phước, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, làng nho Thái An. Không chỉ đa dạng về các hệ sinh thái, cảnh quan, ở đây còn có những đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng ngư dân ven biển và các dân tộc bản địa Chăm, Raglai đang chờ được du khách khám phá.
Đặt tour tham quan hai ngày một đêm tại Ninh Thuận, chị Đào Thị Thư (du khách Hà Nội) quyết định chọn Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa làm điểm dừng chân đầu tiên. Chị Thư chia sẻ, nơi đây sở hữu vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ và ấn tượng khiến mọi người ngẩn ngơ khi lần đầu tiên đặt chân đến. Cả nhà chị có dịp đi tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy, bãi san hô cổ Hang Rái, đi tàu đáy kính tận mắt chiêm ngưỡng những rạn san hô kỳ ảo, cùng các đàn cá nhiều màu sắc dưới làn nước biển trong vắt. Trẻ con thỏa sức tắm biển. Nơi đây có khí hậu trong lành, hải sản tươi ngon với giá khá hợp lý… Tất cả đều là những trải nghiệm đáng nhớ và chị sẽ ghé lại đây vào một dịp khác để khám phá nhiều hơn.
Theo ông Trần Văn Tiếp, đại diện Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, sau giai đoạn dịch COVID-19, đặc biệt trong dịp hè năm nay, khách du lịch đến Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa nhiều hơn. Số lượng khách tham quan Hang Rái, vịnh Vĩnh Hy trong 6 tháng đầu năm đạt gần 50.000 lượt người với doanh thu gần 1 tỷ đồng, thu dịch vụ du lịch trên 200 triệu đồng.
Hiện nay, cùng với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, Ninh Thuận đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa theo hướng phát huy các giá trị sinh thái thông qua các hoạt động du lịch để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nội lực phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo đó, địa phương đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như: Du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng nhằm tạo ra các sản phẩm độc đáo, khác biệt.
Việc phát triển này sẽ tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa và các di tích lịch sử. Các chương trình, hoạt động du lịch hợp lý, không vượt quá khả năng chịu tải của hệ sinh thái. Bên cạnh đó, các đơn vị chú trọng tuyên truyền, tập huấn về du lịch sinh thái để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên.