Từng bước cẩn trọng
Theo kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc sử dụng hộ chiếu vaccine được Bộ VHTT&DL công bố, việc thí điểm đón khách đến Phú Quốc được thực hiện trong 6 tháng chia làm 2 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 10/2021.
Giai đoạn 1 (từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 3), sẽ thí điểm đón từ 3.000 - 5.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê chuyến (charter flight), triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế.
Giai đoạn 2 (từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6), sau khi đánh giá giai đoạn 1 triển khai thí điểm, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ mở rộng quy mô đón từ 5.000 - 10.000 khách/tháng, có thể đón khách thông qua các chuyến bay quốc tế thường lệ và mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách du lịch quốc tế. Dự kiến trong 6 tháng thí điểm sẽ đón 25.000 - 45.000 lượt khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.
Trong giai đoạn đầu, Bộ VHTT&DL phối hợp với tỉnh Kiên Giang lựa chọn một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn dành riêng phục vụ cho khách du lịch quốc tế theo các tiêu chí riêng. Trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế triển khai thí điểm sẽ xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ (lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch) tham gia đón khách du lịch quốc tế cũng sẽ được Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn theo các tiêu chí cụ thể nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và chất lượng. Bộ VHTT&DL sẽ ban hành tiêu chí lựa chọn, tổ chức đánh giá và phối hợp với các bên liên quan quyết định lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia phục vụ khách du lịch quốc tế trong giai đoạn thí điểm và công bố danh sách các đơn vị được lựa chọn.
Việc phòng dịch để đảm bảo an toàn trong giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế cũng được quy định khá chặt chẽ. Theo đó, khách quốc tế nhập cảnh phải đáp ứng các điều kiện như: Có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận; Thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh; Có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận và thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng; Phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (bằng tiếng Anh) với kết quả âm tính; Đã đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sẽ được truyền thông tới các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước; cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước; cư dân và người lao động tại thành phố Phú Quốc; khách du lịch nội địa và quốc tế.
Tại cuộc họp giữa Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Kiên Giang mới đây, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cho biết: “Phú Quốc mới chỉ tiêm cho 35% người dân từ 18 tuổi trở lên và cần 250.000 - 300.000 liều vaccine cho người dân và người lao động. Thành phố kiểm soát rất chặt việc phòng, chống dịch. Quy mô cách ly tập trung tại Phú Quốc là 4.356 giường”.
Do đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Bộ Y tế hoàn thành việc tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine cho người dân và người lao động tại thành phố Phú Quốc trước thời điểm triển khai thí điểm.
Dự thảo Kế hoạch cũng đã có, để thực hiện việc thí điểm, Kiên Giang cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị vật tư y tế, tăng cường năng lực và khả năng xét nghiệm các phương án an toàn phòng chống dịch bệnh và xử lý sự cố tại địa phương. Phối hợp với Bộ VHTT&DL lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, điểm tham quan, cơ sở dịch vụ đủ điều kiện tham gia thí điểm đón khách du lịch. Xây dựng kế hoạch của địa phương thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc và triển khai thực hiện trên địa bàn.
Việc triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc là cơ hội nhưng cũng đặt ra các thách thức với cả chính quyền địa phương lẫn doanh nghiệp. Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho biết: Việc lựa chọn Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế là hợp lý và khả thi do Phú Quốc là hòn đảo có tính biệt lập nhất định, hệ thống hạ tầng du lịch và sân bay đủ điều kiện đón những đoàn khách lớn. Hơn nữa từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 là thời điểm thời tiết đẹp tại Phú Quốc cho các loại hình du lịch nghỉ dưỡng.
“Tuy nhiên, khi triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc cần làm rõ kế hoạch trong phòng dịch, nhất là phương án khi có khách bị dương tính. Bên cạnh đó, việc đón khách trong giai đoạn này chủ yếu là đoàn khách qua các chuyến bay charter nên số lượng mỗi đoàn lên đến hàng trăm người sẽ liên quan đến dịch vụ hạ tầng của cả bên đón và khả năng gom khách của bên đối tác. Trong thời gian qua, do tác động của dịch bệnh nên nhiều đối tác gửi khách ở nước ngoài cũng lâm vào tình trạng đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Do đó việc khởi động chương trình này nên làm sớm và công bố trước đó vài tháng vì khách quốc tế, nhất là thị trường châu Âu, Nga, Đông Bắc Á thường có kế hoạch du lịch trước đó vài tháng”, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Sử dụng công nghệ thông tin kiểm soát
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, các phần việc trong kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc đang được triển khai. Trong đó, vấn đề kiểm soát với nhóm du khách sẽ thông qua ứng dụng công nghệ là ứng dụng (App) “Du lịch Việt Nam an toàn” như kiểm soát chứng nhận tiêm chủng, quản lý khách du lịch nhập, xuất cảnh… Đồng thời, việc này cũng sẽ tạo thuận lợi cho khách về mặt giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đảm bảo an toàn phòng dịch.
Do đó, theo quy trình dự kiến, trước khi nhập cảnh, khách du lịch cần cài đặt ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn (Vietnam Safe Travel - VST) để khai báo hồ sơ chứng nhận tiêm chủng vaccine cùng những thông tin y tế cần thiết để làm thủ tục tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Hệ thống của ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn sẽ cấp 1 mã QR để khách sử dụng để xuất trình tại cửa khẩu nhập cảnh kèm theo các giấy tờ cần thiết khác. Trường hợp khách du lịch không đáp ứng các điều kiện theo quy định có thể bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam.
Khi nhập cảnh, bên cạnh thực hiện các quy định về kiểm dịch và xuất nhập cảnh, du khách được yêu cầu luôn bật bluetooth và GPS sau khi đã cài đặt ứng dụng, khai báo y tế, kiểm soát ra vào các địa điểm trong suốt thời gian nhập cảnh. Các thông tin khai báo trên ứng dụng cần đảm bảo tính chính xác, đây là cơ sở để cán bộ kiểm dịch y tế kiểm tra, đối chiếu và cán bộ kiểm soát xuất nhập cảnh xác nhận.
Với ứng dụng này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ khách có thể cập nhật thông tin y tế cũng như hành trình, hoạt động của khách quốc tế trong thời gian đi du lịch tại Việt Nam. Các thông tin liên quan đến hành trình du lịch tại Việt Nam của khách du lịch sẽ được lưu trữ, bảo mật và chỉ được sử dụng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đáng chú ý, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine được xây dựng tương thích với tiêu chuẩn châu Âu, sẽ cấp cho du khách một mã QR định danh duy nhất sử dụng trong quá trình du lịch ở Việt Nam, từ đó có thể truy xuất và lưu trữ, cập nhật thông tin y tế của khách (tiêm chủng, xét nghiệm...). Đây là công cụ quan trọng để kiểm soát, bảo đảm an toàn trong quy trình đón du khách quốc tế từ lúc nhập cảnh cho đến khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.