Tỉnh tăng cường quảng bá, xúc tiến, giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới đặc sắc, hấp dẫn. Tỉnh đề ra mục tiêu đón 10 triệu lượt khách (trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế và 8,5 triệu lượt khách nội địa). Tổng thu từ khách du lịch đạt 44.760 tỷ đồng, đóng góp 30.500 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh (doanh thu du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 22 - 30% GRDP của tỉnh).
Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết, năm 2025, Khu du lịch quốc gia Sa Pa tiếp tục ưu tiên đầu tư bảo tồn và khai thác các nghề, làng nghề và sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch. Đặc biệt, thị xã quan tâm bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa phục vụ du lịch.
Cụ thể, Sa Pa đầu tư phát triển sản phẩm nghề thủ công truyền thống đặc trưng của các dân tộc, tạo sản phẩm hàng hóa, lưu niệm phục vụ khách du lịch. Đồng thời, quy hoạch và hỗ trợ phát triển vùng cây trồng (cây ăn quả và hoa màu) vật nuôi (trâu bò, lợn, gà, cá...) ở các điểm du lịch cộng đồng tại thị xã theo hướng chuyên canh. Qua đó tạo sản phẩm thương hiệu đặc trưng cho các điểm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, thị xã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; kết nối doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến tham quan, trải nghiệm công đoạn nuôi - trồng và sản xuất tại trang trại nông nghiệp hoặc cơ sở sản xuất nông nghiệp...
Huyện Bảo Yên đang xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng cụm xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến thành trung tâm du lịch cộng đồng của tỉnh và các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông Nguyễn Sỹ Hồng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên cho biết, địa phương nghiên cứu, biên soạn, xây dựng ấn phẩm tài liệu, tư liệu về văn hóa của đồng bào Tày các xã vùng Đông Bắc với thiết kế bắt mắt, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của nhiều đối tượng. Đồng thời liên hệ các đơn vị nghiên cứu về văn hóa học, dân tộc học... tới địa phương nghiên cứu hoặc tổ chức cuộc hội thảo, hội nghị nhằm tiếp tục khai thác, nghiên cứu sâu sắc hơn vốn văn hóa bản địa.
Huyện tuyên truyền và khuyến khích cộng đồng dân cư duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế và đầu tư vào sản phẩm văn hóa - quà tặng lưu niệm, gắn với đó là những câu chuyện văn hóa của đồng bào, tạo sự khác biệt riêng có phục vụ khách du lịch. Huyện có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với công tác bảo tồn nhà sàn truyền thống, rừng cọ, nghề thủ công truyền thống và các Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú trên địa bàn.
Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cũng cho biết, để phát triển du lịch, huyện xác định giá trị cốt lõi và nổi trội, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo dựng thương hiệu và cạnh tranh. Sau đó, định hướng, nghiên cứu và đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với từng địa phương cùng một số giải pháp như, tăng cường tuyên truyền về bảo tồn các giá trị di sản văn hóa cho người dân, ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách...
Sở Du lịch Lào Cai thông tin, để đạt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách năm 2025, tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, coi trọng phát triển du lịch bền vững, thực chất có chiều sâu, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số...
Tỉnh huy động và sử dụng lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, quy mô lớn phục vụ du lịch, đặc biệt tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Khu du lịch Bắc Hà, thành phố Lào Cai, các điểm du lịch, thiết chế văn hóa, công viên văn hóa. Với phương châm định hướng phát triển “Sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện, đơn giản - giá cả cạnh tranh - môi trường vệ sinh sạch, đẹp - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, Lào Cai sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.
Để tạo bước đột phá, Lào Cai đang đẩy mạnh áp dụng tiêu chí của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại các cơ sở lưu trú trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong khung chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2050 xác định mục tiêu “đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực, gắn với bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách có được trải nghiệm với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình.