Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, các tỉnh trong khu vực, đại biểu các tỉnh Attapư, Sê Kông, Chămpasắc, Salavan (Lào); tỉnh Rattanakiri, Stung Treng (Campuchia) cùng khoảng 300 doanh nghiệp du lịch trên cả nước.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: "Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch chất lượng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm với tổng lượt khách giai đoạn 2016-2020 đạt trên 1,8 triệu khách (trong đó khách quốc tế đạt 645.130 lượt người, khách nội địa đạt trên 1,1 triệu lượt). Doanh thu du lịch bình quân hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng.
Vừa qua, Tỉnh ủy Kon Tum đã thông qua “Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu phát triển ngành du lịch của địa phương trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã trao đổi, tìm giải pháp để khôi phục và phát triển du lịch tỉnh Kon Tum và Tây Nguyên; trong đó tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng khai thác khu du lịch Măng Đen, khu vực trồng sâm Ngọc Linh, du lịch sinh thái, cộng đồng dân tộc...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu, khẳng định: "Sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các vùng đã tổ chức sự kiện thu hút khách du lịch như Liên hoan “Đờn ca tài tử Nam Bộ”, liên kết phát triển du lịch Việt Bắc tại Hà Nội và nay là "Diễn đàn du lịch Kon Tum – tiềm năng và triển vọng" liên kết phát triển du lịch Tây Nguyên và khu vực biên giới. Các chuỗi hoạt động tại diễn đàn nhằm khởi động lại hoạt động du lịch và tạo sự liên kết, xây dựng sản phẩm đặc trưng, đa dạng để thu hút khách, vực dậy du lịch đến Kon Tum và Tây Nguyên".
Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 hình thành một điểm đến du lịch bền vững và có trách nhiệm; cung cấp dịch vụ chất lượng, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng trưởng trung bình 14%/năm. Đến năm 2030, tăng gấp 2 lần về lượng khách, hình thành được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tương đối đồng bộ; hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối thuận lợi; nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển.
Triển khai thực hiện, phía Việt Nam chủ trì 5 nhiệm vụ chính: Xúc tiến mở các tuyến đường bay quốc tế đến khu vực; Liên kết các doanh nghiệp, hiệp hội trong khu vực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Tổ chức khảo sát liên tỉnh, liên quốc gia gắn kết các cụm, khu du lịch, kết nối các tour, tuyến, điểm, khu du lịch; Tạo lập chuỗi các sự kiện du lịch trong khu vực; Tổ chức diễn đàn thường niên về xúc tiến, quảng bá du lịch khu vực.
Đồng thời, Việt Nam phối hợp với Lào và Campuchia triển khai 10 nhiệm vụ do hai nước bạn chủ trì; phân công các địa phương trong khu vực chủ động tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ khung của từng nước trên địa bàn.
Bên lề diễn đàn, từ ngày 21 - 24/4, đã diễn ra các hoạt động nhằm giới thiệu nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của Kon Tum đến với du khách trong nước và quốc tế; tạo điều kiện hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường kết nối tour, tuyến, thu hút du khách đến với tỉnh như: Lễ đón nhận Bằng di tích Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm Cao 875 lịch sử; Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của tỉnh; Giải dù lượn mở rộng huyện Sa Thầy...
Cùng với đó, từ ngày 21 - 25/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum đã tổ chức chương trình khảo sát liên tuyến Kon Tum - Gia Lai nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch cho hơn 250 doanh nghiệp lữ hành của các khu vực trên cả nước và báo chí nhằm giới thiệu các khu vực tiềm năng để tìm hiểu cơ hội đầu tư về du lịch 2 tỉnh, đồng thời liên kết phát triển du lịch Tây Nguyên với Nam Trung Bộ.