Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban nhân dân và sở, ngành tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc của tỉnh đến thị trường khách TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ. Hội nghị còn là điểm đến cho cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị du lịch của Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ gặp gỡ, chào bán, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển kinh doanh... Đặc biệt, thông qua Hội nghị, Ủy ban nhân dân và sở, ngành tỉnh Thanh Hóa mong muốn tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng sản phẩm du lịch giữa các tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, trong những năm qua, du lịch Thanh Hóa luôn đứng trong top đầu của cả nước về thu hút khách. Cụ thể, tính 7 tháng năm 2023, Thanh Hóa đón được 10,29 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 19.642 tỷ đồng. Du lịch Thanh Hóa đặt mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách trong năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh không ngừng nỗ lực đáp ứng sự kỳ vọng, mong muốn của du khách và xu thế tất yếu trong phát triển như đổi mới toàn diện từ số lượng đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; hoàn thiện các dòng sản phẩm chủ lực và đưa vào thị trường dòng sản phẩm mới... Trong đó, du lịch Thanh Hóa có những dòng sản phẩm nổi bật như du lịch biển, du lịch văn hóa và tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng...
Còn ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân TP Hồ Chí Minh cho hay, Thành phố đã liên kết du lịch với 49 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với vai trò là một trung tâm du lịch cả nước, TP Hồ Chí Minh thông qua hoạt động liên kết du lịch đã tạo điều kiện chuyển tiếp dòng khách giữa thành phố và nhiều địa phương. Đối với hoạt động liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, sở, ngành hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh... trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch mới; xúc tiến liên kết phát triển sản phẩm với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ. Để hoạt động liên kết phát triển du lịch đi vào thực chất, có chiều sâu, các địa phương cần chú trọng phát triển chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có tính cạnh tranh và hấp dẫn du khách; thúc đẩy trao đổi khách giữa Thanh Hóa và vùng Bắc Trung Bộ với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ...