Lâu nay, nhắc đến du lịch Điện Biên, nhiều người nghĩ đến các di tích lịch sử là các cứ điểm Mường Thanh, nơi diễn ra các trận chiến ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ như: hầm tướng Đờ Cát, đồi A1, sân bay Mường Thanh… Tuy nhiên, một điểm đến mà nhiều du khách ít biết là Mường Phăng - căn cứ chỉ huy của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hướng dẫn du khách thăm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên tại Mường Phăng. |
Anh Nguyễn Văn Thăng, Phó phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH,TT&DL Điện Biên) trên đường dẫn chúng tôi vào Mường Phăng cho biết: Theo quy hoạch phát triển du lịch Điện Biên, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía Đông (theo đường chim bay) và khoảng 40 km theo đường bộ. Tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu như hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hầm Thiếu tướng Hoàng Văn Thái... Ngoài giá trị văn hóa lịch sử, rừng Mường Phăng còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên. Tuy nằm ở vị trí ngoại vi thành phố Điện Biên Phủ nhưng Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là một điểm tài nguyên du lịch không thể tách rời trong quần thể Di tích chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cụm tượng đài tại Công viên Chiến thắng ở Mường Phăng. |
Từ đường trục chính rẽ vào Khu di tích Mường Phăng khoảng 20 km với nhiều đoạn cua gấp, du khách sẽ vào thung lũng hẹp. Anh hướng dẫn viên di tích lịch sử Điện Biên giải thích: Theo ngôn ngữ dân tộc Thái, “Mường” là một đơn vị quản lý hành chính trong một địa giới không thật xác định, còn “Phăng” theo giải thích của các cụ già người địa phương có nghĩa là “đâm chém”. Tương truyền tại đây, dưới sự chỉ huy của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất (1706-17), nghĩa quân đã đánh một trận ác liệt chống lại đạo quân triều đình do Đoàn Nguyễn Thục chỉ huy, dưới thời vua Lê chúa Trịnh(?). Trận đánh bắt đầu từ Nậm Cô (Tuần Giáo), Hoàng Công Chất vừa chống vừa lui, nhử địch vào nơi thủ hiểm là Mường Phăng và kết thúc bằng một trận gươm đao.
Lán cỏ đơn sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Con đường dẫn sâu vào nơi đóng quân của Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên đã được nâng cấp bằng con đường bê tông xuyên dưới cánh rừng Mường Phăng dài hơn 1 km giúp du khách tĩnh tâm hồi tưởng lại ký ức xưa. Đại diện Sở VH,TT&DL Điện Biên cho biết: Di tích Mường Phăng nằm trong quần thể di tích quốc gia “Khu vực chiến trường Điện Biên Phủ”. Từ hồi được nâng cấp, di tích Mường Phăng thu hút nhiều khách quốc tế. Họ đến đây vì tò mò, so sánh 2 trung tâm chỉ huy chiến dịch và từ đó hiểu hơn về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ từ cả hai phía. Nhiều du khách không thể ngờ, cách trung tâm chỉ huy Pháp tại Mường Thanh khoảng 25 km là Sở chỉ huy chiến dịch của Việt Nam được giữ kín như vậy. Họ tìm hiểu rất kỹ cách bố phòng và khả năng che giấu của bộ đội ta trước sự “soi mói” của lực lượng thám không lúc đó. Du khách nước ngoài đặc biệt thích thú với bếp Hoàng Cầm, loại bếp đã không để khói bay lên giúp đảm bảo an toàn cho căn cứ và vẫn giúp bộ đội ta có đủ “cơm nóng canh ngọt” đánh giặc.
Hầm ngầm trong Bộ chỉ huy |
Trên đường trở ra, du khách có thể rảo bước trên con đường đất ruộng của xã Mường Phăng để cảm nhận đời sống sản xuất của đồng bào dân tộc Thái bên cạnh nhà sàn thấp thoáng ẩn hiện.
Theo lãnh đạo Sở VH,TT&DL Điện Biên, hơn 10 năm nay, Mường Phăng được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm; trong đó, đặc biệt phải kể đến đoạn đường từ dốc Nà Nhạn vào trong xã đã được rải nhựa. Hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, gần như tuyến đường này là đường đất với xe thồ là chính.
Nhằm tạo quần thể du lịch níu chân du khách, bên cạnh điểm di tích là Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên, Sở VH,TT&DL Điện Biên kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch Hồ Pá Khoang và hình thành bản du lịch cộng đồng Che Căn (một trong tám bản văn hóa cấp tỉnh của tỉnh Điện Biên) của dân tộc Thái. Tại bản Che Căn, Sở VH,TT&DL Điện Biên đã đầu tư dự án Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái thông qua xây dựng đội văn nghệ, truyền dạy âm nhạc truyền thống, diễn xướng, dân ca, dân vũ phục vụ du lịch... với gần 20 tiết mục văn nghệ, khoảng 100 nam nữ diễn viên không chuyên thuộc 4 dân tộc: Thái, Mông, Kinh và Khơ Mú tham gia.
Cùng với quần thể di tích chiến thắng Điện Biên, di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng và điểm du lịch phụ trợ được đầu tư sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du khách không chỉ hiểu hơn về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn hiểu hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây.
Bài và ảnh: Xuân Minh