Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, những thị trường như Trung Quốc, Italia, Malaysia đang được xem là thị trường gửi khách hàng đầu của khu vực Đông Nam Á nói riêng và nhiều điểm đến trên thế giới. Do vậy, việc thu hút khách ở 3 nước này là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng đã tận dụng những cơ hội trên để doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Việt Nam và TP Hồ Chí Minh đầu tư khai thác thị trường khách du lịch ở 3 nước trên.
Theo thống kế của Tổng Cục Du lịch Việt Nam, trong 8 tháng năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,4 triệu lượt, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016, đưa Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới đầu năm 2017 và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Trong đó, thị trường khách du lịch Trung Quốc đứng vị trí đầu tiên trong top 10 thị trường khách du lịch châu Á đến Việt Nam với 2,7 triệu lượt khách, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 31% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Điểm đến Malaysia đang thu hút nhiều du khách Việt Nam và ngược lại. Ảnh: CTV |
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Malaysia cũng đang được coi là thị trường tiềm năng để thu hút du khách, bởi Malaysia là một trong những quốc gia Đông Nam Á có lượng khách du lịch đến Việt Nam lớn nhất trong những năm qua, khoảng 300.000 lượt/năm. Ngược lại, số lượng khách du lịch Việt Nam tới Malaysia khoảng gần 230.000 lượt/năm.
Ngoài ra, thị trường Italia có khoảng 28 triệu khách nước này đi du lịch nước ngoài, trong đó tỉ lệ du khách Italia đến Việt Nam được giữ tốc độ tăng trưởng khá ổn định hàng năm, ở mức 13- 18%, mặc dù Việt Nam và Italia cách nhau khá xa về địa lý.
Mặc dù các thị trường trên có kết quả khả quan, nhưng ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng nhìn nhận, việc thu hút du khách ở các thị trường Malaysia, Italia, Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại vẫn chưa được khai thác hiệu quả, như: thông tin sản phẩm chưa cụ thể, sản phẩm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu đặc trưng của du khách các nước; chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Italia; nguồn nhân lực còn thiếu, chưa đồng đều…
Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, để thu hút du khách đến với thị trường này, Việt Nam cần giới thiệu và tăng cường công tác quảng bá những sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với thị hiếu khách du lịch Trung Quốc, Italia, Malaysia; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để có nhiều sản phẩm chào mời cho du khách nước ngoài để họ có nhiều lựa chọn; đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp khai thác thị trường khách du lịch nước ngoài và Việt Nam. Ngoài ra, cần cung cấp thêm kiến thức và kinh nghiệm phục vụ cho các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành; nhà hàng, khách sạn; điểm mua sắm đạt chuẩn đã và đang khai thác thị trường du lịch Malaysia.
"Song song đó, để khác thác tối đa nguồn khách từ các nước này, cần tiếp tục thực hiện đẩy nhanh việc cải cách thủ tục hành chính, làm sao du khách có thể tiếp cận những dịch vụ, thủ tục hành chính nhanh nhất, hạn chế tối đa việc gây phiền hà, nhũng nhiễu cho du khách nước ngoài. Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, đô thị giữa Việt Nam và các nước. Chẳng hạn như giữa các nước cần có đường bay thẳng, nếu không có đường bay thẳng, muốn đi du lịch phải chịu cảnh quá cảnh ở nước khác, chờ đợi hàng tiếng ở sân bay… thì chắc chắn khi tới nơi, du khách đã quá mệt mỏi, chán nản, chẳng còn hơi sức đâu mà đi tham quan, du lịch”, ông Thiện dẫn chứng thêm.
Du lịch miệt vườn Việt Nam khá hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: CTV |
Nói về giải pháp thu hút khách du lịch nước ngoài tới TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Bộ phận Du lịch trong nước Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), cho biết để thu hút khách du lịch ở các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Italia đến TP Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, các nhà quản lý cần có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với du khách quốc tế, có thể sử dụng Bộ Quy tắc ứng xử trong du lịch, hướng dẫn những điều du khách được làm và không được làm bằng nhiều thứ tiếng để du khách tiếp cận dễ dàng. Đối với các đơn vị lữ hành, cần tạo sự thân thiện cho du khách nước ngoài bằng những biển hướng dẫn sử dụng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Ý….
Để thu hút nhiều du khách hơn, các đơn vị lữ hành cũng kiến nghị Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, các đơn vị quản lý cần giới thiệu các doanh nghiệp chuyên nghiệp, có uy tín đón khách Trung Quốc, Malaysia, Italia nhằm khẳng định thương hiệu, hình ảnh thân thiện của du lịch Việt Nam, xây dựng môi trường kinh doanh lữ hành lành mạnh cho doanh nghiệp lữ hành. Bên cạnh đó, cần siết chặt quản lý, tăng cường thanh kiểm tra những công ty du lịch không đủ năng lực nhưng vẫn triển khai đón khách nước ngoài đến Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước Việt Nam – điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện.