Sau khi sắp xếp, chuyển đổi từ Tổng cục Du lịch sang mô hình, cơ cấu mới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vẫn kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Du lịch theo quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Hải Dương, Chánh Văn phòng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, các nhiệm vụ, chức năng quản lý Nhà nước về du lịch của Cục vẫn tương tự như trước, tầm nhìn, sứ mệnh của vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tại trung ương vẫn đảm bảo thống nhất, thậm chí còn bổ sung thêm các nhóm nhiệm vụ, nhằm tăng cường hơn công tác quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển du lịch “đúng hướng, trúng mục tiêu”.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu, phối hợp tham mưu ban hành một số chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi phát triển du lịch.
Về công tác quản lý Nhà nước về du lịch giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, ông Dương cho biết, tổng số khách du lịch Quốc tế trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm 2023.
Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt; vượt 5,8% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,% so với kế hoạch năm 2023.
Hình ảnh Du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện.
Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục vinh dự nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023” lần thứ 4. Tại Lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế (WTA) vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới" và nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều hạng mục giải thưởng danh giá khác.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý còn tồn tại một số hạn chế về các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ngành. Một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên không còn phù hợp với thực tiễn.
Cùng với đó, cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao chưa được quan tâm. Một trong số nguyên nhân được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ ra là do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có phạm vi hoạt động và tính chất, quy mô gồm nhiều thành phần. Một số quy định, chính sách, văn bản quản lý nhà nước chưa thống nhất, đặc biệt là đối với hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chất lượng cao.
Công tác quản lý Nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mới, một số sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm liên quan đến tính mạng, sự an toàn của du khách; du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung triển khai có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản quản lý nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường quản lý khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững…
Ngày 16/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo đó tổ chức, sắp xếp lại Tổng cục Du lịch sang mô hình, cơ cấu mới: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Trên cơ sở đó, ngày 15/6/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1536/QĐ-BVHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đánh dấu một trang mới với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở trung ương nói riêng và toàn ngành du lịch nói chung.