Lợi thế của quảng bá du lịch qua điện ảnh
Ông Nicholas Simon, Tổng Giám đốc Indochina Productions - một công ty sản xuất phim quốc tế đã thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành phim trường, nhiều nơi có thể lấy làm bối cảnh để thực hiện các cảnh quay như Hạ Long, Hội An, Hà Nội... Thậm chí có nhiều nơi rất đặc biệt, chưa bao giờ được xuất hiện trong phim và những khu vực ít được khai thác như Cần Giờ ở TP Hồ Chí Minh nhưng thông qua các bộ phim, những địa danh này không chỉ hiện lên sống động mà còn truyền tải được văn hóa, lịch sử lâu đời của đất nước.
Đặc biệt, việc đưa các cảnh quay đẹp vào phim không chỉ giúp quảng bá du lịch mà còn tạo dựng hình ảnh đất nước gần gũi và thân thiện hơn trong mắt khán giả quốc tế. Có thể thấy, những bộ phim quốc tế từng quay tại Việt Nam như Người Mỹ trầm lặng (2002), Kong: Skull Island (2017) đã đóng góp không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh đất nước đến khán giả toàn cầu.
Hay mới đây, bộ phim Hai Muối được đạo diễn mang đi tham gia sự kiện "Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ" vào cuối tháng 9 vừa qua do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã thể hiện sự thành công khi đóng góp to lớn vào việc quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh.
Bộ phim đã nhận được phản hồi tích cực từ khán giả quốc tế, bởi những cảnh quay thiên nhiên hoang sơ, kết hợp với sự chân thật trong cách kể chuyện, đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Cụ thể là hình ảnh những người diêm dân cần mẫn trên cánh đồng muối trắng tại huyện đảo Cần Giờ hay một địa điểm du lịch mới mẻ với khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận.
Bên cạnh đó, bộ phim còn có những cảnh quay đẹp mắt tại các địa danh nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh như Bưu điện Thành phố, hồ Con Rùa, bến phà Bình Khánh... Đây là những địa danh không chỉ nổi tiếng với du khách trong nước mà còn là những điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà làm phim quốc tế muốn khám phá sự hòa quyện giữa văn hóa và thiên nhiên Việt Nam.
Theo ông Nicholas Simon, Ninh Bình là ví dụ điển hình cho tác động của điện ảnh với du lịch, góp phần phát triển du lịch tại Việt Nam. Hiện nay, tại Hoa Kỳ có chương trình nổi tiếng là White Lotus, nếu những chương trình như White Lotus đến Việt Nam thì sẽ gây tiếng vang lớn để thúc đẩy du lịch.
Ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định: "Không có cách nào tốt hơn để thúc đẩy giao lưu văn hóa và du lịch là thông qua điện ảnh. Khán giả trên toàn thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Việt Nam qua những bộ phim và chắc chắn, sẽ thôi thúc họ đến trải nghiệm thực tế. Chính vì vậy, sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch đang trở thành một chiến lược quan trọng để đưa Việt Nam ra thế giới, không chỉ qua những cảnh đẹp tự nhiên mà còn qua câu chuyện về con người và văn hóa độc đáo của đất nước”.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Mỹ là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Thị trường này đứng trong top 5 về lượng khách quốc tế đến Việt Nam, mức độ tăng trưởng khoảng 11,5%/năm. Năm 2023, lượng khách Mỹ đến Việt Nam đạt 717.000 lượt, phục hồi khoảng 96% so với năm 2019. Riêng 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã đón 529.000 lượt du khách Mỹ, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Cơ hội để điện ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới
Với sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước và sự gia tăng hợp tác quốc tế, điện ảnh Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để vươn tầm ra thế giới. Trong đó, Luật Điện ảnh 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ ngành điện ảnh, từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đến việc cung cấp các ưu đãi thuế cho các nhà làm phim quốc tế.
Những thay đổi này đã thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện ảnh được thực hiện tại Việt Nam. Trong đó, TP Hồ Chí Minh được xem là một trong những trung tâm điện ảnh phát triển nhanh nhất, sở hữu những giá trị văn hóa, lịch sử đa dạng, lý tưởng cho việc phát triển ngành điện ảnh.
Với mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành "Thành phố điện ảnh", chính quyền địa phương đã tích cực thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh thành phố qua các bộ phim và sự kiện quốc tế. Có thể thấy, Liên hoan phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2024 là một minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành điện ảnh địa phương. Liên hoan phim này không chỉ thu hút các nhà làm phim trong nước mà còn mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi từ các nền điện ảnh quốc tế.
Ông Nicholas Simon cho biết: "Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà làm phim quốc tế, từ phong cảnh đa dạng đến văn hóa phong phú, đây là nguồn tài nguyên vô tận cho điện ảnh. Chính sách hỗ trợ của nhà nước cùng sự cởi mở trong hợp tác quốc tế sẽ là những yếu tố quan trọng giúp điện ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới".
Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá văn hóa và du lịch, điện ảnh Việt Nam còn đang có những bước tiến quan trọng trong việc cải thiện chất lượng sản xuất và hợp tác quốc tế. Các nhà làm phim trẻ Việt Nam đã dần chứng tỏ tài năng và sự sáng tạo của mình qua nhiều dự án quốc tế. Những bộ phim Việt Nam tham gia các liên hoan phim lớn như Cannes, Berlin hay Venice đã góp phần xây dựng uy tín cho ngành điện ảnh nước nhà trên trường quốc tế.
Dự kiến, Liên hoan phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2025 sẽ tiếp tục được tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút nhiều hơn các đoàn làm phim quốc tế. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng nhìn nhận, điện ảnh Việt, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh có rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển và ngày càng khẳng định dấu ấn trên trường quốc tế. Với những tiềm năng sẵn có và sự hỗ trợ từ các chính sách, điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm ra thế giới, mang lại những giá trị bền vững cho đất nước.