Phát triển văn hóa không chỉ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp bảo tồn các giá trị đặc sắc, nguyên bản, nâng tầm thương hiệu du lịch và mang lại sinh kế bền vững cho người dân. Đây là hướng đi mà Ninh Bình chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua với sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng với định hướng là "Đô thị Cố đô - Di sản", xây dựng đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia.
Phóng viên TTXVN có chùm 3 bài viết nêu rõ về hướng đi này của tỉnh nhằm nâng tầm thương hiệu du lịch địa phương từ văn hóa.
Bài 1: Xây dựng các sản phẩm có hàm lượng văn hóa cao
Ninh Bình tự hào là kinh đô đầu tiên của Việt Nam thế kỷ X, nơi khai sinh Nhà nước Đại Cồ Việt, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý với các dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế. Đó là tiềm năng, nguồn lực để tỉnh xây dựng một thương hiệu di sản văn hóa có tính nhận diện và cạnh tranh cao. Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực để xây dựng các sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao không chỉ để thu hút du khách mà còn quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung, của tỉnh Ninh Bình nói riêng ra thế giới.
Địa linh vùng đất Đế đô
Vùng đất Ninh Bình là nơi khởi phát của ba vương triều Đinh, Tiền Lê, Lý với các dấu ấn lịch sử như: thống nhất giang sơn, kháng Tống - bình Chiêm và phát tích quá trình định đô ở Thăng Long, Hà Nội. Vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc và dấu tích lịch sử còn để lại trong các đình, chùa, đền, miếu, từng ngọn núi, dòng sông. Trong dòng chảy chung của nền văn hóa Việt Nam, Ninh Bình đã kế thừa đầy đủ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mang nét đặc trưng riêng của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Đó là các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người được hình thành, tích lũy, bồi đắp qua hàng nghìn năm và trao truyền đến ngày nay, hòa quyện với kết quả quá trình lao động sáng tạo, giao lưu và tiếp biến văn hóa, thể hiện trong hệ thống di sản văn hóa của tỉnh.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, địa phương hiện có gần 2.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng; trong đó có 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia (3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt), 6 bảo vật quốc gia, 314 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 393 di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê. Trong số đó, tiêu biểu là 3 di tích quốc gia đặc biệt là: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc Bích Động, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Non Nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, qua thần tích, thần phả của các đình, đền, chùa miếu còn lưu lại, kết hợp với nguồn sử liệu đã minh chứng rằng, Ninh Bình là một vùng đất phù sa cổ, có con người cư trú từ rất sớm. Kinh đô hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt mở đầu cho nền phong kiến tập quyền ở nước ta. Nơi đây còn là một vùng "địa văn hóa" giàu bản sắc với cả kho tàng di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, bao gồm các di sản, giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Đây cũng là những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Việc nâng cao vai trò của cộng đồng, qua đó phát huy bản sắc văn hóa địa phương đòi hỏi các cấp chính quyền cần đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút du khách trong, ngoài nước; đồng thời, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Đình Thành, Viện nghiên cứu phát triển bền vững Vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Ninh Bình nằm ở nơi tiếp giáp, giao thoa giữa ba khu vực địa lý, cũng là ba vùng văn hóa của đất nước là Đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng núi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Đặc điểm vị trí địa lý và văn hóa đặc biệt này đã tạo cho văn hóa và con người Ninh Bình phát triển đa dạng, năng động. Bằng cách truyền tải liên tục, tạo dấu ấn riêng biệt cho đất và người, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của vùng đất cổ xưa đã, đang và sẽ là điểm tựa vững chắc để Ninh Bình sáng tạo các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần mới, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện giao lưu hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các mặt đời sống xã hội.
Đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa
Phố cổ Hoa Lư (thành phố Ninh Bình) được lấy ý tưởng từ văn hóa truyền thống của Đại Việt trong những năm của thế kỷ thứ X, tái hiện và phục dựng nét đẹp của kiến trúc và văn hóa xưa. Công trình được hoàn thành theo giai đoạn và đưa vào khai thác từ đầu năm 2022. Thời gian qua, Phố cổ Hoa Lư là điểm nhấn thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ về đêm như: Biểu diễn âm nhạc trên hồ Kỳ Lân; múa lân, múa rồng; nhảy sạp, nhảy dây; chơi ô ăn quan... Cùng với đó, hàng trăm chiếc thuyền kết đèn lồng rực rỡ sắc màu, giúp du khách có thể thưởng ngoạn sông nước về đêm. Phố cổ Hoa Lư những năm gần đây là lựa chọn của nhiều khách du lịch khi về Ninh Bình. Nhiều người đã chọn lưu trú để buổi tối có thể tham quan, thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa, nhất là vào những ngày cuối tuần.
Ông Granmatlo (du khách đến từ Pháp) chia sẻ, ông rất ấn tượng khi tham quan tại Phố cổ Hoa Lư. Không gian tuy bé nhưng du khách có thể tham gia rất nhiều hoạt động như: xem múa lân, nhảy sạp hay cảm giác thoải mái khi được ngồi trên thuyền trong tiếng chèo khua nhẹ nhàng trên hồ, nghe những bản nhạc du dương dưới gió mùa thu mát mẻ của thời tiết Việt Nam. Mọi người đã có những trải nghiệm rất riêng khi đến Ninh Bình. Nếu có dịp, ông sẽ quay trở lại đây và sẽ giới thiệu cho người thân, bạn bè về vùng đất tươi đẹp và đáng yêu này.
Hiện nay, Ninh Bình đã có nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch văn hóa nhằm thu hút du khách tham quan và trải nghiệm như: "Chuyến xe di sản" ngắm thành phố Ninh Bình về đêm; Tuần lễ du lịch Sắc Vàng - Tam Cốc, tour du lịch "Tìm về cội nguồn" kết nối các điểm di tích lịch sử...
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng thu hút khách đến địa phương. Xác định lấy du lịch sinh thái, du lịch xanh gắn với văn hóa, lịch sử, di sản là một trong những điểm nhấn quan trọng để xây dựng các sản phẩm đặc trưng, tỉnh đã dành nhiều ưu tiên, nguồn lực đầu tư khai thác và hình thành các sản phẩm có lợi thế như: du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Ngoài ra, ngành Du lịch đang tập trung phát triển đa dạng hóa các sản phẩm như: du lịch thể thao; du lịch cộng đồng, nông thôn (gắn với nông nghiệp công nghệ cao); du lịch du thuyền trên sông; du lịch vui chơi giải trí; du lịch giáo dục, mua sắm...
Nhờ đó, những năm gần đây, Ninh Bình luôn được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến hấp dẫn, điểm đến của những kỳ quan, an toàn, thân thiện; nằm trong nhóm 10 điểm đến hàng đầu của cả nước.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng và mang chiều sâu văn hóa đi đôi với việc xây dựng hình ảnh văn hóa con người Ninh Bình thân thiện, hiếu khách.
Bài 2: Phát triển du lịch với sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng