SẢN PHẨM NGHÈO NÀN
Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm tháng thứ 13 liên tiếp và đang tác động đến sự phát triển của ngành du lịch. Nguyên nhân chính được cho là sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, cách làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp.
Hà Nội = ăn tối + rối nước
Đi khắp chiều dài đất nước và có dịp dẫn đoàn đi nhiều nước trên thế giới, anh Nguyễn Xuân Quỳnh, một HDV du lịch lâu năm luôn tự hào về cảnh quan thiên nhiên và nền văn hóa truyền thống, sự đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây là nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch. Tuy nhiên để tài nguyên du lịch thành sản phẩm cụ thể thì rất ít tỉnh thành làm được. Anh Quỳnh kể: Trong lần dẫn đoàn khách Pháp lên thăm căn cứ chỉ huy chiến dịch Điện Biên của bộ đội ta tại Mường Phăng, ấn tượng với khách bên cạnh dấu tích khu căn cứ là cảnh trẻ em ăn xin đeo bám. Dọc đường ra, khách có dừng chân tham quan bản làm du lịch cộng đồng bên hồ Pá Khoang nhưng dịch vụ chỉ đơn thuần là bán đồ lưu niệm, nước giải khát. Các dịch vụ trải nghiệm cuộc sống bản làng, giao lưu và lưu trú qua đêm gần như không có.
Câu chuyện của anh Quỳnh phản ánh tình trạng chung của nhiều điểm du lịch khu vực Tây Bắc khiến khách sau đi thăm quan danh lam thắng cảnh, tối về gần như không có cho chỗ để vui chơi, giải trí hoặc mua sắm tiêu tiền.
Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và du khách đến đây lần đầu đều choáng ngợp trước cảnh đẹp nơi đây. Tuy nhiên từ bao lâu tour thăm quan Hạ Long vẫn chỉ là ngồi thuyền ngắm cảnh vịnh. Với khách nước ngoài là ngủ thuyền trên vịnh và đi thăm làng chài. Chính vì chỉ khai thác trên nguồn tài nguyên sẵn có và chưa đầu tư thành sản phẩm, nên doanh thu tại nhiều điểm du lịch vẫn chỉ là từ dịch vụ bán vé và chưa thực sự tạo thành động lực phát triển kinh tế của khu vực.
Không chỉ vậy, sản phẩm du lịch bao năm nay vẫn nghèo nàn, tour na ná nhau, có chăng là đổi vị trí giữa các tuyến điểm. Anh Dương Xuân Tráng, một người làm du lịch lâu năm trong nghề cho biết, khi giới thiệu sản phẩm du lịch tới khách nước ngoài tại các hội chợ du lịch, lần nào cũng bị đặt câu hỏi: “Tour vẫn vậy à? Tour này chỉ bán cho khách mới sang lần đầu, còn khách sang lần thứ 2 phải có điểm mới”. Điều này dễ thấy như chương trình đến Huế, gần 20 năm nay tour vẫn là “sáng đi thăm Kinh thành Huế, đền đài, tối nghe hò sông Hương”. “Vẫn mô típ vậy nên rất khó thu khách quay trở lại. Đã vậy, chương trình ca nhạc trên sông Hương giờ đã nhạt hơn trước rất nhiều. Diễn viên biểu diễn qua loa, xong là về, chứ không còn giao lưu với khách như trước kia”, anh Dương Xuân Tráng chia sẻ.
Còn ngay như tại Hà Nội, du khách vẫn truyền tai nhau câu ca “ăn tối, rối nước”. Chương trình truyền thống vẫn là đi tham quan một số tuyến nổi bật như Bảo tàng Dân tộc học, khu vực Văn Miếu, Ba Đình và khu phố cổ Hà Nội, tối xem biểu diễn rối nước sau đó đi ăn tối là hết chương trình.
Cách làm thiếu chuyên nghiệp
Sự việc đang nóng trên mạng về một khách du lịch mua con cua nặng 1,2 kg tại Nha Trang (Khánh Hòa), nhưng luộc xong chỉ còn 0,42 kg, là minh chứng điển hình về kiểu làm ăn chộp giật tại nhiều điểm du lịch. Chị Hoàng Anh (Cầu Giấy) vừa mới đi du lịch từ Nha Trang than thở: “Khi nghe câu chuyện con cua này tôi không ngạc nhiên, tôi cũng vừa từ điểm tham quan này về và họ buộc cua bằng dây ngâm nước nặng gần bằng con cua. Cách làm gian dối khiến khách cảm thấy như bị lừa và không muốn quay trở lại”.
Khách đi lẻ đã vậy, đến những người làm du lịch lâu năm trong nghề cũng “sợ” những điểm du lịch “vòi tiền” trắng trợn. Những lần dẫn khách đến chùa Hương, anh Nguyễn Văn Dương, một HDV lâu năm, trước khi mua vé đều thông báo trước thái độ của lái đò nơi đây. Họ đòi tiền “bo”, nhưng lại thu riêng của từng khách để được nhiều hơn. Nếu đoàn nào không đưa tiền “bo” thì họ không cập bến. “Chúng tôi sẵn sàng nộp tiền bo một cục để khách thoải mái khi đi tham quan nhưng họ cứ thích thu lẻ để được hưởng nhiều hơn. Một cách làm thiếu chuyên nghiệp. Chưa kể là dù lúc cao điểm lẫn thấp điểm, lái đò ở đây vẫn luôn giữ cách hành xử thiếu thân thiện, khiến khách không thấy vui khi đi đò, trong khi lẽ ra đây là lúc để khách thư giãn”, anh Nguyễn Văn Dương chia sẻ.
Cùng với những vấn đề dịch vụ từ người dân, thì bản thân những doanh nghiệp làm du lịch cũng còn nhiều tồn tại. Có rất nhiều loại hình du lịch “chui”, du lịch “cỏ”, làm phá giá thị trường ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và hình ảnh du lịch Việt Nam. Chỉ cần dạo quanh phố cổ Hà Nội sẽ thấy nhan nhản biển quảng cáo du lịch tàu Hạ Long 2 ngày 1 đêm giá 49 USD (hơn 1 triệu đồng). Tuy nhiên, giá vé và phí tham quan tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long đã hơn 400.000 đồng. Khoản chi phí còn lại 600.000 đồng không thể đủ để có chất lượng dịch vụ tốt trên tàu. Do đó, tất yếu sẽ cắt giảm chất lượng dịch vụ, hoặc thu thêm tiền, hoặc “lách luật” là chỉ đăng ký đi 1 ngày tại Hạ Long, còn nghỉ đêm sẽ sang bến Gia Luận (Cát Bà, Hải Phòng). Điều này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an toàn của khách.
Bài 2: Giải quyết 6 nỗi sợ của du khách