Nghệ An phát triển du lịch gắn với quảng bá nông sản địa phương

Nghệ An đã và đang đẩy mạnh việc giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, cùng với đó là sự ra đời của các tour tham quan và trải nghiệm làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của từng địa phương.

Với cách làm này, nhiều loại nông sản đã được giới thiệu thành công tới du khách và trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, gia tăng giá trị cho nông sản.

Chú thích ảnh
Du khách chụp ảnh với những đóa hoa sen. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác là một trong những mô hình phát triển du lịch trải nghiệm lý tưởng khi du khách về xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Với mục tiêu xây dựng vùng trồng sen có quy mô lớn, đủ các loại hoa sen, tạo nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm từ cây sen nhằm thu hút và phục vụ cho khách tham quan, đến nay, Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đã xuống hơn 70 giống sen khác nhau trên diện tích hơn 200 ha.

Giờ đây, về với Kim Liên, du khách sẽ được thưởng thức giống sen cổ màu hồng, trắng và vàng. Đây là ba giống sen chủ đạo được Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác trồng phục vụ khách du lịch. Ngoài chụp ảnh với sen, du khách còn được tham gia các khâu kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến sen và thưởng thức nghệ thuật ẩm thực từ sen.

Anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sen Quê Bác chia sẻ, khách du lịch về quê Bác đều có nhu cầu mua một vài sản phẩm đem về làm kỷ niệm. Do đó, Hợp tác xã đã cho ra đời 12 sản phẩm chế biến từ sen làm quà lưu niệm, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 - 5 sao OCOP. Hiện Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đang hoàn thiện mô hình trải nghiệm du lịch canh nông, tổ chức tour "Một ngày làm nông dân" cho các hộ gia đình, nhóm bạn (10 người), đặc biệt là trẻ nhỏ được tham gia trải nghiệm cuộc sống dân dã như: nơm cá, nướng cá, trồng sen, làm sản phẩm thủ công từ sen, hát dân ca ví dặm... vào cuối tuần.

Nằm trong chuỗi các điểm đến của huyện Nghĩa Đàn, Khu du lịch sinh thái Hòn Mát với diện tích 42 ha đang tạo nên một quần thể sinh thái tiện tích, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình như Đà Lạt thu nhỏ. Nắm bắt xu hướng của du khách tìm đến với không gian xanh, tận dụng lợi thế địa phương, Khu du lịch sinh thái Hòn Mát đã đầu tư theo hướng farm (nông trại) vừa kết hợp giữa nghỉ dưỡng, tham quan và trải nghiệm các hoạt động gần gũi với thiên nhiên. Đơn vị đã đầu tư trang trại cây ăn trái (bưởi, cam, bơ), nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính (dưa chuột, dưa lưới, cà chua), trải nghiệm câu cá, cắm trại, nghỉ dưỡng homstay, thưởng thức các món ăn ngon tại nhà hàng nổi trên sông. Hầu hết các ngày trong tuần, Khu du lịch sinh thái Hòn Mát luôn có khách tới tham quan, trải nghiệm, check-in cùng thưởng thức món ăn dân dã đặc trưng của vùng miền.

Ông Đặng Trọng Tấn, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Hòn Mát cho biết, Công ty đang xây dựng sản phẩm OCOP cho sản phẩm dưa lưới, dưa chuột và bưởi để tạo thành tour du lịch khép kín. Hiện Công ty đang xây dựng gian hàng OCOP ngay tại điểm du lịch để đưa sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại chỗ phục vụ du khách.

Chú thích ảnh
Nằm trong chuỗi các điểm đến của huyện Nghĩa Đàn, Khu du lịch sinh thái Hòn Mát với diện tích 42 ha đang tạo nên một quần thể sinh thái tiện tích, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình như một Đà Lạt thu nhỏ. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Nghệ An là địa phương có lợi thế phát triển du lịch với đa dạng các loại hình sinh thái và sản vật du lịch. Tỉnh đã xây dựng, tạo sự gắn kết giữa các ngành du lịch, nông nghiệp và công thương. Qua đó, đưa khách du lịch đến vùng trải nghiệm nông nghiệp như: trải nghiệm đồi chè Thanh Chương, trồng cam Yên Thành, hồng Nam Anh, tương Nam Đàn, dược liệu Pù Mát, trà hoa vàng Quế Phong, dệt thổ cẩm Hoa Tiến… Thời gian qua, địa phương không ngừng triển khai các kế hoạch quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp (OCOP) thông qua nhiều hoạt động quảng bá du lịch online, trên nền tảng công nghệ số, xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP.

Thực tế cho thấy, việc hình thành điểm tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có thể tiếp cận các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Nghệ An. Qua đó, kích thích nhu cầu mua sắm của du khách, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP của Nghệ An đến với nhân dân và khách du lịch. Thông qua dịch vụ mua sắm, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP được mở rộng, đây là hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ thông qua hoạt động du lịch, là xu thế phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đang được du khách đặc biệt quan tâm, ủng hộ.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Nghệ An mong muốn, du lịch Nghệ An có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; khi giới thiệu các sản phẩm OCOP cần có các kích cỡ khác nhau, thuận tiện cho người mua. Đồng thời, tỉnh cần tăng cường kết nối giữa các nhà hàng, khách sạn và các công ty lữ hành, có chính sách ưu đãi để đưa khách đến các điểm giới thiệu các sản phẩm du lịch nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng của Nghệ An.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP, tạo thành tour khép kín khám phá làng nghề, các vùng chuyên canh, có các hoạt động trải nghiệm, khám phá tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, tạo giá trị sản phẩm tour tại Nghệ An.

Chú thích ảnh
Giới thiệu sản phẩm từ sen của Hợp tác xã Sen quê Bác. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Theo các chuyên gia, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các lễ hội, khu du lịch là điều kiện vô cùng thuận lợi để du khách biết đến những sản vật đặc trưng của mỗi địa phương, đồng thời tạo cơ hội để sản phẩm OCOP phát triển thương hiệu. Sản phẩm OCOP giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn khi có nhu cầu mua hàng về làm quà biếu mỗi dịp đi du lịch. Để sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định thương hiệu cũng như vươn xa trên thị trường, tỉnh Nghệ An đã tuyên truyền, khuyến khích các ban, ngành, địa phương sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm tặng phẩm cho khách tham quan.

Hiện Nghệ An đã có 249 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó có 40 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Các sản phẩm OCOP Nghệ An được đánh giá rất dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị sản phẩm được gia tăng qua từng năm, được người tiêu dùng tín nhiệm và ưa chuộng. Thông qua du lịch, nhiều loại nông sản, thổ cẩm, dược liệu và các sản phẩm OCOP của vùng dân tộc thiểu số đã được quảng bá rộng rãi tới du khách trong và ngoài nước. Đến nay, nhiều sản phẩm đã đứng vững trên thị trường trong nước và tiếp cận thị trường nước ngoài, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho bà con.  

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: Phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, thông qua du lịch quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP là sự tương trợ cần thiết và hữu ích để nông nghiệp nông thôn và du lịch cùng phát triển. Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực của từng địa phương. Đây cũng là hướng đi mà ngành Du lịch nhiều địa phương đang hướng tới. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách; đồng thời, quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Bích Huệ (TTXVN)
Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên
Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên

Tối 28/7, tại Quảng trường Nghinh phong (thành phố Tuy Hòa), Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức khai mạc “Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên” năm 2022. Đây là sự kiện để quảng bá hình ảnh địa phương, kích cầu hoạt động du lịch sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN