Biển báo cấm mặc váy ngắn vào chùa tại chùa Diên Hựu - Một Cột (Hà Nội). |
Khởi động từ doanh nghiệp và địa phương
Theo Tổng cục Du lịch, từ năm 2016, tại các địa phương phát triển du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Lào Cai... đều đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử, hướng dẫn khách du lịch cách ứng xử đúng mực. Tuy vậy, những hình ảnh chưa đẹp của du khách khi đi du lịch vẫn xảy ra như nhiều du khách viết, vẽ bậy lên bảo vật quốc gia Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế); nạn xả rác ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt đầu năm 2017 vẫn tái diễn; tình trạng du khách ăn mặc phản cảm khi đi lễ chùa diễn ra khá phổ biến…
Trong khi, từ đầu năm 2016, ngành du lịch Đà Nẵng đã phát hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch bằng tiếng Việt và được minh họa bằng hình ảnh sinh động. Tiếp đó, Đà Nẵng đã phát hành 5.000 bản in bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch bằng tiếng Trung Quốc cùng video quy tắc ứng xử văn minh phát ở nơi công cộng như điểm du lịch, sân bay, nhà ga, khách sạn. Đồng thời, bộ quy tắc này cũng được gửi đến các công ty du lịch trên địa bàn để phổ biến trực tiếp đến du khách.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát hành quy tắc ứng xử của địa phương vào tháng 1/2016 và tháng 6/2016, mỗi đợt 75.000 bản quy tắc ứng xử bằng 5 thứ tiếng: Việt, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga.
Còn tại Thủ đô Hà Nội, vào tháng 3/2017, đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng định hướng cho các cá nhân, tổ chức những việc “nên làm” và “không nên làm”...
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty du lịch Transviet cho biết: Từ chương trình phát động nâng cao hình ảnh du khách Việt do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động năm 2016, Công ty đã tổ chức nhiều hoạt động triển khai như gửi kèm bản quy tắc ứng xử văn minh cùng với chương trình tour, đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên để tuyên truyền tới du khách, phát động chương trình làm sạch rác tại công viên Yên Sở.
“Chúng tôi coi đây là yêu cầu bắt buộc và hướng dẫn viên phải thực hiện khi đi tour, nếu để xảy ra vi phạm sẽ cắt một ngày công tác phí. Còn tại công viên Yên Sở (Hà Nội), thay vì đi nhặt rác, chúng tôi phát túi nilong để các đoàn khách cho vào khi vui chơi tại công viên. Nhờ đó. lượng rác đã giảm đi đáng kể”, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc HanoiRedtours, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch rất có lợi với doanh nghiệp lữ hành, bởi nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế những sự cố khiến công ty phải giải quyết, đồng thời tạo thiện cảm tốt cho nhà cung cấp dịch vụ như tài xế, nhà hàng…. Không ít lần, tài xế đã phải phản ứng khi du khách rả rác ra xe, hay du khách đếnquá muộn họ phải đi lòng vòng và bị cảnh sát giao thông bắt phạt…
Cần triển khai đồng bộ
Với quyết tâm của toàn ngành và địa phương nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam, ngày 17/3, trên cơ sở tổng hợp lấy ý kiến của địa phương, doanh nghiệp du lịch, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch.
Ông Nguyễn Công Hoan cho biết “Bộ quy tắc do Bộ VHTTDL ban hành tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi tuyên truyền tới du khách. Bên đó, các doanh nghiệp, địa phương cũng có cơ chế giám sát, hạn chế những hình ảnh phản cảm. Trước đây, khi đi tour, thấy hướng dân viên thông báo một số nội quy ứng xử văn minh nhưng một số du khách phản ứng là căn cứ vào đâu yêu cầu “khắt khe vậy?. Trong khi, như Singapore các nội quy đã được đưa vào quy định luật pháp của nước sở tại, nếu vi phạm xả rác sẽ bị phạt quất roi và phạt tiền nên du khách đều chấp hành nghiêm túc.
Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Hồng Nguyên, hướng dẫn viên Công ty Hanoitourist cho rằng cần có chế tài xử phạt với các vi phạm. Thực tế, đi dẫn khách các điểm đến nước ngoài, nước nào có quy chế xử phạt nghiêm thì khách chấp hành nghiêm, còn nước nào “nới lỏng” thì y như rằng lại xả rác, không xếp hàng.
Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist, để thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch hiệu quả cần triển khai đồng bộ. Cụ thể, cần đưa nội dung Bộ quy tắc vào chương trình đào tạo trong các trường. Các doanh nghiệp cũng cần đưa vào nội quy hoạt động, tránh tình trạng có doanh nghiệp coi đây là tiêu chí quan trọng hành nghề, có doanh nghiệp lại bỏ qua.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Để nhân rộng, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch cần được làm ngắn gọn, có hình ảnh minh họa để du khách dễ nhận biết. Đồng thời, Tổng cục Du lịch coi đây là tiêu chí đánh giá khi trao các giải thưởng của ngành để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện”.
“Năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” và đưa ra lời khuyên về 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch trong và ngoài nước. Nay Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch triển khai đồng loạt trên cả hệ thống điểm đến và các đơn vị hoạt động du lịch sẽ giảm thiểu hình ảnh chưa được đẹp, qua đó xây dựng hành vi ứng xử văn minh khi đi du lịch trong và ngoài nước; tôn trọng đặc trưng văn hóa của du khách”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá: “Vấn đề văn hóa, ứng xử văn minh trong khi đi du lịch ngày càng quan trọng trong bối cảnh đời sống vật chất ngày càng nâng cao. Đây là vấn đề cần thực hiện lâu dài, do đó các địa phương, doanh nghiệp xây dựng hướng dẫn cụ thể, bằng ngoại ngữ, hình ảnh phù hợp với từng thị trường khách, để mọi người tuân thủ”.
Năm 2017, được ngành xác định là năm chấn chỉnh hoạt động lữ hành. Trong tháng 4, Tổng cục Du lịch đã triển khai quán triệt nội dung Bộ quy tắc tới các doanh nghiệp trong cả nước để từ đó tạo ra chuyển biến thực sự trong nâng cao văn minh du lịch.
“Để thực hiện được vấn đề này rất cần vào cuộc đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo, doanh nghiệp, hiệp hội, truyền thông. Tổng cục Du lịch cũng xác định đưa tiêu chí áp dụng bộ quy tắc ứng xử văn minh đô thị vào xét duyệt các giải thưởng của ngành”, ông Ngô Hoài Chung khẳng định.