Chương trình nhằm đưa ra các giải pháp nỗ lực khôi phục hoạt động du lịch, trong đó ưu tiên du lịch nội địa, thu hút khách từ các vùng miền đến Đồng bằng sông Cửu Long, tiến tới khôi phục hoạt động du lịch quốc tế, chú trọng thị trường Đông Nam Á có nhiều tiềm năng phục hồi sớm.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong cho biết, trong thời gian tới, ngành Du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, với sự tham gia của các đơn vị quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch, Hãng Hàng không và các doanh nghiệp du lịch, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn du lịch.
Các địa phương tuyên truyền quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long về điểm đến an toàn cho du khách; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trong các sự kiện du lịch, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc thù đến các thị trường trọng điểm trong nước.
Các tỉnh, thành phố trong khu vực tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2020; Hội chợ Du lịch Quốc tế HCM - ITE 2020 và các sự kiện du lịch quốc gia.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tổ chức đoàn quảng bá - xúc tiến du lịch tại thị trường Nhật Bản, trong đó có Hội nghị Xúc tiến du lịch tại thủ đô Tokyo.
Trong năm 2021, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có các hoạt động điểm nhấn như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam-VITM Cần Thơ 2021, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ và Liên hoan Đờn ca tài tử năm 2021 tại thành phố Cần Thơ, Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang 2021, Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Đồng Tháp, Lễ hội Ok-Om-Bok tỉnh Trà Vinh…
Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long còn tiến hành thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ông Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Hiệp hội sẽ triển khai các hoạt động vận động, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch hưởng ứng và tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch; tăng cường liên kết địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động du lịch. Trong đó, Hiệp hội xác định các ưu tiên hợp tác, liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, chọn các địa phương, trung tâm du lịch Cụm phía Đông, phía Tây (Cần Thơ, Kiên Giang - Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang) làm trọng điểm, phát huy vai trò các điểm du lịch tiêu.
Hiệp hội sẽ vận động các địa phương có chính sách khuyến mãi, giảm giá vé tham quan các khu, điểm du lịch với thông điệp “điểm đến an toàn”; vận động doanh nghiệp du lịch (khách sạn, nhà hàng, các điểm đến, các hãng hàng không…) có chính sách giảm giá phù hợp, nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo an toàn cho du khách; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới, độc đáo.
Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vận động doanh nghiệp du lịch (lữ hành, vận chuyển, nhà hàng, cơ sở lưu trú, các điểm tham quan, mua sắm…) hưởng ứng và đăng ký tham gia giảm giá sản phẩm dịch vụ từ 20% trở lên và nâng cao chất lượng, hình thành các tour du lịch hấp dẫn thu hút khách…