Hủy tour vào phút chót
Anh Đặng Vũ Trung (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Theo dự kiến, sáng 30/4, tôi và nhóm bạn sẽ đi Đà Nẵng nghỉ trong dịp lễ này. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với sự ghi nhận các ca nhiễm trong cộng đồng, tôi và nhóm bạn quyết định hủy chương trình. Do hủy vào phút chót nên toàn bộ vé máy bay và các dịch vụ đã cọc đều không được hoàn tiền".
Trong khi đó, chị Phan Lan Anh (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) vẫn cùng gia đình thực hiện chuyến đi tới Quảng Ninh do dùng xe tự lái.
“Tuy vậy, tâm trạng mọi người cũng rất lo và quán triệt tới các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch”, chị Phan Lan Anh chia sẻ.
Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người khi đi du lịch trong dịp kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 do thông tin về dịch bệnh diễn ra dồn dập vào sát kỳ nghỉ.
Bà Phạm Thanh Thúy, Phó Chủ tịch CLB du lịch Thủ đô, Phó Giám đốc Công ty du lịch Tre Việt cho biết: “Từ ngày 29/4, đã có nhiều khách hỏi về tình hình dịch bệnh và đề nghị lùi lịch khởi hành. Với các đoàn khách là cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thì yêu cầu hủy tour, nhất là các đoàn khởi hành đi Phú Quốc, Cần Thơ… Chiều ngược lại, cũng có đoàn TP Hồ Chí Minh hủy tour đi Hà Nội. Ngay trong sáng 30/4, một đoàn khách Hải Dương cũng đã quyết định quay về sau khi Hà Nội thông báo ghi nhận ca dương tính. Còn ngay mai (1/5) cũng đã có đoàn báo hủy đi Tam Chúc (Hà Nam) do lo ngại dịch bệnh”.
“Khách hủy vào phút chót và hiện tại mới chỉ có khuyến cáo hạn chế đi lại, nên các hãng hàng không không có chính sách hỗ trợ hoãn, hủy chuyến. Do đó, khách quyết định hủy tour vào thời điểm này gần như mất toàn bộ chi phí đặt cọc, tuy nhiên, vì an toàn, vẫn có nhiều khách hủy”, bà Phạm Thanh Thúy chia sẻ.
Thông tin từ Phòng Văn hóa thể thao (thị xã Sa Pa, Lào Cai) từ chiều 29/4, khoảng 10% lượng khách hủy phòng trên địa bàn. Tỉ lệ này tiếp tục tăng khi có các ca mắc mới được công bố vào đêm 29/4, sáng 30/4.
Còn theo ghi nhận của Sở Du lịch tỉnh Bình Định, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngày 29/4 đã có nhiều đoàn khách hủy tour. Tỉnh yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Flamingo Redtour cho biết: Do dự báo tình hình dịch diễn biến phức tạp nên ngay từ tháng 4, đơn vị hướng tới phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, tập trung đường bộ. Thực tế cho thấy, khách hoãn, hủy tour là những đoàn lớn do cơ quan, đơn vị tổ chức. Trong khi khách lẻ hủy không nhiều. Hơn nữa, do có kinh nghiệm từ ba đợt dịch trước, công ty đã tư vấn trước cho khách và thực hiện nghiêm quy định phòng dịch. Nhìn chung khách lẻ có tâm lý ổn định hơn.
Theo nhận định của các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị vẫn đang cập nhật thông tin từ cơ quan chức năng để tư vấn cho khách hàng. Hiện hàng không vẫn chưa có khuyến cáo cụ thể cho việc hoãn hủy vé, trong khi các khách sạn, cơ sở lưu trú tạo điều kiện cho ghi nợ lại khoản tiền để quyết toán vào các kỳ nghỉ đợt sau.
Ưu tiên công tác phòng dịch
Từ phía các địa phương, cũng thông báo hủy một loạt sự kiện thu hút khách. Huyện Cát Bà (Hải Phòng) hủy sự kiện khai mạc du lịch biển Cát Bà 2021, tỉnh Lào Cai tạm dừng một số hoạt động như chương trình "Hương sắc Lào Cai, tỉnh Đắk Lắk dừng tất cả các hoạt động trong sự kiện Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê năm 2021” diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dừng tổ chức các sự kiện “Bà Rịa - Vũng Tàu rực rỡ những mùa xuân”, giải múa lân sư rồng, giải bóng rổ 3x3 mở rộng….
Theo thông báo từ các địa phương, ưu tiên lúc này là công tác phòng dịch, lãnh đạo địa phương đều có yêu cầu các đơn vị dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong sáng 30/4, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã có công điện tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Theo Bộ VHTTDL, dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát (đặc biệt trong thời gian nghỉ lễ 30/4, 1/5), tuy nhiên vẫn xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ đề nghị các tỉnh, thành tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; hạn chế tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch; tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội để tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Ban Quản lý di tích, Bảo tàng, Ban Tổ chức lễ hội, người đứng đầu các thiết chế văn hóa, thể thao, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo “Thông điệp 5K: Khẩu trang- Khử khuẩn - Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế” của Bộ Y tế.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; không lơ là chủ quan, luôn cảnh giác phòng chống dịch bệnh.