Nhiều yếu kém trong phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh dù đứng đầu cả nước, thế nhưng vẫn đang lộ rõ nhiều yếu kém khi thiếu liên kết, thiếu quy hoạch, thiếu sự ưu tiên và thiếu một tư lệnh chỉ đạo ngành nên chưa có "lực" để thúc đẩy phát triển đúng tầm.


Chiều ngày 10/1, đoàn công tác của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh do ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh để bàn về những giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch thành phố.


Thiếu liên kết


Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh đang có những thế mạnh để phát triển du lịch như là trung tâm du lịch lớn nhất nước, thu hút 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm. Nơi đây có nhiều món ngon trong và ngoài nước hội tụ, có nhiều trung tâm mua sắm hàng hóa lớn nhất của cả nước, có nhiều loại hình vui chơi giải trí phục vụ du khách. Hạ tầng cơ sở, nhà hàng, khách sạn có chất lượng phục vụ tốt nhất so với các tỉnh thành khác.


“Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố cũng có 7 điểm yếu đang mắc phải như người làm công tác quản lý ngành chưa có quy hoạch để phát triển, đối tác thực hiện quy hoạch cũng không đảm bảo nên công tác quy hoạch phát triển toàn ngành còn chậm. Ngoài ra, dù được xem là thành phố trung tâm của khu vực nhưng việc kết nối với các tỉnh thành chưa sâu sắc, còn mang tính hình thức nên hiệu quả phát triển du lịch liên kết vùng chưa cao. Các ấn phẩm quảng bá du lịch thành phố còn thiếu và yếu nên chưa hấp dẫn và hiệu quả quảng bá còn thấp. Sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố còn thiếu”, ông Vũ cho biết.


Theo ông Vũ, nguyên nhân của những hạn chế trên là do đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn thiếu tập trung đầu tư cũng như thiếu chuyên gia thực hiện công tác lập quy hoạch. Nội dung quan hệ hợp tác du lịch với các tỉnh thành còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường. Công tác chỉ đạo xây dựng các ấn phẩm quảng bá du lịch thành phố còn chưa tập trung. Các đơn vị liên quan vẫn thiếu sự phối hợp với các sở ngành khác để phát triển ngành du lịch.

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cần được đổi mới, đột phá hơn nữa để phát triển đúng tầm.

Trong khi đó, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, lại cho rằng so với các nước trong khu vực, tốc độ phát triển du lịch của thành phố không thua kém các nước, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch của thành phố cũng rất phong phú nhưng ngành du lịch chưa phát triển mạnh bởi chưa dành nhiều chế độ ưu tiên cho lĩnh vực này. Hiện nay, mức độ ưu tiên cho du lịch của thành phố chỉ ở mức 119/160, trong khi đó Thái Lan có chế độ ưu tiên ngành du lịch ở mức 40/160 nên ngành du lịch của Thái Lan rất phát triển.


Dẫn chứng về mức độ ưu tiên thấp dành cho ngành du lịch, ông Khánh cho biết: “Ngay như việc phát triển du lịch đường sông, chúng ta đang thiếu bến bãi để đón trả khách lên xuống. Trước đây chúng ta có bến bãi để đón trả khách nên có khoảng 150 tàu du lịch của doanh nghiệp hoạt động du lịch đường sông. Tuy nhiên 2 năm gần đây, bến Bạch Đằng không được khai thác, bến bãi mới xây dựng lại xa trung tâm thành phố nên số tàu du lịch giảm chỉ còn 70 tàu. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp du lịch phản ánh, họ không yên tâm đầu tư phát triển thêm sản phẩm vì không rõ quy hoạch bến, bãi tàu cho khách lên xuống tàu của thành phố như thế nào".


“Khi thành phố đưa vào khai thác tuyến du lịch nội đô nhưng mực nước ở các con kênh lên xuống thất thường, chỉ khi nào nước lên tàu du lịch mới khai thác, khi nước cạn, nước bốc mùi hôi thối các đơn vị không dám đưa khách đi. Ngoài ra, rác thải sinh hoạt của 4 quận dọc các kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hũ – Bến Nghé mới chỉ xử lý khoảng 13%, còn lại được đổ trực tiếp xuống sông càng gây ô nhiễm môi trường nước. Khách đi tàu du lịch trên sông nhiều khi còn bị người dân ném đá bị thương, có khi còn bị mắc phải cần cần cá của người dân”, ông Khánh dẫn chứng thêm.


Thay đổi tư duy làm du lịch


Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2017, mục tiêu của ngành du lịch thành phố phấn đấu đón khoảng 5,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 8% so với năm 2016. Lượng khách nội địa đến thành phố phấn đấu đạt khoảng 24 triệu lượt, tăng khoảng 10%. Tổng doanh thu du lịch phấn đấu đạt 113.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2016.


Để đạt được mục tiêu này, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP, cần phải thay đổi cách làm du lịch và có đột phá, nghĩa là người làm du lịch phải đứng ở góc độ du khách để cảm nhận. "Phát triển du lịch cũng phải có liên kết với các ngành khác để cùng nhau phát triển. Chẳng hạn như làm du lịch gắn với phát triển xây dựng vùng nông thôn mới để tạo việc làm cho nông dân, để giới thiệu các đặc sản văn hóa, ẩm thực của thành phố tới du khách để kéo họ quay lại thành phố nhiều hơn. Làm du lịch gắn ngành thể thao, thành phố có thể chọn tổ chức đăng cai các chương trình thể thao có tầm cỡ khu vực và quốc tế, để khi các vận động viên đến thi đấu họ sẽ kéo người thân đi cùng để tham quan du lịch thành phố".

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, ngành du lịch thành phố muốn phát triển mạnh rất cần có một tư lệnh chỉ đạo.

Nhìn nhận về sự phát triển chung của ngành du lịch thành phố, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, ngành du lịch thành phố đang thiếu một tư lệnh ngành cho nên vừa qua các đơn vị du lịch mới chưa kết hợp chặt chẽ với nhau, mạnh ai người đó làm nên chưa có được những chỉ đạo, hành động mạnh mẽ để thúc đẩy ngành này phát triển đúng các thế mạnh.


“Tôi không cảm nhận được sự hừng hực, máu lửa của ngành kinh tế dịch vụ, kinh tế mũi nhọn của thành phố khi thực tế hàng năm ngành này đóng góp hơn 10% GRDP cho thành phố. Do đó, để thúc đẩy ngành du lịch thành phố phát triển Sở Du lịch cần ngồi lại phân tích xem những gì là hạn chế, thế mạnh để tìm ra hướng phát triển cụ thể trong thời gian tới”, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nói.


Theo chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ, ngành du lịch thành phố sẽ phải xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ban ngành, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân cho nên các ban ngành cần phải liên kết với nhau. Các đơn vị liên quan cần tuyên truyền thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển du lịch, trong đó phải xem ngành du lịch là công việc của các ngành các cấp, của toàn xã hội, của toàn dân phải làm chứ không chỉ ngành du lịch làm một mình. Chẳng hạn như làm du lịch sinh thái thì thái độ người dân ở nơi đến phải vui vẻ, niềm nở, môi trường du lịch phải đảm bảo an toàn cho du khách…mới thu hút du khách đến lần 2.


"Muốn ngành du lịch thành phố phát triển, trước mắt cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý về Nhà nước để hạn chế tình trạng chặt chém du khách, đảm bảo an ninh an toàn du khách... Tập trung lo cho nguồn nhân lực để có đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao, có trình độ chuyên môn sâu mới có tham mưu tư vấn cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân những giải pháp hay, hiệu quả để thúc đẩy ngành này phát triển. Khi triển khai công việc nhất thiết phải có một tư lệnh chỉ đạo chung chứ hiện nay các đơn vị, ban ngành liên quan đang thiếu sự liên kết và mạnh ai nấy làm”, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng khẳng định.


Hoàng Tuyết
8 tỉnh vùng Tây Bắc hợp tác phát triển du lịch
8 tỉnh vùng Tây Bắc hợp tác phát triển du lịch

Ngày 9/1, UBND tỉnh Phú Thọ - Trưởng nhóm hợp tác phát triển du lịch đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN