Cụm chùa tháp Tường Long. Ảnh: TTXVN phát |
Từ bến K15 huyền thoạiBến K15 nằm ở chân đồi Vạn Hoa cạnh thung lũng xanh (khu 3 Đồ Sơn), nơi xuất phát bí mật của những con tàu không số chi viện cho chiến trường miềm Nam chống Mỹ, nơi làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Tên gọi K15 bao hàm ý nghĩa: K là cảng, 15 là số Nghị quyết của Trung ương Đảng về đường lối và phương pháp tiến hành cách mạng giải phóng miền Nam.
Vào cuối năm 1961, Đoàn vận tải thủy 759 đã ra đời (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) với nhiệm vụ bí mật chở hàng, vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Ngay sau đó, 50 con tàu (cả vỏ gỗ và vỏ sắt) đã gấp rút thi công tại Xưởng đóng tàu 1 (nay là Công ty đóng tàu Bạch Đằng) và Xưởng đóng tàu 3 (nay là Công ty đóng tàu Tam Bạc), để phục vụ cuộc hành trình vượt biển thần tốc.
Chiếc tàu vỏ gỗ không số đầu tiên mang mật danh "Phương Đông 1" do thuyền trưởng Lê Văn Mộc chỉ huy cùng 12 cán bộ, chiến sỹ rời bến K15 chở theo 30 tấn vũ khí trong đêm 11/10/1962, sau 5 ngày (16/10/1962) đã cập bến an toàn tại Vàm Lũng (Cà Mau). Tiếp đó, đội tàu số 2, rồi số 3... tiếp tục nhận nhiệm vụ lên đường chở vũ khí chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Từ cầu tàu K15 này, dưới sự điều khiển của những cán bộ, chiến sỹ Hải quân quả cảm, đã có hơn 100 chuyến tàu không số vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành chia sẻ: Sự ra đời của tuyến vận tải trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trở thành biểu tượng tự hào của cả dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc. Bến tàu không số K15 và đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị, vẫn hiên ngang trường tồn, là điểm tựa tinh thần để chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc hành trình vươn ra biển, chinh phục biển và làm chủ biển khơi.
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/2/2018, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Bến K15 Đồ Sơn, để nơi đây xứng tầm là di tích lịch sử cấp quốc gia. Dự án sẽ được triển khai trong năm 2018, trên diện tích 4,5 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn bằng ngân sách thành phố. Công trình gồm các hạng mục bảo tồn chứng tích về Đoàn tàu không số, xây dựng mới quảng trường lớn, đền thờ liệt sĩ, nhà trưng bày và các công trình phụ trợ khác, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Địa danh K15 Đồ Sơn sẽ là một khu di tích lịch sử văn hóa tầm cỡ, công trình kiến trúc đặc biệt, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng trên các con tàu không số.
Đến di tích lịch sử tháp Tường LongTháp Tường Long là di tích lịch sử cấp quốc gia, tọa lạc tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Đây là công trình văn hoá có kiến trúc độc đáo, di tích lịch sử gắn với đời nhà Lý thế kỷ XI, được xây dựng năm 1058 thời Lý Thánh Tông. Theo Đại Nam nhất thống chí, tháp Tường Long cao 100 thước ( bằng khoảng 45m), dựng trên khu đất rộng 1000m2, có 9 tầng, cửa mở ra hướng tây, đặt trên đỉnh núi Ngọc cách mặt biển 100m nên ngọn tháp này thuộc loại cao nhất so với các tháp ở Việt Nam thời bấy giờ.
Cụm chùa tháp Tường Long gồm tòa tháp 9 tầng, phần chân hình vuông có 4 lối lên xuống, bên trong đặt pho tượng A Di Đà ngồi trên toà sen bằng đá. Chùa Tháp có tam quan ngoại được thiết kế theo lối kiến trúc mở, với bốn trụ cổng bằng đá đục chạm hoa văn tinh xảo. Tam quan nội và tường lan can có 3 cửa chính và khung bằng gỗ lim hài hoà cùng Tam bảo với tiền đường gồm 5 gian. 20 pho tượng đồng nặng hơn 20 tấn được đặt trong nhà Tam bảo. Đặc biệt, chuông chùa nặng 1 tấn mô phỏng chuông chùa Vân Bản của Đồ Sơn, được đúc trực tiếp trên đỉnh núi Ngọc. Cạnh tháp Tường Long là nhà che bia và che hố khảo cổ 2 tầng, nơi lưu giữ nhiều hiện vật giá trị với các họa tiết, hoa văn, được làm từ gỗ, đá, ngói, gạch thời Lý.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng: Tháp Tường Long không chỉ là một địa điểm văn hóa tâm linh của cả nước mà còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, bởi vậy mỗi người dân Hải Phòng cần phải bảo tồn, phát huy và gìn giữ quần thể kiến trúc phật giáo lớn nhất vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm trong tuyến du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn - Cát Bà - Vịnh Hạ Long.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo quận Đồ Sơn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch Hải Phòng, Thành Hội Phật giáo Hải Phòng và các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, quản lý, bảo vệ an ninh trật tự, với nhân dân địa phương, với du khách trong nước và quốc tế; kết nối quần thể di tích tháp Tường Long với các quần thể di tích khác xây dựng thành điểm, tuyến văn hóa du lịch tâm linh, du khảo đồng quê của thành phố và cả nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh cho biết, cùng với bến tàu không số K15, tháp Tường Long, Đồ Sơn còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như đền Dáu, chùa Hang. Đồ Sơn cũng đang triển khai nhiều dự án lớn như Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu của Công ty cổ phần Him Lam; Tập đoàn FLC đang khảo sát đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đồng ý bổ sung dự án sân golf 36 hố tại phường Vạn Hương (thuộc Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng) vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020... Đồ Sơn đang dần khẳng định đẳng cấp của một khu du lịch quốc tế hấp dẫn du khách trong suốt bốn mùa.