Cao nguyên Vân Hòa thuộc 3 xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định của huyện Sơn Hòa và một phần của huyện Tuy An (Phú Yên ) có khí hậu mát mẻ với nhiều nhà vườn đủ loại cây trái, nhất là vườn cây đỏ. Tại đây, du khách được thưởng thức ẩm thực dân dã như: Cơm lúa rẫy, gà kho mắm thơm, rau rừng, cá suối nướng…
Du khách Nguyễn Thị Hạnh (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ, cao nguyên Vân Hòa có khí hậu mát mẻ, khung cảnh làng quê yên bình và ẩm thực đặc trưng vùng nông thôn rất thú vị. Gia đình chị sẽ tiếp tục khám phá vùng đất này và giới thiệu cho nhiều bạn bè đến đây.
Tại làng nghề dệt chiếu cói truyền thống thôn Phú Tân (xã An Cư, huyện Tuy An) có tuổi đời hơn 100 năm, du khách tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm. Những người thợ dệt không chỉ làm ra các sản phẩm chiếu cói truyền thống mà còn sáng tạo nhiều mặt hàng thủ công, lưu niệm thu hút du khách.
Ông Nguyễn Ngọc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã An Cư cho biết: Từ đầu năm 2024, làng nghề chiếu cói đã bắt đầu đón khách du lịch. Khách đến đây được trải nghiệm các công đoạn làm ra sản phẩm của làng nghề, từ thu hoạch cói, phơi cói, nhuộm màu... Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường quảng bá và tạo điều kiện để người dân giữ gìn giá trị truyền thống làm cơ sở để thu hút, phát triển du lịch.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên Nguyễn Thị Hồng Thái, dịp lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9/2024), tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 46.500 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng khách quốc tế tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 93 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, khách tham quan tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn và danh thắng Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh từ ngày 31/8 - 2/9/2024 đạt hơn 14.470 lượt khách.
* Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho hay, các điểm du lịch nghỉ dưỡng biển như: Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành, Hàm Thuận Nam, Phú Quý… tiếp tục là những điểm đến hút khách trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Các địa phương như Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh cũng trở thành những điểm đến mới, thu hút khách tham quan, trải nghiệm các loại hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông… Ngoài ra, các khu du lịch dã ngoại, du lịch cộng đồng cũng là điểm đến ưa thích của du khách.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, lượng du khách đổ về tỉnh này vượt trội so với cùng kỳ năm 2023. Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ 31/8 - 3/9), toàn tỉnh đón khoảng 5.000 lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế khoảng 9.700 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 510 tỷ đồng.
Lượng khách đến Bình Thuận đông nhất vào các ngày 31/8, 1/9 và 2/9. Bình quân công suất phòng đạt từ 80 - 95%, trong đó có nhiều cơ sở lưu trú đạt công suất 100%. Khách du lịch nội địa chiếm thị phần lớn trong tổng số lượng khách đến Bình Thuận, chủ yếu từ các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, các tỉnh Nam bộ và một số tỉnh phía Bắc…
Tuyến cao tốc từ Dầu Giây-Phan Thiết đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phan Thiết, góp phần không nhỏ vào việc thu hút lượng khách di chuyển bằng phương tiện cá nhân, đi du lịch tự túc cùng gia đình, nhóm bạn bè.
Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, mặc dù lượng khách tăng cao nhưng hoạt động du lịch diễn ra ổn định. Công tác quản lý nhà nước được quan tâm và chủ động triển khai sớm đảm bảo tốt môi trường du lịch, giữ vững hình ảnh điểm đến du lịch Bình Thuận an toàn, thân thiện.
* Trong dịp này, ngành du lịch An Giang đón khoảng 210.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Khu du lịch quốc gia Núi Sam (thành phố Châu Đốc), Khu du lịch Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên), điểm du lịch rừng tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên), điểm du lịch đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn) và các điểm tham quan cụm hồ Tri Tôn như: Ba Chúc, Tà Pà, Soài Chek, Ô Thum, Soài So… ghi nhận lượt khách du lịch đến tham qua tăng cao.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, năm 2024, An Giang phấn đấu đón 9 triệu lượt khách đến các khu, điểm du lịch, điểm tham quan; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 6.200 tỷ đồng.
Toàn tỉnh An Giang hiện có 5 khu, điểm du lịch được công nhận gồm 1 khu du lịch quốc gia, 1 khu du lịch cấp tỉnh và 3 điểm du lịch. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua tỉnh An Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 4 khu, điểm du lịch trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Khu Du lịch quốc gia Núi Sam (Châu Đốc); Khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên); Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (Long Xuyên) và Khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn).
Hiện, ngành du lịch An Giang đang đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; Hợp tác liên kết về du lịch giữa tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp để đưa An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
* Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, từ ngày 31/8 đến 3/9/2024, Tiền Giang đón được 50.450 lượt khách du lịch, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 5.150 lượt khách quốc tế, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Các điểm du lịch của tỉnh Tiền Giang như bãi biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông), trại rắn Đồng Tâm (huyện Châu Thành), làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước), cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), cù lao Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)… thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, vui chơi, mua sắm. Từ ngày 31/8 đến 3/9, lượng khách du lịch đến tỉnh Tiền Giang tham quan tăng gấp 2, 3 lần so với ngày thường.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Thể thao tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến, cho biết: Thời gian qua, Sở đã có các chuyến khảo sát để nắm tình hình hoạt động tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở. Ngành đã tập trung hỗ trợ các khu, điểm du lịch cải tạo môi trường, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng phục vụ.
Ngoài việc tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Sở đã chủ động tham gia các sự kiện tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… để tăng cường hợp tác, phát triển du lịch. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh kết nối với các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung.