Phát huy giá trị không gian văn hóa trà Thái Nguyên

Không gian văn hóa Trà Thái Nguyên được xây dựng năm 2011, kịp chào đón Lễ hội Trà Thái Nguyên lần thứ nhất, tại xã Tân Cương (Thái Nguyên). Không gian có diện tích 26.000 m2, gồm: Bãi đỗ xe, sân trung tâm, nhà trung tâm và khu điều hành đón tiếp.

Nhà trung tâm có kết cấu bê tông theo kiến trúc gỗ truyền thống độc đáo của làng quê Bắc Bộ, bao xung quanh là hành lang rộng, mái lợp ngói màu xanh lá Trà. Công trình là một điểm nhấn đẹp của vùng Trà Tân Cương thành phố Thái Nguyên - nơi được vinh danh là “Đệ nhất danh Trà Việt Nam”.


Không gian văn hóa Trà như một bảo tàng Trà Việt Nam. Du khách vào nơi đây có thể hiểu được phần nào về lịch sử hình thành và phát triển Trà Tân Cương. Những hình ảnh đẹp về cảnh lao động: Trồng hái, chế biến, những dụng cụ lao động, thổ nhưỡng, những sản phẩm của những vùng trà nổi tiếng trên đất Thái Nguyên, từ Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) tới Điềm Mặc (Định Hóa); La Bằng (Đại Từ); Vô Tranh (Phú Lương); Trại Cái (Đông Hưng)… hay những bộ ấm chén trà độc đáo của những tao nhân mặc khách.


Du khách vào đây cũng có thể được nghe những câu chuyện về trà, để rồi cùng nhau được thưởng thức hương vị trà Thái. Và khi ra về lại được mua những gói trà ngon tặng người thân.


Tuy nhiên, không gian đẹp, công trình lớn, hoành tráng, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều du khách. Đó là những băn khoăn, trăn trở của nhiều người, rằng nơi đây còn phải đầu tư những gì để thu hút du khách?


Việc đầu tiên là phải có một quy hoạch đồng bộ. Không gian phải được mở rộng với những nội dung phong phú hơn. Đường vào cần được mở rộng. Hai bên đường vào từ hai phía, du khách phải thấy được những đồi cây xanh ngát với những cô gái hái trà duyên dáng. Nhà ở của dân là những mái nhà sàn hai bên đường cần được đưa lùi sâu vào khoảng vài trăm mét. Không gian văn hóa phải được mở rộng về phía trước nối ra sông Công. Những ngôi nhà 4 tầng xây dựng lạc lõng trước công trình cần được dỡ bỏ. Sân trung tâm và xung quanh phải được trồng nhiều cây bóng mát và nhiều loại hoa thơm dùng để ướp trà như ngâu, sói, nhài, sen… Khi đó, du khách tới đây sẽ được thưởng thức trà với những hương vị theo ý muốn ngay dưới những gốc cây cổ thụ râm mát trên những bộ bàn ghế bằng tre hoặc bằng gốc cây. Trong khu vực có bố trí nơi ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, chợ quê cho du khách mua bán, không chỉ trà mà còn những lâm thổ sản và hàng lưu niệm độc đáo mang nhãn hiệu Thái Nguyên.


Những cửa hàng ăn uống được cải tạo, sẽ mang đến cho du khách những món ẩm thực phong phú và độc đáo của địa phương như: cơm lam, cá hồ Núi Cốc, ngô nướng, sắn lùi, xôi ngũ sắc… Du khách sẽ được nghỉ ngơi trên những nhà sàn truyền thống và được hướng dẫn những bài thuốc chữa bệnh bằng Trà.


Từ không gian văn hóa Trà du khách cũng sẽ được dẫn tới thăm các hộ gia đình làm trà, tham gia hái trà, sao trà, nghe kể những câu chuyện về trà, thưởng thức trà và dự đêm lửa trại, nghe những điệu hát Then, những bài ca về cây trà. Khi về lại được mang những món quà và những bức ảnh lưu niệm từ xứ trà về tặng người thân.


Nếu quy hoạch tổng thể không gian văn hóa trà được thực hiện, như vậy tin rằng nơi đây sẽ thu hút ngày một nhiều du khách góp phần quảng bá trà Thái Nguyên ra cả nước và cộng đồng quốc tế để nơi đây thực sự trở thành điểm đến của du lịch Thái Nguyên và Việt Nam.


KTS. Nguyễn Thế Khải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN