Mỗi tỉnh đều có những hình thức thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp khác nhau. Nhưng cả hai hình thức này đều mắc phải nhược điểm là quá phụ thuộc vào các công ty du lịch nhất là nguồn khách và mô hình du lịch này chỉ mới tác động lên một bộ phận nhỏ các hộ gia đình trực tiếp tham gia dự án.
NÔNG DÂN CHƯA THỰC SỰ LÀM CHỦ
Phụ thuộc vào các công ty du lịch
Ở An Giang không có một công ty nào đứng ra làm đầu mối cho tất cả các điểm du lịch nằm trong dự án du lịch. Người dân tự đứng ra tổ chức kinh doanh, tự cân đối thu chi. Mặc dù vậy, vai trò của các công ty du lịch ở An Giang cũng không hề nhỏ.
Ông Nguyễn Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường – Vườn Quốc Gia Cát Tiên thuộc Ban quản lý dự án cho biết: Nếu không có các công ty du lịch thì người dân sở tại sẽ không thể tự mình đứng ra làm du lịch. Người nông dân sẽ luôn bị rơi vào tình thế “bị động” khi công ty du lịch chấm dứt hợp đồng khai thác du lịch tại địa phương.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên cù lao Ông Hổ tại An Giang. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Khi tới An Giang, du khách không có cảm giác đi du lịch mà thật sự được trải nghiệm mọi hoạt động lao động, sinh hoạt văn hóa của người nông dân nơi đây. Thế nhưng, mặc dù là chủ thể của loại hình du lịch này song đa số người dân địa phương vẫn chỉ là nhân viên thời vụ. Mỗi khi các công ty lữ hành đưa khách đến địa phương mình. Họ chỉ tham gia vào một số công việc đơn giản như: chèo thuyền tham quan kênh rạch, đánh xe ngựa đưa khách di chuyển trên các cù lao hay phục vụ các bữa ăn. Trong khi đó các công việc chính như hướng dẫn khách tham quan, lên thực đơn cho các món ăn mang tính đặc trưng của vùng miền hay thiết kế các chương trình tham quan đều do các công ty du lịch phụ trách.
Ông Tôn Thất Đính, Tổ trưởng tổ hợp tác du lịch nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên) cho biết: Mỗi công ty du lịch sẽ tự lên thực đơn cho khách với những đơn giá khác nhau. Các món ăn mà các công ty du lịch đặt chúng tôi làm rất thông thường như: canh bí đỏ, sườn heo ram mặn, tôm rim chua ngọt… Vì vậy, dù ở đây có những món ăn đặc sắc mà không phải vùng nào cũng có như cá linh nhúng mắm, lẩu bông điên điển… nhưng du khách đi theo tour của công ty du lịch hiếm khi được thưởng thức. Trong khi đó, ẩm thực lại đóng vai trò không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch. Bởi, khi tới một địa điểm du lịch du khách không chỉ muốn khám phả vẻ đẹp thiên nhiên mà còn muốn được thưởng thức những món ăn độc đáo của mỗi vùng miền.
Chưa trở thành mô hình mang tính cộng đồng
Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ qua số lượng khách đến các điểm du lịch nông nghiệp ở Đồng Nai và An Giang ngày càng đông, người nông dân có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Nhưng trên thực tế các hoạt động du lịch này vẫn còn nhỏ lẻ, chỉ mới dừng lại ở kinh tế hộ gia đình mà chưa trở thành mô hình du lịch nông dân mang tính cộng đồng.
Ông Nguyễn Xuân Chinh chia sẻ thêm: Mục đích của Dự án phát triển du lịch sinh thái trong và xung quanh khu bảo tồn ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên là khi kết thúc dự án sẽ có 30% số hộ của 3 xã được tham gia mô hình này. Nhưng hiện tại số người tham gia làm du lịch trong dự án rất khiêm tốn: ở Tà Lài mới có 10 người tham gia tổ hợp tác du lịch, còn Đắk Lua chỉ có 3 hộ làm mô hình homestay. Lẽ ra số người dân được hưởng lợi từ du lịch phải nhiều hơn nữa. Do người dân nơi đây vẫn còn tâm lý "ăn xổi ở thì” nên chưa mạnh dạn đầu tư vào du lịch nông nghiệp. Mặt khác các công ty du lịch lại thuê nhân viên địa phương để phục vụ tại chỗ dựa nhưng do lượng khách du lịch chưa nhiều thì họ chưa thể thuê nhiều nhân viên địa phương.
Kết thúc Dự án Du lịch nông nghiệp ở An Giang có 8 xã với 82 hộ tham gia đi vào hoạt động ổn định. Để có được kết quả đáng khích lệ trên trên là sự nỗ lực lớn của ngành du lịch, của Hội Nông dân tỉnh An Giang trong việc vận động bà con nông dân tham gia làm du lịch. Mặc dù vậy, 82 hộ trên 8 xã kinh doanh du lịch vẫn chưa nhiều. Tiềm năng du lịch cù lao Ông Hổ rất lớn nhưng ở đây số hộ tham gia mô hình du lịch nông nghiệp vẫn còn thưa thớt. Nhiều cảnh đẹp nơi đây vẫn còn bị bỏ hoang. "Khi cùng tham gia làm du lịch mọi người sẽ có ý thức bảo vệ môi trường, chăm lo sửa sang vườn tược hơn. Như vậy cảnh quan môi trường ở cù lao Ông Hổ sẽ được mọi người đồng lòng bảo vệ và ngày càng đẹp hơn, thu hút được nhiều khách du lịch hơn” – ông Tôn Thất Đính cho biết.
Nếu chỉ dừng lại trong phạm vi vài chục hộ tham gia dự án thì tác động của các dự án này sẽ rất hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới ngành du lịch các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để hình thành một mạng lưới du lịch nông nghiệp mang tính cộng đồng. Tức là vận động nhiều hơn nữa người nông dân vào hoạt động kinh tế du lịch địa phương thay vì chỉ dừng lại ở vài chục hộ cá biệt.
(còn tiếp)