Bắc Ninh nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội (trung tâm du lịch lớn nhất cả nước), thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có nhiều tuyến đường huyết mạch gắn kết với các địa phương khác. Cùng với bề dày lịch sử văn hóa hàng nghìn năm, Bắc Ninh được coi là địa phương hội tụ nhiều thuận lợi để phát triển du lịch, tuy nhiên nhưng năm qua lĩnh vực này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Bắc Ninh định hướng đầu tư phát triển, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn, là trung tâm du lịch văn hóa lớn của đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết nêu rõ thế mạnh, hoạt động làm mới để nâng cao chất lượng các dịch vụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, loại hình du lịch của địa phương.
Bài 1: Phát huy thế mạnh sẵn có
Bắc Ninh (Kinh Bắc) từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất “mỹ tục khả phong”, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến, cách mạng. Đây chính là thế mạnh, tiềm năng phát triển, nếu được khai thác tốt sẽ góp phần đưa du lịch của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Phát huy thế mạnh
Bắc Ninh có gần 1.600 di tích; trong đó có 643 di tích được xếp hạng gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt; 204 di tích quốc gia và 435 di tích cấp tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 17 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Được coi là “danh lam cổ tự” của Việt Nam, chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành) là ngôi chùa có giá trị kiến trúc, nghệ thuật với chiều sâu tâm linh và nhiều bảo vật, hiện vật có giá trị khiến du khách như lạc vào cõi Phật. Theo anh Nguyễn Hữu Chiến, cán bộ Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, hàng năm, chùa đón rất nhiều du khách đến tham quan. Mỗi người đến đây đều cảm nhận được vẻ đẹp, sự kết hợp giữa kiến trúc độc đáo với nhiều tòa ngang, dãy dọc kiểu “trăm gian” cùng những bảo vật, cổ vật được lưu giữ tạo nên không gian thanh tịnh.
Cùng gia đình tham gia chùa Bút Tháp, chị Nguyễn Thị Tâm (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đây là lần thứ 2 chị đến chùa Bút Tháp. Qua bảng giới thiệu di tích gắn trong chùa, chị biết được những giá trị độc đáo ở đây với kiến trúc hài hòa, sự kết hợp giữa các họa tiết gỗ, đá tinh xảo. Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay, ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án.
Một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch của Bắc Ninh là Đền Đô và khu lăng mộ các vị vua triều Lý (thành phố Từ Sơn). Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn (người đã có hàng chục năm gắn bó với Đền Đô, làm công tác nghiên cứu, thuyết minh tại Đền Đô) cho biết, đến Đền Đô là tìm về cội nguồn của dân tộc. Du khách đến đây đều hào hứng khi vừa tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, vừa chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của ngôi Đền. Đặc biệt, để phục vụ tốt du khách thập phương, Ban Quản lý di tích Đền Đô đã đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh sẵn sàng phục vụ du khách. Do đó khách đến tham quan đều cảm nhận được sự hiếu khách, phục vụ chuyên nghiệp.
Nhiều năm nay chị Nguyễn Thị Thanh (huyện Gia Lâm, Hà Nội) luôn duy trì đi lễ tại Đền Đô vào dịp đầu năm. Về ngôi Đền, chị có thể chiêm bái, tưởng nhớ công ơn gìn giữ, xây dựng nước nhà của các vị vua triều Lý. Đặc biệt, chị được cảm nhận văn hóa, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc. “Tuy nhiên, du lịch tại Bắc Ninh vẫn chủ yếu là du lịch tâm linh, quãng đường di chuyển giữa các điểm du lịch ngắn nên chỉ cần 1 ngày là có thể đi hết các điểm, trong khi các dịch vụ mới ít, sản phẩm du lịch, quà lưu niệm đơn điệu. Đây là điều hạn chế, khó thu hút khách lưu trú dài ngày”, chị Thanh chia sẻ.
Phát triển du lịch văn hóa, lễ hội
Đến với Bắc Ninh, du khách không thể bỏ qua loại hình du lịch đặc sắc là du lịch Quan họ. Mỗi năm, nhà Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm, khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đón hàng chục đoàn khách lên đến thưởng thức văn hóa Quan họ.
Trong thư viện Quan họ được sưu tầm bởi tình yêu Dân ca Quan họ của hai chị em Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm và Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sang tại tư gia của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm luôn vang lên những câu Dân ca Quan họ Bắc Ninh say đắm lòng người. Hàng chục năm nay, đặc biệt từ khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh, gia đình bà là điểm đến quen thuộc của nhiều đoàn tham quan nghe hát Dân ca Quan họ. Từ khi thư viện Quan họ được thành lập thì đây còn là nơi để mọi người có thể tìm hiểu văn hóa Quan họ.
Cùng với du lịch Quan họ, loại hình du lịch lễ hội đầu năm cũng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Lễ hội vùng Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh sau 3 năm tạm dừng không tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2023, huyện Tiên Du lại tổ chức lễ hội. Theo Chủ tịch UBND huyện Tiên Du Nguyễn Đại Đồng để lễ hội diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho du khách thập phương, ngay từ sớm, Ban tổ chức đã xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng người, đơn vị. Vì vậy, Lễ hội vùng Lim năm 2023 thu hút hàng vạn du khách trong 2 ngày diễn ra để lại dấu ấn tốt đẹp cho nhân dân địa phương và du khách thập phương khiến ai đã một lần đến với lễ hội đều muốn “đến hẹn lại lên”.
Hàng chục năm nay, cứ đến 12 tháng Giêng, anh Nguyễn Hoàng Minh, ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng lại về với hội Lim để được được đắm mình trong không gian văn hóa Quan họ. Mỗi lần đến với hội Lim anh đều cảm nhận được sự đổi thay tích cực từ công tác tổ chức. Năm nay, Ban tổ chức lựa chọn các câu lạc bộ hát tại lễ hội rất đa dạng bao gồm những làng Quan họ cổ, Quan họ thực hành và Quan họ măng non.
Bài 2: Đa dạng hóa các loại hình du lịch