Trở thành sản phẩm chủ đạo của kinh tế đêm
Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đã đề ra mục tiêu phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, Đề án khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Theo Đề án, đến năm 2025, tại các địa phương trọng điểm về phát triển du lịch, trong đó có các tỉnh, thành ở khu vực Nam Bộ như Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm, tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất một đêm. Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn, phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.
Tại TP Hồ Chí Minh, bà Đinh Tố Hoa, Phó trưởng Phòng Công nghệ - Thông tin du lịch (Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh) cho biết, du lịch giải trí - ẩm thực - dịch vụ về đêm là một trong ba nhóm sản phẩm du lịch Thành phố đang tập trung phát triển, xem đây là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy du lịch. Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế để sẵn sàng đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm đặc sắc, độc đáo dựa vào cảnh quan thiên nhiên, không gian văn hóa, lịch sử, ẩm thực, mua sắm, vui chơi, giải trí... góp phần hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại TP Hồ Chí Minh và một số thành phố trọng điểm du lịch như Đề án "Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm" đã đề ra.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xác định du lịch là một trong 5 trụ cột kinh tế quan trọng của địa phương. Tỉnh chọn các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn gồm hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, mua sắm, giải trí đêm, tham quan, du lịch đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực. Từ đó, các giải pháp tỉnh triển khai là xác định khu vực, địa bàn cụ thể để định hướng phát triển tập trung mô hình sản phẩm du lịch đêm, lồng ghép quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm vào nội dung quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung các huyện, thị xã, thành phố, quy hoạch đô thị đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và đời sống của người dân.
Tỉnh cũng xây dựng mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông, trung tâm đô thị, khu, điểm du lịch; tổ chức phân luồng giao thông, quản lý các tuyến phố cho các hoạt động du lịch đêm. Cùng với đó, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và nhà ở phù hợp với mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Đến năm 2030, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm, đồng thời hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại huyện Xuyên Mộc và thành phố Vũng Tàu, hình thành và phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thành phố Cần Thơ ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ, trong đó có các sản phẩm du lịch đêm. Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng phát triển đến năm 2030, một trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước là Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn kết phát triển du lịch với hành lang kinh tế ven biển thuộc hành lang kinh tế phía Nam. Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, đối với phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ đêm, Cần Thơ tuân thủ quy hoạch, phát triển các sản phẩm dịch vụ đa dạng, hấp dẫn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí vào ban đêm cho cư dân thành phố, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khách quốc tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thành phố.
Chú trọng khai thác giá trị văn hóa bản địa
Đề cập phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ diễn ra vào ban đêm - sản phẩm chủ lực của kinh tế đêm, nhiều chuyên gia, nhà quản lý có chung quan điểm: các sản phẩm du lịch đêm cần được phát triển một cách đa dạng và có tính riêng biệt theo từng vùng, miền. Các địa phương, điểm đến cần đặc biệt chú trọng khai thác giá trị văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch đêm như tham quan làng cổ, làng nghề, di tích lịch sử, tôn giáo… về đêm.
Đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng lên 15% mỗi năm. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, có khoảng 56% khách quốc tế chủ yếu tìm hiểu về giá trị văn hóa - lịch sử. Vì vậy, đối với phát triển sản phẩm du lịch đêm, ngành Du lịch Thành phố từng bước phát triển chương trình nghệ thuật thực cảnh về TP Hồ Chí Minh làm điểm nhấn trong chương trình tham quan với bản sắc riêng, có chiều sâu của văn hóa, lịch sử và có quy mô lớn, sự mới mẻ theo xu hướng của thế giới để thu hút khách tham gia và chi tiêu mạnh về đêm.
Thành phố khuyến khích các bảo tàng, khu di tích gắn với văn hóa lịch sử tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm hấp dẫn và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở cửa phục vụ du khách về đêm, tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch. Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng xác định các sản phẩm tiềm năng lợi thế như du lịch đường thủy, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí và kinh tế đêm. Đồng thời, để phát triển du lịch bền vững gắn với mô hình kinh tế đêm tại TP Hồ Chí Minh, các cấp, ngành tiếp tục xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn giá trị truyền thống, gìn giữ di sản, cảnh quan và phát triển, đưa Thành phố trở thành một trung tâm du lịch sôi động, nhộn nhịp, hấp dẫn về đêm. Trong quá trình khai thác sản phẩm du lịch, dịch vụ đêm, các cấp, ngành cần chú ý cân bằng lợi ích giữa các chủ thể có liên quan như nhu cầu vui chơi của du khách và nghỉ ngơi của người dân.
Từ góc nhìn đại diện doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel cho rằng, hiện nay, một số địa phương còn khó khăn, lúng túng khi triển khai kinh tế ban đêm. Đa phần là triển khai phố đi bộ, ăn uống, chưa tận dụng hết thế mạnh về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người, đặc biệt là các tập tục của người dân. Du lịch đêm cần được tập trung theo hai nhóm: sản phẩm gắn với văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí; sản phẩm gắn với các chương trình văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, các khu ẩm thực, chợ đêm cần được đầu tư và quy hoạch bài bản, đảm bảo các yếu tố vệ sinh thực phẩm, an toàn, thân thiện và đặc biệt phải mang nét văn hóa của địa phương.
Đề xuất sản phẩm du lịch đêm gắn với văn hóa bản địa, lấy ví dụ từ một địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long là thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), Tiến sĩ Hà Kiên Tân (Trường Đại học Thủy lợi) phân tích, tỉnh này tập trung nhiều tài nguyên văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Phát triển sản phẩm du lịch đêm gắn với văn hóa bản địa, tỉnh có thể tổ chức các hoạt động như trình diễn ánh sáng trên dòng sông Maspero chảy qua thành phố, trình diễn thả đèn nước, thả hoa đăng; tổ chức các trò chơi dân gian trên sông nước, khai thác hệ thống cửa hàng OCOP, bán quà lưu niệm phục vụ đêm, biểu diễn nghệ thuật truyền thống của các dân tộc, tạo nét riêng níu chân du khách.