Đường vào động Thiên Cung, Hạ Long. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Phát biểu khai mạc, ông Jake Brunner, Quyền trưởng đại điện IUCN Việt Nam cho biết: Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy vậy, tại một số tỉnh duyên hải, đặc biệt tại các khu vực lân cận và trong vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu Di sản Thế giới, sự phát triển du lịch quá mức đang gây ra nhiều quan ngại. Chính vì vậy, qua buổi tọa đàm này, các nhà báo sẽ có cơ hội trao đổi trực tiếp với các quản lý, các chuyên gia và các tổ chức quốc tế về tác động của phát triển du lịch đối với môi trường nói chung và hệ sinh thái tại khu vực Vịnh Hạ Long - Cát Bà nói riêng, cũng như tìm hiểu các giải pháp đối với phát triển du lịch bền vững tại khu vực này.
Nghị Quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 82 triệu lượt khách du lịch nội địa. So với tổng lượng khách thực tế cuối năm 2016, có 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa, mục tiêu năm 2020 đang hướng đến tăng gấp 1.3 - 2 lần số lượng khách du lịch hiện có.
Nuôi cá lồng bè trên Vịnh Gia Luận - Cát Bà tạo cảnh quan đẹp thu hút du khách. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Tại buổi tọa đàm, các nhà báo được tham gia thảo luận nhóm về các vấn đề chính liên quan đến phát triển du lịch trong các khu di sản tại Việt Nam như: Quy hoạch du lịch về hạ tầng, quy hoạch du lịch về dịch vụ; xử lý nước thải tàu du lịch; bảo tồn loài và đa dạng sinh học… Theo đó, các nhóm đề cập đến việc thu thập thông tin như tiếp cận nguồn tin (từ các chuyên gia, cơ quan chức năng…) hiện trường và nội dung thông tin lõi.
Các chuyên gia, các tổ chức quốc tế chia sẻ và đóng góp nhiều ý kiến chính cụ thể như: Quản lý du lịch bền vững để bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của các Khu Di sản ở Việt Nam; nguyên tắc quy hoạch hạ tầng phát triển du lịch nhằm bảo tồn các giá trị nổi bật của các khu di sản thiên nhiên; mối quan hệ giữa môi trường và phát triển du lịch tại Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; các sáng kiến và kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững trong nước và quốc tế…
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã đề xuất các giải pháp phát triển du lịch bền vững trong các khu di sản thiên nhiên, trước hết cần xây dựng tầm nhìn và định hướng kế hoạch hành động Công ước 1972 về bảo vệ Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới, đáng chú ý là giải bài toán quy hoạch phát triển (phân khúc cơ sở hạ tầng; dịch vụ; xử lý nước thải du lịch…) nhằm tăng cường nhận thức của công chúng về hiện trạng môi trường, nâng cao chất lượng nước ở vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.